Nước Ozone - Vũ khí đặc hiệu giúp phòng chống dịch cúm gia cầm?

Nước Ozone - Vũ khí đặc hiệu giúp phòng chống dịch cúm gia cầm?
Bất chấp dịch cúm gia cầm có dấu hiệu chững lại trong thời tiết nắng ấm, một hội nghị quốc tế về dịch cúm gia cầm vẫn sẽ được tổ chức ở Việt Nam từ 23/2/2005.

Một trong những nội dung chính của hội thảo là đi tìm phương cách hữu hiệu hơn để ngăn chặn dịch ngoài cách làm truyền thống tìm và diệt gia cầm mắc bệnh.

Một hội nghị quốc tế về cúm gia cầm trên người sau đó một tháng cũng sẽ được Bộ Y tế tổ chức. Tại hội nghị, các chuyên gia cũng sẽ cảnh báo chớ quá tin vào các dung dịch hoá chất tiệt trùng đang dùng phổ biến trong ngành chăn nuôi hiện nay mà buông lơi đề phòng sự lây lan sang người.

Trong bối cảnh đó, dư luận lại chú ý đến hiệu quả tiệt trùng của dung dịch hoạt hoá điện hoá vốn rất rẻ mà lâu nay nhiều người biết dưới tên nước ozone. Với những đặc tính gần như vô hại và từng được áp dụng thành công ở khá nhiều nước cũng như một số nơi ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần đưa áp dụng thử dung dịch này trên quy mô lớn. Việc các nhà khoa học vừa phát hiện từ các ca bệnh ở Việt Nam khả năng lây nhiễm của virus cúm gia cầm H5N1 không chỉ qua đường hô hấp càng cho thấy tính cấp bách của công tác phòng chống lây nhiễm virus cúm gia cầm trên diện rộng bằng một công cụ nào đó vừa rẻ, vừa dễ áp dụng mà không gây độc hại cho môi trường.

Theo TS Nguyễn Hoài Châu, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (IET) - đơn vị nghiên cứu lớn nhất nước hiện nay về công nghệ chế tạo dung dịch điện hoạt hoá, từ thập kỷ 90 đến nay, các nước Nga, Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc,v.v..., lần lượt đưa dung dịch điện hoạt hoá (DDĐHH) vào sử dụng trên diện rộng và tiếp tục nghiên cứu tính năng mới của nó. Hàng trăm công trình khoa học được công bố trên nhiều tạp chí quốc tế về ứng dụng của DDĐHH. Hàng chục công ty trên thế giới đưa ra nhiều loại thiết bị sản xuất DDĐHH dựa trên nguyên tắc cơ bản do một nhà khoa học Nga tìm ra.

Vẫn theo TS Châu, qua thực nghiệm ở Việt Nam, dung dịch có nhiều ưu điểm mà khó hoá chất nào sánh kịp. Đó là hiệu quả khử trùng cao hiếm thấy (diệt được nhiều chủng loại vi sinh có hại có sức đề kháng cao trong thời gian ngắn chừng vài phút, không bị vi khuẩn “nhờn” khi dùng lâu), tính đa dụng (vừa dùng để khử trùng trong không khí và trên các bề mặt vừa dùng để chữa nhiều bệnh cho vật nuôi và người bằng cách cho uống), an toàn (độ độc cực nhỏ không ảnh hưởng đáng kể đến người và vật nuôi, tự phân giải thành nước muối rất loãng, không làm ô nhiễm môi trường) và giá sản xuất quá rẻ.

Ngay từ năm 2002, IET đã đem  DDĐHH thử khử trùng trong một số cơ sở y tế và kết quả được đánh giá rất khả quan. Cẩn thận hơn, EIT còn thuê  Khoa Vi sinh và Khoa Chống Nhiễm khuẩn thuộc BV Bạch Mai tiến hành lấy mẫu và kiểm tra tổng cộng 800 xét nghiệm để đánh giá tác dụng của DDĐHH trong sát khuẩn các bề mặt trong bệnh viện. Trong biên bản kết quả ngày 5/11/2003, TS Nguyễn Việt Hùng, Chủ nhiệm Khoa Chống Nhiễm khuẩn vui mừng thông báo hiệu lực rõ rệt của dung dịch. Nó có thể tiêu diệt 10 chủng vi sinh phổ biến trong môi trường bệnh viện.

Thận trọng song cần mạnh dạn lúc khó khăn

Từ đầu năm 2004, khi nước ta có đại dịch cúm gà, Bộ KH&CN triệu tập các nhà khoa học từ nhiều viện nghiên cứu bàn các biện pháp phòng và chống dịch cúm gà. Viện Công nghệ Môi trường đề xuất ý kiến nên sử dụng DDĐHH vào việc này.

Nói đến việc điện phân nước muối, ai cũng cho rằng đấy là nước Javen và tính năng khử trùng của nó đã được biết đến từ lâu và hiệu quả sử dụng nó trong chăn nuôi thì không cao lắm. Nhưng thật ra DDĐHH về thành phần khác nước Javen nhiều. Đặc biệt là sự có mặt của nhiều hoạt chất không bền có tính sát khuẩn cao. Do vậy hiệu quả khử trùng của nó cao hơn nước Javen khoảng hai bậc, tức 100 lần.

Nhìn chung các nhà thú y không phản đối việc dùng các chất khử trùng có gốc chlorine  như Chloramin B, bột Chlorine hoặc nước Javen, trong chăn nuôi. Song để được khuyến cáo sử dụng, mọi hoá chất khử trùng mới cần được kiểm nghiệm và đánh giá theo đúng quy định.

Nhưng dịch cúm gia cầm không đợi các nhà khoa học có thời gian thực hiện các kiểm nghiệm của mình. Các biện pháp thanh trùng hiện tại bị nghi ngờ chưa đủ hiệu quả. Tại cuộc họp giao ban về cúm A chiều 26/1/2005, Thứ trưởng Y tế Trần Chí Liêm, cho biết điều mà các chuyên gia và nhà quản lý y tế lo lắng nhất là khâu dự phòng dịch bệnh. Theo ông, việc phun thuốc vào gia cầm tại các trạm kiểm dịch hiện nay không có ý nghĩa gì ngoài yếu tố tâm lý. Virus H5N1 sống cả trong cơ thể gà, vịt, nhất là vùng họng, trong khi thuốc chỉ được phun bên ngoài. Gia cầm bệnh vẫn có thể lưu hành từ vùng dịch sang vùng không có dịch cho dù chúng được phun thuốc.

Thứ trưởng Liêm đề nghị ngành thú y nên nghiên cứu cách làm nào khác hiệu quả hơn.

“Cách làm nào khác hiệu quả hơn” là cách gì? Phải chăng ta nên mạnh dạn phổ biến sử dụng DDĐHH trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã có ở trong và ngoài nước. Tẩy trùng thường xuyên bằng hoá chất nào cho phù hợp, không gây nhiễm độc cho gia cầm và cho người, không gây ô nhiễm môi trường? Hoá chất khử trùng nào rẻ tới mức có thể dùng để hàng ngày phun vào khắp nơi cả trong và ngoài chuồng trại mà người chăn nuôi có thể chấp nhận được về mặt kinh tế? Loại thuốc khử trùng nào vừa dùng để phun khử trùng môi trường lại vừa cho gia cầm uống liên tục (lúc có dịch cũng như lúc không) để diệt trùng bên trong cơ thể chúng? Loại thuốc nào dùng liên tục nhiều tháng mà không sợ bị vi sinh vật “nhờn” ? Hoá chất nào dùng được khắp mọi nơi gia cầm có mặt, từ quả trứng cho đến khi được nuôi, khi  bị làm  thịt? Làm thế nào bảo vệ tích cực hơn những người đi bắt và tiêu huỷ gia cầm bị bệnh và những người giết mổ gia cầm?

Phải chăng hiện nay chỉ có DDĐHH đáp ứng được các yêu cầu nêu       trên? Phải chăng chính vì vậy các cường quốc về công nghệ và tiềm lực kỹ thuật như Mỹ và Nga lựa chọn dùng nó ở những thời điểm gay cấn của mình trong các năm 2002 và 2003. Tại sao ta không học cách dùng của họ?

Năm 2004 một số đơn vị nghiên cứu trong ngành chăn nuôi và trại nuôi ở nước ta dùng DDĐHH và đều đánh giá cao tác dụng khử trùng của nó. Trong tình hình hiện nay, nên chăng tìm biện pháp cho áp dụng thử “nước ozone” trên diện rộng để phối hợp và bổ sung cho các biện pháp đang     được dùng thay vì chỉ để một số đơn vị làm nhỏ lẻ.

MỚI - NÓNG