Phát hiện Hệ Mặt trời mới

Phát hiện Hệ Mặt trời mới
TPO - Nhóm các nhà khoa học trường Đại học Ohio (Mỹ) và các nhà thiên văn học nghiệp dư của 11 quốc gia công bố trên tạp chí Science (Mỹ) phát hiện một Hệ Mặt trời mới.

Những quan sát đầu tiên cho thấy có hai hành tinh đi theo quỹ đạo một ngôi sao có tên là OGLE-2006-BLG-109L, cách trái đất 5000 năm ánh sáng. Nó nhỏ hơn, lạnh hơn và tối hơn mặt trời của chúng ta.

Theo các nhà khoa học, hai hành tinh này kích thước tương đương nhau và chúng có thể là những hành tinh khí giống sao Mộc và sao Thổ; không có sự sống trên hai hành tinh này vì nó ở quá xa.

Theo giáo sư Scott Gaudi của trường Đại học Ohio, chủ trì đề tài, đây là Hệ Mặt trời đầu tiên giống Thái dương hệ của chúng ta. Nó là một bản thu nhỏ của Hệ Mặt trời mà chúng ta đang sống.

Hai hành tinh này đã được phát hiện khi ngôi sao của chúng di chuyển ngang quỹ đạo một ngôi sao xa hơn. Độ sáng của nó sẽ tăng lên do các tia sáng phản chiếu bởi ngôi sao xa hơn.

Đây là lần đầu tiên công nghệ microlensing phát hiện hai hành tinh quay quanh quỹ đạo của một ngôi sao. Công nghệ này có thể giúp các nhà khoa học tìm kiếm thêm được nhiều ngôi sao với những hành tinh mới trong vũ trụ tương tự Trái đất của chúng ta.

Việt Thụy
Theo Telegraph

MỚI - NÓNG