Sao Hỏa không thể có sự sống vì... quá mặn

Sao Hỏa không thể có sự sống vì... quá mặn
Bề mặt sao Hỏa quá mặn nên không thể có sự sống và có lẽ các vi sinh vật cũng khó có thể sống còn trong phần lớn chiều dài lịch sử của hành tinh Đỏ.

Tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Mỹ vì tiến bộ khoa học (AAAS) vừa diễn ra tại Boston, Andrew Knoll – nhà sinh học tại một số đại học Mỹ và là thành viên nhóm vận hành 2 robot thám hiểm sao Hỏa Spirit và Opportunity – thông báo thông tin trên.

Hồi tháng 12-2007, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, robot Spirit đã phát hiện silic gần như nguyên chất trên sao Hỏa, có lẽ đã tạo thành nguồn nước nóng tự nhiên hay lối thoát cho núi lửa.

Trên trái đất, những vi khuẩn sống luôn được tìm thấy trong điều kiện như thế.

Tuy nhiên, dữ liệu được robot Opportunity gửi về sau nhiều tháng xem xét các tảng đá trên bề mặt sao Hỏa, các nhà khoa học khẳng định, dù trong quá khứ trên sao Hỏa có nước nhưng nồng độ cao các khoáng chất đã làm nước ở đây hết sức mặn và có tính axit, nên cả những vi sinh vật có khả năng chịu đựng cao nhất cũng không thể sống còn trong môi trường khắc nghiệt đó.

Kết luận này đã làm tiêu tan hy vọng tìm thấy bằng chứng sự sống trên hành tinh Đỏ.

Tuy nhiên, phát hiện của các robot không thể khẳng định liệu sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa hay không.

Theo chỉ huy nhóm nghiên cứu, nhà thiên văn S. Squyres ở Đại học Cornell, bang New York: “Nếu có một nơi có thể sống được trên sao Hỏa, đó là ở sâu dưới lòng đất. Sự sống ở bất cứ nơi nào khác trên hành tinh này cũng phải để lại dấu vết khí của sinh vật”.

Các robot Opportunity và Spirit đã trải qua hơn 1.400 ngày trên bề mặt hành tinh Đỏ và dự kiến tàu Phoenix sẽ đến sao Hỏa vào ngày 25-5-2008 để thay thế.

Theo Võ Hà
SGGP/PhysOrg, Telegraph

MỚI - NÓNG