Nhân Ngày Quốc tế về Nước, 22/3/2005:

Nhiều con sông Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng

Nhiều con sông Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng
Các nhà môi trường cảnh báo chất lượng nước có dấu hiệu ngày càng tệ, nhất là hạ lưu một số sông chính.

Theo báo cáo mới đây về diễn biến môi trường nước Việt Nam do Bộ Tài nguyên&Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế khác thực hiện, chỉ số tài nguyên nước trung bình tính theo đầu người của ta thấp hơn mức trung bình  ngay trong Đông nam Á, 4170m3/người thay vì 4.900m3/người.

Tuy nhiên, việc bố trí kinh tế của nước ta lại theo hướng như là ở đâu cũng có nước và mùa nào trong năm cũng có nước. Chúng ta xài nước cũng “vô tội vạ”. Chuyện vật lộn đến khốn khổ với khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên là ví dụ.

Ngay sau khi giải phóng miền Nam, một đoàn nhà khoa học đã vào khảo sát vùng này và sớm khuyến cáo về một nền kinh tế uyển chuyển thích ứng với khô hạn. Nhà địa chất Nguyễn Văn Chiển cho biết: Từ 30 năm trước, chúng tôi đã báo cáo đề tài nhưng 30 năm qua các kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được cơ quan nào ngó tới.

Các nhà môi trường cảnh báo chất lượng nước có dấu hiệu ngày càng tệ, nhất là hạ lưu một số sông chính. Quan trắc 4 con sông chảy qua các đô thị chính của Việt Nam, mạng quan trắc môi trường quốc gia đưa ra số liệu cho thấy hai thông số cơ bản là amoni (NH4+) và nhu cầu oxy sinh hoá (BOD) đều vượt quá tiêu chuẩn nước loại A.

Nước thải chưa qua xử lý đổ ra các sông bị quy là nguồn gây ô nhiễm chính. Theo Viện Kỹ thuật Nhiệt đới&Bảo vệ môi trường, mỗi ngày, các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) ở các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thải trên 137.000 m3 nước thải chứa gần 93 tấn chất thải đổ ra các sông Đồng Nai, Thị Vải và Sài Gòn.

 Lượng NH4 vượt TCCP trên các sông Hồng, Cầu, và Thương từ 150-200%. Lượng BOD5 tại các sông trên vượt TCCP 270-380%. Sông Hiếu và sông Hương ở Bắc Trung Bộ có hai chỉ số trên vượt TCCP lần lượt 150-180% và 200-300%.

Sông Hàn tại  duyên hải Nam Trung Bộ vượt 140-260% và 100-200%. Còn sông Sài Gòn ở đồng bằng Cửu Long có chỉ số BOD5 vượt 200-400%. Sông Thị Vải kinh hơn, vượt 1000- 1500%.

Trong khi đó, chỉ 2 trong số 12 KCN và KCX ở TP Hồ Chí Minh, 3 trong số 17 KCN và KCX ở Đồng Nai, và 2 trong số 13 KCN và KCX ở Bình Dương, đặc biệt không có KCN và KCX nào của Bà Rịa- Vũng Tàu có hệ thống xử lý nước thải.

Theo các chuyên gia môi trường, để giải quyết ô nhiễm môi trường chỉ riêng khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, năm nay (2005) cần đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng (gần 400 triệu USD). Cứ đà ô nhiễm này, năm 2010, cần không dưới 13.000 tỷ đồng (900 triệu USD) cho khu vực trên. Tính cho toàn quốc và tính cho khắc phục cả ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm nước biển và ven biển, tính cho khắc phục lũ lụt, hạn hán, mực nước biển dâng, trượt lở đất, bão nhiệt đới, sạt lở ven biển v.v..., chi phí còn kinh khủng hơn.

Thế mà không hiểu sao, từ năm 1999 đến gần đây, đầu tư của Nhà nước cho ngành nước lại giảm về tỷ lệ trong ngân sách. Chưa năm nào trong mấy năm qua đạt được tỷ lệ chi cho ngành nước 8,2% ngân sách như năm 1999.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị ban hành tháng 11/2004 về công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới và chương trình hành động ban hành hồi tháng 1/2005 của Chính phủ triển khai Nghị quyết 41 là cơ hội để tất cả chúng ta nhìn lại cách ứng xử của chúng ta với tài nguyên nước vốn hiếm hoi chứ không phải dồi dào như sách dạy.

MỚI - NÓNG