Những vụ hack bí hiểm nhất

Những vụ hack bí hiểm nhất
TP - Hệ thống máy tính của NASA, Vệ tinh Bộ Quốc phòng Mỹ bị tấn công, kênh thông tin CBSNews bị xóa trắng… Đó là những vụ tấn công máy tính nguy hại mà hơn 20 năm qua, các chuyên gia vi tính cao cấp vẫn chưa truy tìm được nguồn gốc tấn công từ đâu và do ai thực hiện.

Có lẽ đây là vụ tấn công nghiêm trọng đầu tiên vào Cơ quan hàng không vũ trụ (NASA) Mỹ. Tháng 10/1989, một loại virus máy tính có tên là WANK đã lây nhiễm vào hệ thống máy tính của NASA đặt tại Greenbelt và Maryland.

Hậu quả là các banner mang thông điệp của kẻ tấn công chạy thông suốt trên các màn hình máy tính. Nguyên nhân sâu xa của vụ tấn công này là nhằm phản đối NASA phóng tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân lên Sao Mộc.

Cho đến nay, FBI và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Mỹ vẫn chưa thể lần ra nguồn gốc của vụ tấn công đã xảy ra hơn 20 năm qua. Nhiều nhận định cho rằng có thể chúng được bắt nguồn từ Melbourne và do các hacker người Australia tiến hành. Bản thân NASA đã phải tốn tới nửa triệu USD (vào thời điểm năm 1989) để giải quyết hậu quả của vụ tấn công này.

Vệ tinh Bộ quốc phòng Anh bị hack (2/1999)

Một nhóm nhỏ hacker đã lần ra đầu mối và đoạt quyền kiểm soát vệ tinh quân sự Skynet của Bộ Quốc phòng Anh năm 1999. Trên thực tế, vụ việc này được mô tả nghiêm trọng hơn nhiều.

Nó được coi như cuộc chiến tranh thông tin đầu tiên trên thế giới, khi các tín hiệu liên lạc quân sự bị làm nhiễu và bị khống chế. Trước khi bị lần ra manh mối, nhóm hacker này đã kịp lập trình lại hệ thống kiểm soát để xóa toàn bộ dấu vết.

Và cho tới nay, mặc dù đã tốn khá nhiều nhân lực và vật lực nhưng Cơ quan điều tra tội phạm máy tính của  Anh và Mỹ đã phối hợp điều tra nhưng vẫn chưa lần ra manh mối và cũng chưa có ai bị bắt trong vụ đột nhập này.

Mã điều khiển tên lửa bị đánh cắp (12-2000)

Mùa đông năm 2000, một hacker có mật danh là “Leaf” đã phá vỡ hàng rào an ninh tưởng chừng bất khả xâm phạm để đột nhập vào hệ thống máy tính của Tập đoàn phần mềm Exigent do Chính phủ Mỹ thuê.

Hacker này đã đánh cắp 2/3 mã nguồn của phần mềm OS/COMET, được sử dụng để điều khiển tên lửa và vệ tinh quân sự.

Từ Phòng thí nghiệm Hải quân tại Washington, các chuyên gia an ninh đã lần ra manh mối của kẻ đột nhập từ Đại học Kaiserslautern, Đức.

Nhưng dấu vết chỉ đến đây là chấm hết, chứ không thể xác định được kẻ tấn công là ai.

CBSNews.com bị xóa trắng (10/ 2003)

Mùa thu năm 2003, trang web của kênh thông tin CBSNews.com đã bị xóa trắng và thay vào đó là logo quảng bá cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên Đảng Dân chủ Dennis Kucinich.

Trang web này tự động chuyển mọi truy cập tới đoạn video có tên “This is the Moment”.

Người đại diện cho chiến dịch tranh cử này phủ nhận mọi sự liên quan và cũng không có ai chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này.

Đại học Harvard, Stanford bị hack (3-2006)

Để tìm hiểu xem mình có thuộc diện được vào học các trường danh giá hay không âu cũng là mong ước chính đáng của bất cứ sinh viên nào, nhưng cách làm của một hacker trong trường hợp này được cho là hơi quá đáng.

Năm 2006, lợi dụng sơ hở trong hệ thống nộp đơn tự động của các trường đại học, một hacker chưa xác định danh tính đã lấy được thông tin của hàng loạt các trường đại học danh giá, trong đó có Harvard và Stanford.

Hơn 26.000 website bị tấn công một lúc (12/ 2008)

Cuối năm 2008, hàng chục nghìn website lớn nhỏ đã bị một nhóm hacker không rõ danh tính cài mã độc và điều hướng tới các máy chủ nguy hiểm có chứa mã độc và virus.

Trong số các website này có cả kênh thông tin MSNBC.com. Không rõ động cơ chính của hacker trong vụ việc này là gì, chỉ biết rằng các máy tính truy cập vào những trang web trên đều bị kiểm soát, và tất nhiên sự an toàn của chúng nằm trong tay hacker.

Lộ thông tin hàng triệu thẻ tín dụng (2-2008)

Tiếp nối vụ đột nhập dữ liệu và hệ thống cửa hàng T.J Maxx năm 2005, tháng giêng năm 2008, hệ thống máy tính của chuỗi siêu thị Hannaford và Sweetbay tại Bắc Mỹ và Floria đã bị đột nhập.

Kẻ tấn công đã lấy đi 1.800 số thẻ tín dụng, đồng thời đẩy số phận của 4,2 triệu chủ thẻ khác vào diện nguy hiểm. Đại diện và chuyên gia an ninh của chuỗi siêu thị này không thể xác định được vì sao hacker có thể xâm nhập vào hệ thống.

Nếu như vụ tấn công T.J.Maxx năm 2005 lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống truyền thẻ không dây, Hannaford và Sweetbay lại không sử dụng các hình thức này.

Cho tới nay, người ta cũng chưa thể xác định được nguồn gốc vụ tấn công này là từ đâu.

MỚI - NÓNG