Nơi chế tạo máy bay Việt Nam

Nơi chế tạo máy bay Việt Nam
Nhà máy A 41 (Bộ Quốc phòng) là nơi chế tạo ra những chiếc thủy phi cơ siêu nhẹ. Sau nhiều lần bay thử, những chiếc máy bay "made in Việt Nam" mang số hiệu VNS41 đã được bay chính thức.
Nơi chế tạo máy bay Việt Nam ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đức Lương nghe giới thiệu về máy bay đầu tiên của Việt Nam

“Đây là những chiếc thủy phi cơ siêu nhẹ có thể dùng để huấn luyện phi công, bay trinh thám kiểm tra cháy rừng, kiểm tra đường dây 500KV, tìm kiếm cứu nạn” – Kỹ sư Trần Đình Hiển – phòng Kỹ thuật công nghệ nhà máy A 41 (Bộ Quốc phòng) hồ hởi giới thiệu. 

Nhóm nghiên cứu gồm 41 người, phần lớn là các kỹ sư đã từng được đào tạo ở nước ngoài về. Ngoài động cơ và cánh quạt mua từ áo, tất cả những chi tiết khác đều do các kỹ sư mày mò làm ra.

Theo kỹ sư Hiển, Trung tâm polyme của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM giúp nghiên cứu thân máy bay bằng vật liệu composite, Cty Casumina giúp sản xuất săm lốp.

Để có được hình dáng thiết kế, các anh đã bò ra vẽ hàng ngàn bản vẽ hồ sơ thiết kế. Rồi lên khuôn, đúc…thân máy bay đến 2 lần, làm càng đến 6 lần mới tạm xong.

Nơi chế tạo máy bay Việt Nam ảnh 2
Đại tá Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Giám đốc A 41 và thượng tá Võ Tá Quế – Giám đốc A 41 và chiếc máy bay đầu tiên của Việt Nam

Thượng tá Võ Tá Quế, Giám đốc nhà máy A 41 cũng mất ăn mất ngủ, lo cho những đứa con đầu tiên ra đời. Rồi bay thử máy bay ở hồ thuỷ điện Trị An, ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) nhiều lần kiểm tra các thông số kỹ thuật. Thậm chí các anh còn tháo rời, đưa máy bay ra sân bay Hòa Lạc thử tiếp.

Đến nay, sau nhiều lần bay thử, kiểm tra kỹ thuật cấp Quân chủng, những chiếc máy bay đầu tiên mang số hiệu VNS41 (Việt Nam sản xuất – nhà máy A 41) đã chính thức bay lượn trên bầu trời Việt Nam ở độ cao 3.000 mét, chở được 2 –3 người với vận tốc 140 – 160 km/giờ và bay được 300 km bằng xăng xe gắn máy thông thường.

Những chiếc máy bay này có 2 động cơ, công suất 65 HP nên có thể hạ cất cánh trên đường băng đất, sân bằng phẳng hay trên mặt hồ, vịnh nước có kích thước 25 m x 300 m.

Nếu đường bằng phẳng hay mặt nước, máy bay chỉ cần chạy đà 50 mét là cất cánh được; trong trường hợp hết xăng hay trục trặc kỹ thuật, máy bay có thể bay lượn 5 km và tìm bãi đáp thích hợp để hạ cánh an toàn. 

Những chiếc máy bay thủy phi cơ đầu tiên của Việt Nam này khá thích hợp trong điều kiện nước ta có nhiều sông, biển. Việc chế tạo thành công những chiếc máy bay sẽ giúp cho các kỹ sư trẻ Việt Nam tự tin nghiên cứu, thiết kế và ứng dụng những chiếc máy bay hiện đại hơn để phục vụ việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.