Những “nông dân tìm vàng” ở Trung Quốc

Những “nông dân tìm vàng” ở Trung Quốc
Đó là tên gọi ám chỉ những game thủ, bỏ ra 12 tiếng/ngày để giết quái vật và đánh trận trên games máy tính nhằm thu tiền và những tài sản ảo có thể đổi ra tiền.

Bên trong một nhà kho cũ ở Phúc Châu một nhóm thanh niên dán mắt vào màn hình để chơi game, nhưng không phải để giải trí mà để kiếm tiền. Những người này - được gọi là “nông dân tìm vàng” (gold farmers).

Lý do là từ Hàn Quốc đến Mỹ, nhiều game thủ dư dả tiền bạc, nhưng lại thiếu thời gian và kiên nhẫn để nâng cấp trình độ của mình trong thế giới game, sẵn lòng trả tiền để những game thủ Trung Quốc chơi giúp họ những vòng đầu tiên.

Một game thủ 23 tuổi có biệt danh là “Wandering” tại phòng game trực tuyến nói trên cho biết: “Suốt 12 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, tôi và các đồng nghiệp chỉ có mỗi công việc là giết quái vật trong game. Tôi kiếm được khoảng 250 USD/tháng, khá cao nếu so với những công việc khác mà tôi từng làm. Không những thế, tôi còn có thể chơi game suốt ngày”.

Tuy nhiên, việc chơi game ở những nơi này không phải lúc nào cũng mang lại sự vui thích. Các game thủ phải đáp ứng những yêu cầu và bị các ông chủ giám sát chặt chẽ.

“Wandering” là một trong số hơn 100.000 game thủ được cho là đang làm việc hằng ngày bên trong những quán cà phê Internet, nhà kho bị bỏ hoang, các văn phòng nhỏ hay ở nhà riêng ở Trung Quốc.

Những người này đang góp phần tạo ra một ngành nghề mới, tận dụng lợi thế chi phí nhân công thấp ở Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong lĩnh vực game trực tuyến trên thế giới.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện có hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn, phòng game trực tuyến ảo mới. Ông Edward Castronova - Giảng viên môn Viễn thông tại Đại học Indinana (Mỹ) - nhận định: “Họ đang tận dụng sự khác biệt về tiền lương dành cho lao động phổ thông giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Sự bùng nổ của các phòng game ở Trung Quốc đang gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng game. Nhiều game thủ trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích, rằng các phòng game như thế làm méo mó việc chơi game. Vì những người được thuê chỉ chơi game vì lợi nhuận, không phải vì yêu thích.

Một số game thủ Mỹ vừa cấm những người không nói tiếng Anh – phần lớn là người đến từ Trung Quốc – gia nhập nhóm của họ. Một số Cty game lớn cũng cáo buộc các phòng game Trung Quốc vi phạm quy định của game vốn cấm người chơi bán hàng hóa ảo để lấy tiền thật.

Dù vậy, những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc kinh doanh tài sản ảo trong game là không nhiều. Thậm chí, trong thời gian gần đây, một số Cty game trực tuyến lớn bắt đầu nhảy vào lĩnh vực này do không thể cưỡng lại sức hút của lợi nhuận.

Sony Online Entertainment - Nhà sản xuất game EverQuest - đã tạo ra sàn giao dịch Station Exchange để thay thế cho những cuộc giao dịch hay bán đấu giá trái phép tài sản ảo của game.

Một số Cty mới thành lập cũng đóng vai trò như là những nhà môi giới quốc tế giữa người bán và người mua ở những nước khác nhau.

Theo NLĐ/ New York Times

MỚI - NÓNG