Phụ kiện ĐTDĐ: Tí hon "cày" tiền tỉ

Phụ kiện ĐTDĐ: Tí hon "cày" tiền tỉ
Với nhiều người, chọn mua một chiếc điện thoại di động chả liên quan gì đến check email, lướt Web hay chụp hình nhiều chấm.
Phụ kiện ĐTDĐ: Tí hon "cày" tiền tỉ ảnh 1

Với tôi, quan trọng là hình thức của nó ngon lành đến mức nào. Tôi muốn một thiết kế bắt mắt", Denise Albert, một nhà vận động quyên góp từ thiện ở khu ngoại ô Powell, Mỹ cho biết.

Những người như Albert đang góp phần tạo ra một khuynh hướng mới mà gọi một cách mỹ miều là "Thời trang di động". Các hãng điện thoại đua nhau chào hàng những thiết kế cách tân, độc đáo, đẹp mắt và màu sắc được sử dụng cũng càng ngày càng rực rỡ, phong phú, tươi sáng như xanh da trời, hồng, cam, thậm chí cả đỏ rực.

Trên là trời, dưới là... phụ kiện

Thị trường phụ kiện thì chao ôi là nhiều, từ dây đeo cho đến đề can dán, thậm chí cả những chiếc ví tí xíu, được đính hạt cườm và pha lê từ trong ra ngoài chỉ để phục vụ mỗi một mục đích: đựng ĐTDĐ. Tất nhiên, cũng có những phụ kiện thiết thân, cần thiết thật sự như sạc pin trong ô tô, nhưng đại đa số đều nhằm phục đích "mốt là chính".

Thị trường phụ kiện ĐTDĐ - bao gồm các tai nghe không dây, vật trang trí, bao da... mang về doanh thu lên đến 1 tỷ USD/năm riêng tại Mỹ. Thị trường này còn đang tăng trưởng với tốc độ 10-15% mỗi năm.

Theo tiết lộ của một chuyên gia trong ngành thì kinh doanh phụ kiện có lãi tới ... 70-80%. "Chúng thực sự là một cỗ máy kiếm tiền hiệu quả. Con người ngày càng coi di động như một cửa ngõ bộc lộ bản thân, vì thế phụ kiện càng có đất để tung hoành".

Mới đây, mạng di động Sprint đã bắt tay cùng hãng đồ da cao cấp Dooney & Burkey, tung ra một loại ví thay thế bao da đựng điện thoại. Những chiếc ví này được làm hoàn toàn từ da cá sấu và có giá 124, 99 USD.

Không cần cao cấp đến thế, chỉ cần vài USD, bạn cũng đã có thể mua được một dây đeo có hình Hello Kitty, Sponge Bob hay logo SuperGirl tại bất cứ một cửa tiệm phụ kiện nào. "Các cô gái có thói quen thay đổi đề can dán điện thoại mỗi tuần một lần. Họ chi không tiếc tiền cho việc làm đẹp con dế của mình", ông Chuck Strottman, giám đốc marketing của Tween Brands nhận định.

Năm ngoái, mẫu điện thoại hình oval dành cho nhóc tì Firefly Mobile đã bán rất chạy trong mùa Giáng sinh tại các cửa hàng của Tween Brands.Các bé gái có thể thay đổi "ngoại hình" của Firefly bằng các loại vỏ khác nhau như vẽ hoa văn, trong suốt hoặc phát sáng trong bóng tối.

Tí hon "cày" tiền tỉ

Phụ kiện ĐTDĐ: Tí hon "cày" tiền tỉ ảnh 2
Những chiếc ví thời trang đã thay thế bao da đựng điện thoại, dù giá của chúng chẳng hề rẻ chút nào. Nguồn: Style

Ít ai ngờ rằng những dây đeo, đề can dán... với giá vài USD lại mang về doanh thu khổng lồ, tiền tỷ hàng năm cho nhà sản xuất. Đắt khách nhất vẫn là logo của các đội bóng (bóng đá, bóng rổ và bóng bầu dục) nổi tiếng nhất, hoặc những nhãn hiệu thời trang hip-hop mà dân teen ưa chuộng như Baby Phat.

Thậm chí phân khúc phụ kiện cao cấp, đắt tiền cũng ăn nên làm ra. Tỉ dụ như bộ logo Bling Ring có giá 125 USD với logo đính toàn bằng hạt pha lê Swarovski đắt tiền. Nếu bỏ thêm 100-300 USD, Bling Ring sẽ đính pha lê lên toàn bộ điện thoại với những hoa văn lạ mắt, hoặc là chữ viết tắt tên chủ nhân, các con số hoặc kẻ sọc. Trong khi phái đẹp thích những viên pha lê sáng màu, sặc sỡ thì nam giới cũng chuộng pha lê đen chẳng kém.

Không chỉ đi đầu về sản xuất ĐTDĐ, Nokia cũng là hãng dẫn đầu về phụ kiện thời trang dành cho dế khi giới thiệu những mẫu nắp vỏ máy thay thế được (faceplate) đầu tiên từ giữa thập niên 1990.

Khi thị trường điện thoại đang có dấu hiệu chững lại, lập tức nhà sản xuất đã "lăng xê" và đẩy mạnh yếu tố thời trang như một cách tạo ra bản sắc riêng trên sân chơi đông đúc. Các mạng di động thì tỏ ra chậm chạp hơn, và phải tới lúc Motorola Razr "hút thuê bao điên cuồng", họ mới nhận thấy hóa ra người dùng ưa những mẫu dế đẹp và sẵn lòng trả thêm hàng đống tiền cho chúng.

Thời trang đang "bóp" công nghệ

Mà đấy là người Mỹ còn thua xa dân châu Âu và châu Á trong việc chạy theo các xu hướng phụ kiện thời trang cơ đấy. "Người dùng không có thời gian để mua một con dế cơ bản rồi tự hì hục trang trí chúng. Họ mua một mẫu điện thoại thời trang ngay từ đầu, rồi bắt đầu tỉa tót cho nó", nhà phân tích John Strother cho biết.

Trước đây, các phụ kiện tại Mỹ thường chỉ chuyên chú vào yếu tố công nghệ - chẳng hạn như pin có tuổi thọ dài hơn mà không cần sạc, hoặc bộ thoại rảnh tay để dùng trong khi lái xe. Nhưng giờ thì "thời trang đã chiến thắng công nghệ, ngoại hình có sức nặng ngang ngửa với thông số kỹ thuật khi người dùng cân nhắc sắm sửa một chú dế mới".

Hãng phim hoạt hình Disney tỏ ra rất nhanh nhạy với việc chinh phục các bà mẹ và những bé gái trong độ tuổi từ 7-14 bằng đủ dòng điện thoại L.E (phiên bản hiếm) cùng phụ kiện thời trang. Các nhân vật quen thuộc như chuột Mickey, Tom và Jerry xuất hiện với tần suất dày đặc....

Theo Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.