Sẽ có cơ chế ưu tiên mua sắm phần mềm nguồn mở

Sẽ có cơ chế ưu tiên mua sắm phần mềm nguồn mở
TP - Sẽ có cơ chế riêng về việc ưu tiên mua sắm phần mềm nguồn mở (PMNM), đặc biệt là việc ứng dụng PMNM trong các cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo cơ chế này và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2008.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc gia lần thứ 5 về PMNM do Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức ngày 5/12.

Theo ông Hoàng Văn Dũng - đại diện VCCI, hiện nay cả nước có 350.000 doanh nghiệp, năm 2010 dự kiến có 500.000 doanh nghiệp, tương ứng với con số này là những ứng dụng CNTT trong hoạt động doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn. Nếu ứng dụng tốt sẽ mang lại lợi nhuận cho ngành kinh tế quốc dân. Do đó, cần phải tính toán để sử dụng các phần mềm với chi phí rẻ mà hiệu quả, trong đó PMNM được xét đến như một sự lựa chọn tối ưu.

Tuy nhiên cũng cần xem xét kỹ nên chọn PMNM nào cho phù hợp, đảm bảo chạy ổn định, chi phí thấp, không vi phạm bản quyền nhưng cũng không làm tăng chi phí đào tạo, tập huấn.

Theo ông Vũ Duy Lợi - Giám đốc Trung tâm tin học- Văn phòng Trung ương Đảng, cái khó trong sử dụng PMNM là tuy giảm kinh phí bản quyền nhưng lại tăng đáng kể kinh phí về nhân lực, kiểm thử, v.v..nếu không làm chủ công nghệ.

Từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp chỉ biết đến hệ điều hành Windows, phần mềm Microsoft Office của Microsoft - nhưng đó là phần mềm đóng và phải mua mới có quyền sử dụng. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, các ứng dụng PMNM đã phát triển nhanh chóng.

Đến tháng 8/2008, đã có 183.000 PMNM sẵn có trên mạng. Các ứng dụng điển hình như trình duyệt Firebox (16%), Microsoft (71%), Openoffice (15%). Hiện một nửa trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới dùng các PMNM điển hình. Google và Yahoo cũng là hai tập đoàn điển hình đạt được thành công toàn cầu với mô hình kinh doanh trên nền mã nguồn mở.

Theo các nhà quản lý, Nhà nước cần khuyến khích sử dụng PMNM và cần phải xây dựng lộ trình phù hợp với yêu cầu ứng dụng, làm chủ công nghệ và thay đổi thói quen của người sử dụng

MỚI - NÓNG