Nhật Bản: Lăng mạ người khác trên mạng gia tăng

Nhật Bản: Lăng mạ người khác trên mạng gia tăng
TPO - Mấy năm trước, nhiều người nghĩ các lời nói xấu chỉ xuất hiện trong sân trường và lớp học nhưng hiện nay chúng còn xuất hiện trên Internet.
Nhật Bản: Lăng mạ người khác trên mạng gia tăng ảnh 1
Các trường hợp bị bắt nạt trên mạng đang ngày càng gia tăng

Mùa thu năm ngoái, những tin nhắn đăng trên Internet kể về một học sinh “chết bất đắc kỳ tử” và “biến mất hoàn toàn khỏi thế giới này”. Cảnh sát lần theo dấu vết và phát hiện 2 học sinh đã viết tin nhắn xuyên tạc này và giao họ cho gia đình xử lý.

Thế nhưng hậu quả tồi tệ đã xảy ra: nạn nhân nghỉ học trong một khoảng thời gian dài và cuối cùng phải chuyển đến học tại trường khác.

Tháng 11 năm ngoái, cuốn truyện có nội dung khiêu dâm sử dụng tên một nam sinh ở Akita được đăng trên Internet. Học sinh này không dám đến trường một mình và những nỗ lực của cảnh sát nhằm tìm ra kẻ phạm tội vẫn chưa đạt kết quả khả quan.

Một nghiên cứu về tình trạng ức hiếp trong học đường do Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ thực hiện năm 2006 công bố: Gần 5.000 trường hợp bị chế nhạo và ức hiếp qua email và một số tập san trên Internet.

Những người bạn cùng lớp của học sinh THPT tự sát vào tháng 7 vừa qua đã “săn lùng” cậu qua tin nhắn điện thoại để đòi tiền. Họ đăng hình khỏa thân và lời nói lăng mạ cậu trên một trang web.

Masashi Yasukawa - Chủ tịch Hội đồng Quản lý web Quốc gia - cho rằng việc sỉ nhục người khác trên Internet tăng chóng mặt vào năm ngoái. Hội đồng nhận được rất nhiều cuộc gọi xin tư vấn của trẻ em.

Nhật Bản: Lăng mạ người khác trên mạng gia tăng ảnh 2

Một trẻ kể có người bí mật chụp ảnh cậu và gửi nó qua email. Đứa trẻ khác thì hỏi nên làm gì sau khi ảnh của mình bị đưa lên các trang web với lời mời chào hẹn hò để kiếm tiền.

Hầu hết các email với nội dung lăng mạ người khác đều được gửi đến các bạn cùng lớp với nạn nhân và chúng đều dùng tên giả cùng địa chỉ phổ biến.

Một vài học sinh còn tạo tập san trường giả mạo – nơi chúng có thể nói xấu các học sinh khác. Những tập san “ngầm” ngang nhiên hoạt động mà không có sự kiểm soát của giáo viên và phụ huynh.

Một giáo viên đang dạy tại trường công ở quận Kanagawa sợ hãi sau đọc thông tin về học sinh được viết trên một bảng thông báo. “Mục tiêu” của những lời thóa mạ này, như “Mày thực sự làm tao chán ngấy” và “Mày đang chìm dần. Đừng đẩy vận may này đi nhé!” được ghi rõ họ tên.

Các nạn nhân lần lượt xuất hiện từng người một. Sự chửi rủa chuyển từ học sinh này sang học sinh khác sau khi học sinh kia đã thu hút sự chú ý của mọi người trong nhiều ngày.

Cty cung cấp server của website được yêu cầu xóa bỏ thông tin trực tuyến trên đó. Tuy nhiên, họ không thể nhận diện người chịu trách nhiệm mở trang web. Như vậy, thông báo này vẫn còn nguyên ở đó.

“Trường học không thể quản lý các tập san trực tuyến. Do đó, tất cả những gì chúng ta có thể làm là yêu cầu học sinh kiềm chế khi bị chòng ghẹo” - Nhà giáo ở trên nói.

Nỗ lực tìm ra học sinh đã viết các tin nhắn lăng mạ đó vẫn không có kết quả. Nhà trường sẽ phải đưa ra phương sách có hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này.

Một nhà giáo đang dạy tại trường công ở quận Fukushima cho rằng email và tin nhắn qua mạng đang được sử dụng để nói xấu người khác, nhưng giáo viên gặp trở ngại khi tìm cách dẹp bỏ hành vi xấu này.

“Ngay cả dù chúng ta muốn ngăn cản học sinh làm như vậy, chúng ta cũng không biết nên khuyên răn với những đối tượng học sinh nào”.

Nhưng một số Cty chuyên về công nghệ thông tin đang tiến hành giải quyết vấn đề.

Hôm 7/11, các Cty này đã đưa ra dịch vụ tính cước phí giám sát thông tin trên website “ngầm” và bắt đầu yêu cầu người điều hành website xóa những tin nhắn xúc phạm người khác. Theo nguồn tin, các Cty này cũng nhận được 10 yêu cầu từ Ban giáo dục và những trường tư.

Giáo sư Hirotsugu Shimoda của trường ĐH Gunma, chuyên gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, phát biểu rằng 5.000 trường hợp vừa được tiết lộ trong cuộc điều tra của Bộ chỉ là đỉnh của tảng băng, vì chỉ xét số lượng học sinh sử dụng điện thoại di động.

“Những đứa trẻ nói xấu người khác phần nào để đùa cợt. Giáo viên và phụ huynh nên giúp trẻ cảm nhận nỗi đau gây ra cho học sinh khác khi họ bị phỉ báng càng sớm càng tốt” - Ông nói.

Lan Dung
Theo Daily Yomiuri

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.