Những “con sâu mạng” là nhà văn

Những “con sâu mạng” là nhà văn
TP- Vẫn còn nhiều nhà văn ta "mù vi tính" vì vậy số nhà văn chơi blog ở nước ta không đông lắm. So với số người viết văn cả nước thì người có blog quá nhỏ, có lẽ chưa tới một phần trăm. Nhưng, ngược lại  không khí blog nhà văn thật sôi động, vui đáo để.

Họ sáng tác trên blog, đọc nhau, cảm nhận, trao đổi bàn luận việc nước, việc đời rất rôm rả.

Giới sành mạng cho rằng , nhà văn trẻ đầu tiên khẳng định tên tuổi mình  trên blog-web là Trần Thu Trang với tác phẩm Phải lấy người như anh. Tác phẩm  của Trang sau đó đã được nhà xuất bản ấn hành. Blog là vậy đó !  Chơi mà thật. Vậy chơi blog có gì hấp dẫn mà  nhiều nhà văn say mê như vậy ? Có nhà văn có một lúc hai blog như Nguyễn Quang Lập và Hoàng Đình Quang, vừa chơi trên 360o.yahoo.com vừa Vnweblogs.com

Nhà văn thích chơi blog vì blog nói được nhiều chuyện mà mình tâm đắc, có ích cho người, cho đời. Ví dụ chuyện Công ty Vedan xả nước thải giết sông Thị Vải vừa qua được hàng chục trang web, blog phản ảnh.

Một số khiếm khuyết trong việc thực hiện bộ phim "Linh hồn Việt Cộng" của nhà văn Minh Chuyên được blog vanconghung.vnweblogs.com đề cấp rất chi tiết, đánh động được dư luận.

Chuyện công ty như nhân gọi là Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn tiến sĩ Việt Nam (CPD) khởi động dự án lập Khu văn Miếu thời hiện đại cho các cụ rùa đội hơn 16000 bia tiến sĩ mà các báo đã phê phán, can ngăn, các trang blog của các nhà văn cũng lên tiếng rất mạnh mẽ.

Rồi chuyện chống bão lụt, cứu trợ đồng bào; chuyện nông nghiệp nông dân, nông thôn; có blogger như Thuận Nghĩa, một thầy thuốc người Việt ở Đức công bố trên blog cả những bài thuốc mà anh đang thực hành hàng ngày với bệnh nhân để giúp những người ở xa đọc mạng mà tự chữa bệnh.

Hay những cuộc tranh luận văn chương, khen chê tác phẩm này, tác phẩm khác… Nhiều trang viết tâm huyết đó, được nhiều người đọc hơn báo giấy đã góp phần  tạo nên dư luận xã hội giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn, con người được tôn trọng hơn. 

Nhiều địa phương đã thành lập Câu lạc bộ Bloggers như TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đông Hà…mỗi câu lạc bộ như thế có hàng chục Bloggers. Họ tổ chức "ra mắt", lên lịch hoạt động rất rôm rả. 

Câu lạc bộ Blog gần giống  như là một tổ chức văn chương tự nguyện (Pen Club), để giúp đỡ nhau về điều kiện vật chất, kích thích sáng tác . Ví dụ Câu lạc bộ Blog Trúc Sơn Trang ở Đông Hà do nhà văn Xuân Đức đứng đầu đã chung tiền mua cho Blogger hội viên nghèo Phan Văn Quang một cái máy vi tính  6 triệu đồng để anh viết thơ hàng ngày. Trúc Sơn Trang Club còn tổ chức một chuyến đi thực tế sáng tác ở miền Tây Nam Bộ , giao lưu với các CLB Blog Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bạc Liêu…

Nhưng có lẽ, như Nguyễn Quang Lập nói: "Blog của tôi là chiếu rượu vui… Tôi nghĩ blog cũng là dạng nhật kí, chỉ khác nó là thứ nhật kí có tương tác, có giao lưu. Cái này thú hơn nhật kí như ta vẫn làm, chỉ sướng lấy một mình, không có ai quan tâm".

Các entry (bài viết đưa lên blog) của Lập trên mạng viết về những chuyện thật xảy ra ở quê mình, hay chuyện bạn bè say, yêu, với lối kể chuyện tài hoa, hấp dẫn  đã thu hút  một lượng lớn những con "sâu mạng". Có lúc vì tếu táo quá lời, Lập bị người này giận, người kia mắng, nhưng đa phần những  bài viết của anh đầy tính nhân bản được nhiều người tán thưởng.

Từ hoa hậu, giáo sư, tiến sĩ cho đến... học sinh cấp 2 đều đọc và viết comment (lời bình) đối thoại với anh.  Mỗi lần mở blog Lập, tôi đọc và ngẫm  cười rinh rích một mình trước máy. Có nhà văn say blog, thức đế  hai ba giờ sáng để  mỗi ngày có entry mới  

Có ý kiến cho nhà văn chơi blog "lợi bất cập hại", blog nguy hiểm "như trái bom nổ chậm"…Nhà nước đã ban hành văn bản quản lý blog.  Quả là có một số blogger vội công bố những thông tin  mà chẳng cần biết hậu quả xã hội ra sao, chẳng cần thẩm định .

Nhưng đó là blogger nói chung, họ chưa thạo nghề viết, còn  theo tôi nhà văn chơi blog chỉ có lợi, chẳng có hại gì cả. Vì đã là nhà văn thì viết văn trên giấy không khác gì viết văn trên mạng, là viết cái tình yêu, tâm sự của mình với cuộc đời, đất nước và con người.  Blog là một cuộc chơi của các nhà văn thời @ cần được khuyến khích, tôn trọng. Cá nhân tôi mong ngày càng có nhiều nhà văn  trở thành những bloggers "sành điệu".

Một số nhà văn có blog  hoặc trang web cá nhân : Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Trần Nhương, Văn Chinh, Hà Phạm Phú, Phạm Xuân Nguyên, Tuyết Nga, Trang Hạ, Nguyễn Hữu Quý, Trần Quang Đạo, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Hòa, Nguyễn Khắc Phục, lâm Thị Mỹ Dạ; Văn Cầm Hải, Mai Văn Hoan,...

Gần đây xuất hiện thêm Trần Hoàng Cương, Nguyễn Quang Vinh, Phạm Ngọc Tiến, Hạ Nguyên.v.v…

Đặc biệt, các nhà văn, nhà thơ trẻ có blog-web rất đông người truy cập như: Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Trần Tiễn Cao Đăng ,Thanh Xuân, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Hoa Ngõ Hạnh, Trương Quế Chi, Lê Thiếu Nhơn…

MỚI - NÓNG