Quản lý cây xanh bằng công nghệ số

Quản lý cây xanh bằng công nghệ số
TP - Sau khi học về công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), Đoàn Thị Việt Hương, một giảng viên trẻ của Đại học Khoa học Huế, đã “nhắm” đến cây xanh khu vực kinh thành Huế.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường mang tên Quản lý hệ thống cây xanh khu vực Đại nội-Huế bằng công nghệ GIS ra đời và lọt vào “tầm ngắm”, được nhà trường hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Trên phạm vi cây xanh phân bố ở bốn tuyến đường quanh Đại nội (23/8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân) và khu vực Tử Cấm thành, nhóm của Hương bắt tay vào đo đạc, nghiên cứu và cập nhật các số liệu.

Từ các thông số về chu vi, đường kính, số lượng… nhóm dùng phần mềm Mapinfo trình diễn dưới dạng các modul. Để hoàn thành GIS về quản lý cây xanh, Việt Hương cho biết phải trải qua các công đoạn: Lập bảng đồ nền, số hóa thông tin, cập nhật thông tin chuyên đề.

Với 1.048 cây xanh, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu bằng công nghệ GIS đã hoàn thành và được hội đồng đánh giá khá cao. Nhờ thầy cô và bạn bè góp ý, đề tài được hoàn thiện và đạt giải nhì trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ GD-ĐT tổ chức.

So với phương pháp thủ công, quản lý cây xanh bằng công nghệ GIS vừa hệ thống lại vừa chi tiết. Nhìn tổng quan vào bản đồ, người xem có thể thấy rõ sự phân bố của các loại cây, đồng thời tùy theo nhu cầu có thể truy cập thông tin chuyên môn như: Chiều cao cây, khoảng cách giữa hai cây, tên cây (địa phương và khoa học), họ cây, chất lượng cây...

Trên cơ sở dữ liệu này, nhóm đã định hướng quy hoạch tuyến đường cây đặc trưng hoặc các loại cây phù hợp với cảnh quan đô thị. Việt Hương bày tỏ: “Mình thực hiện đề tài này với mong muốn đóng góp một chút gì đó cho việc bảo tồn và phát triển thiên nhiên ở Huế”.

Đến ứng dụng - triển vọng không còn xa?

Đem những thông tin này đến gặp ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) Huế, ông Ngôn tỏ ra rất quan tâm và tái khẳng định sự cần thiết của việc quản lý hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố.

Trong điều kiện thực tế của đơn vị, khoảng hơn 1 năm nay, ông đã cho triển khai quản lý cây xanh trên các đường phố bằng cách đánh số từng…5 cây một.

Nghĩa là cứ 5 cây thì mang một số, bởi một lẽ đơn giản là không đủ tiền để làm số cho từng cây, dù bảng số mới chỉ là một miếng sắt không gỉ, dập nổi số và sơn với kinh phí khiêm tốn. Cách quản lý này mới chỉ dừng lại ở việc giúp cho Trung tâm CVCX biết được số lượng và tọa độ của cây mà thôi.

Còn “GIS của Việt Hương” sẽ giúp cho đơn vị quản lý biết đến từng chi tiết của cây. Rất hữu ích. Tuy nhiên, từ nghiên cứu, lý thuyết cho đến việc áp dụng vào thực tiễn vẫn đang là một khoảng cách. Mà tựu chung trước hết vẫn là vấn đề kinh phí!

Mua phần mềm từ tác giả, đó mới chỉ là một chuyện; quan trọng hơn nữa là lấy dữ liệu ở đâu để nhập cho phần mềm ấy quản lý? Điều này đòi hỏi phải có một cuộc điều tra rất quy mô trên phạm vi toàn thành phố, rất khoa học và rất chi tiết mới được.

Ai sẽ là người thực hiện cuộc điều tra đó? Theo ông Phan Đình Ngôn, không chỉ riêng Trung tâm CVCX mà có thể làm được, cần có sự phối hợp với Đại học Nông Lâm, với ngành thống kê của thành phố và cả cán bộ thống kê của các phường, xã trên địa bàn.

Trong năm 2007, Trung tâm CVCX Huế sẽ chính thức có văn bản trình lãnh đạo thành phố cho mở cuộc điều tra này. Với góc nhìn của nhà chuyên môn, ông Phan Đình Ngôn cho rằng, điều tra và đưa vào quản lý một cách bài bản sẽ giúp đánh giá được chính xác tác động của cây xanh đối với môi trường, qua đó, đề ra được chiến lược phát triển, bảo vệ cũng như sử dụng cây xanh một cách lâu dài.

Điều này cũng có ý nghĩa rất to lớn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc rất riêng của Huế - Một “Bài thơ đô thị”, thành phố Di sản, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam bên dòng sông Hương nổi tiếng.

MỚI - NÓNG