Phóng thành công tàu thăm dò sao Diêm Vương

Phóng thành công tàu thăm dò sao Diêm Vương
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phóng thành công một con tàu thăm dò, hướng tới sao Diêm Vương.
Phóng thành công tàu thăm dò sao Diêm Vương ảnh 1

Con tàu có tên là Chân trời mới (New Horizons) này đã rời bệ phóng lúc 19 giờ GMT, trên một tên lửa Atlas 5 và sẽ thực hiện một cuộc hành trình kéo dài 10 năm, vượt qua 5 tỷ km để tới được sao Diêm Vương.

Với chi phí chế tạo lên tới 700 triệu USD, con tàu này đầu tiên sẽ thu thập các thông tin về sao Diêm Vương và các mặt trăng của nó. Sau đó, nếu có thể được, nó sẽ khám phá thêm về các vật thể ở phía xa hơn của Hệ Mặt trời.

Hiện chỉ còn sao Diêm Vương là hành tinh duy nhất trong Hệ Mặt trời của chúng ta chưa có con tàu vũ trụ nào ghé thăm.

Tàu New Horizons đã được phóng lên quỹ đạo sau hai lần liên tiếp bị trì hoãn do thời tiết xấu và những khó khăn về kỹ thuật. Vào ngày 17-1, người ta đã phải hoãn việc phóng tàu do gió mạnh tại bệ phóng ở Trung tâm Hàng không Mũi Canaveral (Florida). Sau đó, một sự cố về điện tại Trung tâm kiểm soát chuyến bay Maryland đã khiến phải hoãn việc phóng tàu lần thứ hai.

Việc phóng con tàu vũ trụ trước ngày 3-3 sẽ giúp các nhà khoa học đưa nó vào một vị trí có thể lợi dụng trọng lực của sao Mộc, để tăng tốc độ của con tàu lên gần 4km/giây và giúp nó có thể bay đến sao Diêm Vương vào tháng 7-2015.

Phóng thành công tàu thăm dò sao Diêm Vương ảnh 2

Còn nếu phóng tàu sau ngày 3-3, thì nó sẽ phải bay thẳng một mạch tới sao Diêm Vương và ít nhất cũng phải đến năm 2018 thì mới đến nơi.

Một số nhà thiên văn hiện vẫn cho rằng sao Diêm Vương không phải là một hành tinh đích thực và nên xếp nó vào cùng các vật thể băng giá, có kích thước nhỏ trong Vành đai Kuiper.

Khu vực vành đai này nằm ở ngoài sao Hải Vương, bao gồm khoảng mười nghìn vật thể băng giá và trải dài trong một khoảng không gian lớn gấp từ 30 đến 50 lần khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời.

Các nhà thiên văn còn cho rằng sao Diêm Vương được tạo ra đồng thời với một mặt trăng của nó là Charon. Tàu New Horizons sẽ bay vượt qua cả sao Diêm Vương và mặt trăng Charon trong cùng một ngày. Bảy thiết bị trên con tàu này sẽ lập nên các bản đồ chi tiết về bề mặt, cấu tạo và bầu khí quyển của sao Diêm Vương.

Tiến sĩ Stephen Lowry thuộc ĐH Queen ở Belfast (Anh) cho biết: "Con tàu vũ trụ sẽ lập bản đồ cấu tạo của các vật chất trên bề mặt của sao Diêm Vương và Charon nhằm giúp chúng ta biết những phân tử nào đã tồn tại trong suốt quá trình hình thành Hệ Mặt trời".

Sau khi đã khám phá sao Diêm Vương, các chuyên gia của NASA sẽ quyết định xem liệu có mở rộng thêm nhiệm vụ hay không. Nếu điều này xảy ra, các nhà khoa học sẽ đưa New Horizons tới thăm hai vật thể khác trong Vành đai Kuiper (KBO) có đường kính khoảng 50km trở lên.

Các nhà khoa học tin rằng họ có thể tìm hiểu được nhiều điều về sự tiến hóa của Mặt trời qua việc khảo sát Vành đai Kuiper, bởi trong vành đai này còn sót lại những mảnh vụn được tạo ra trong quá trình hình thành của nó.

Theo Nhân Dân/BBC

MỚI - NÓNG