Rác hữu cơ - Thủ phạm gây biến đổi khí hậu

Rác hữu cơ - Thủ phạm gây biến đổi khí hậu
TP - Carbon dioxide (CO2) đang bị chỉ đích danh là loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính, biến trái đất thành một cái bẫy nhiệt khổng lồ, làm nó nóng lên, gây biến đổi khí hậu. Sinh ra khí CO2, rác hữu cơ là một trong những thủ phạm chính.
Rác hữu cơ - Thủ phạm gây biến đổi khí hậu ảnh 1
Rác bít một con kênh ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Lương

75 triệu tấn CO2/năm

Bà Nguyễn Thị Kim Thái, Phó Viện trưởng Viện KH-KT Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết, nước ta hiện có 85 bãi chôn lấp rác. Trong đó, chỉ có tám bãi rác (9 phần trăm) chôn lấp sau công nghệ ủ sinh học, 19 bãi rác (22,4 phần trăm) hợp vệ sinh nhưng chưa có phương thức vận hành.

Còn 76,7 phần trăm bãi rác chôn lấp không hợp vệ sinh. Rác được chôn lấp lại mới chiếm khoảng 15 phần trăm tổng lượng rác được thải ra. Phần chủ yếu rác thải rắn đang vứt bừa bãi hoặc chất đống khắp nơi.

Rác hữu cơ không xử lý và các bãi rác không hợp vệ sinh sẽ phát ra lượng khí CO2 rất lớn. Một nghiên cứu mới công bố của Chương trình Quy hoạch Đô thị Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, rác hữu cơ mỗi năm thải ra 75 triệu tấn CO2 quy đổi.

Thói quen xả rác bừa bãi cũng là cản trở lớn nhất được rút ra sau mấy năm triển khai 10 dự án xử lý rác do Cộng đồng châu Âu tài trợ ở ĐBSCL. Các dự án này đầu tư rất nhiều tiền cho khâu thu gom rác, đặt hàng chục nghìn thùng rác, giỏ rác với các màu sắc khác nhau để thu nhận rác hữu cơ và vô cơ tách biệt. Thế nhưng, nhiều người không thực hiện. Các dự án cũng dành khoản kinh phí lớn cho công tác tuyên truyền, tập huấn, làm mẫu, song đa số nước đổ đầu vịt.

Lượng khí này tương đương lượng khí CO2 do 15 triệu chiếc xe hơi cỡ trung bình thải ra trong một năm. Dự đoán, năm 2020 rác hữu cơ phát sinh 113 triệu tấn CO2 quy đổi.

Nên rác không chỉ gây hại môi trường cục bộ, mà đang là một trong những tác nhân chính gây thảm họa cho trái đất, biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, rác thải cũng là tiền. Theo nghiên cứu của Chương trình Quy hoạch Đô thị Việt Nam, ở một số thành phố lớn nước ta, khoảng 30 phần trăm rác vô cơ được tái chế nhờ lực lượng hùng hậu ve chai. Rất nhiều gia đình đang sống nhờ rác.

Song, rác hữu cơ chiếm khoảng 60 phần trăm tổng lượng rác hầu như chưa được tái chế. Rác thải trong hoạt động y tế, theo bà Nguyễn Thị Kim Thái, cũng có 81 – 86 phần trăm không nguy hại, và 48- 64 phần trăm là rác hữu cơ.

Khối lượng rác hữu cơ khổng lồ có thể tái chế, phổ biến hiện nay là sản xuất phân hữu cơ, còn gọi là phân compost.

Lại thói quen khó sửa

Nước ta có hơn chục nhà máy sản xuất phân compost, với tổng công suất khoảng 150.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chương trình Quy hoạch Đô thị Việt Nam, công nghệ duy nhất là phương pháp hiếu khí và chưa có nhà máy nào có thể coi là mô hình mẫu.

Thực tế mới chỉ khẳng định, nhà máy có công suất mỗi ngày chế biến dưới 10 tấn rác sẽ dễ quản lý, đạt hiệu quả kinh tế.

Cộng đồng châu Âu tài trợ xây dựng một số xưởng sản xuất phân hữu cơ ở ĐBSCL từ cuối năm 2006 đến nay, bước đầu cho kết quả tốt. Xưởng sản xuất phân ở TX Tân An (Long An), mỗi ngày chế biến ba tấn rác, thu được 600 kg phân. Một tháng thu 18 tấn phân, giá 1.000 đồng/kg, tính ra lãi một tháng sáu triệu đồng.

Cộng đồng châu Âu còn tài trợ dự án sản xuất phân vi sinh bằng cách ủ rác hữu cơ ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ủ theo phương pháp yếm khí và ủ mô luống, mỗi ngày năm tấn rác, từ tháng 6/2008 đến nay, sản xuất được gần 54 tấn phân, và đang thử nghiệm bón cho cây xanh và các vườn hoa nổi tiếng ở thành phố này. TP Rạch Giá (Kiên Giang) cũng đang được tài trợ ủ rác hữu cơ làm phân.

Tuy nhiên, hầu hết phân sản xuất từ rác hiện nay chưa được thị trường đón nhận, bởi còn lẫn rất nhiều tạp chất không có lợi cho nông nghiệp như nhựa, thủy tinh…

Nguyên do, rác từ nguồn (các gia đình, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh…) chưa được phân loại khi thu gom.

Các dự án xử lý rác, dù lớn và hiện đại, sẽ thất bại nếu phân loại rác đầu nguồn không tốt. Như thế, xử lý rác để bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu, rốt cuộc nằm trong tay mỗi người hàng ngày có thải rác hữu cơ. 

Ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam vừa công bố hỗ dự án trị giá trên 450.000 euro, theo đó, lần đầu tiên ở Việt Nam, nông dân không chỉ hưởng lợi mà trực tiếp tham gia vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu trong lễ ký kết chương trình “Tăng cường năng lực về vấn đề Biến đổi Khí hậu cho các tổ chức Xã hội Dân sự” ngày 7/4 ở Hà Nội, TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Mạng lưới Xã hội Dân sự Việt Nam & Biến đổi Khí hậu, cho biết, khác với những dự án trước, hai dự án này là bản thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam đối với quốc tế về việc huy động cộng đồng tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, biến động mang tính toàn cầu mà nông dân trực tiếp phải đối mặt.

450.000 euro là khoản hỗ trợ cho hai dự án, trong đó, một xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tổ chức xã hội dân sự thực hiện trong ba năm, và một hỗ trợ cho cộng đồng địa phương tỉnh Quảng Trị nâng cao năng lực thích ứng và phục hồi đối với biến đổi khí hậu, bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững - cơ quan chủ trì dự án, cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học, việc kết hợp giữa giảm nhẹ thiên tai và cộng đồng còn chưa cao, nhất là ở nông thôn.

MỚI - NÓNG