Siết chặt thuê bao trả trước: Còn nhiều bàn cãi

Siết chặt thuê bao trả trước: Còn nhiều bàn cãi
TP - Còn nhiều vấn đề bàn cãi giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động và cơ quan quản lý về cách thức quản chặt thuê bao trả trước.

>> Hàng chục triệu thuê bao vô danh

Vấn đề này được đưa ra tại hội nghị sơ kết đề án quản lý thuê bao điện thoại trả trước do Bộ Thông tin & Truyền thông (MIC) thực hiện ngày 27/3.

Siết chặt thuê bao trả trước: Còn nhiều bàn cãi ảnh 1
Nhiều đại lý được khuyến khích đăng ký sẵn hàng loạt sim . Ảnh: Hồng Vĩnh

Khổ vì thuê bao trả trước

Theo thống kê của Bộ Công an, 80 phần trăm cuộc gọi đến cảnh sát 113 là thông tin giả. Khi gọi lại để thẩm tra tất cả đều là từ thuê bao di động trả trước, không xác định được chủ sở hữu.

Hậu quả là chiếm thời gian và đường truyền của 113, việc triển khai lực lượng 113 không có tác dụng, tốn công sức. Cán bộ 113 đi giải quyết vụ việc giả dẫn đến chậm giải quyết thông tin thật vì nhân lực có hạn.

Mới đây, một doanh nhân tại Hà Nội, chủ sở hữu thuê bao số 093xxxxx88 trở thành nạn nhân của 5.000 tin nhắn rác vào máy điện thoại. Không còn cách nào khác, vị này đành nhờ sự giúp đỡ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhưng việc xác định thủ phạm tung quả bom thư này đến nay vẫn chưa xong.

Nhiều ý kiến trái chiều

Nhiều doanh nghiệp cho rằng một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc quản lý thuê bao di động trả trước là thiếu cơ sở dữ liệu về chứng minh nhân dân của Bộ Công an. Nếu có cơ sở dữ liệu này, doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để đối soát, tránh tình trạng sử dụng chứng minh thư giả hoặc của người khác.

Trao đổi riêng với Tiền Phong, một đại diện Bộ Công an cho biết, công an chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác điều tra và xác định tội phạm ở một số trường hợp cá biệt.

Ngay cả khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu về chứng minh nhân dân, ngành công an cũng không thể cung cấp để doanh nghiệp đấu nối trực tiếp vào “xem ai đó có đáng để doanh nghiệp này bán cho cái sim hay không” – Vị này nói – “Thông tin trong ngành công an không thể như một website có thể truy cập rộng rãi.

Do đó ý kiến trên là không hợp lý. Ngay kể cả trong ngành ngân hàng, chuyển khoản hàng trăm tỷ đồng cũng chỉ căn cứ trên chứng minh thư chứ không có dữ liệu gì để đối soát cả.

Vừa qua, đại đa số các đại lý chủ yếu tự bịa ra tên, số chứng minh thư để kích hoạt hàng loạt sim chứ ít trường hợp dùng chứng minh thư giả hoặc của người khác”.

Một phương án nữa được đưa ra để siết chặt quản lý thuê bao di động được đề cập đến là cấm sử dụng sim đa năng. Thẻ này thường được doanh nghiệp phát không cho các đại lý.

Với chức năng như sim thông thường nhưng có thêm quyền đấu nối vào cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, các đại lý có thể qua tin nhắn chuyển số liệu về hệ thống mà không cần trang bị máy tính.

Tuy nhiên, nhiều đại lý lại bán sim này cho khách như sim thông thường đã kích hoạt sẵn. Cơ quan quản lý cho rằng cần phải cấm. Trong khi đó, đại diện Viettel và Mobifone lại nêu ý kiến không nên cấm vì sim này rất tiện lợi cho các doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin với các đại lý.

Còn nhiều phương án được đưa ra để hạn chế tình trạng mua sim ồ ạt, dễ dàng như hiện nay. Chẳng hạn như tới đây các điểm giao dịch phải có địa điểm cố định; Máy tính là phương tiện bắt buộc đối với các điểm giao dịch ở thành thị nhằm lưu giữ và luân chuyển thông tin.

MIC và Bộ Công Thương có thể sẽ thống nhất đình chỉ tặng tiền vào tài khoản của chủ điểm giao dịch khi kích hoạt sim thành công hoặc đăng ký thành công thông tin cho thuê bao trả trước.

Lý do là nhiều đại lý được khuyến khích đăng ký sẵn hàng loạt sim do với mỗi sim kích hoạt, người bán được hưởng một khoản hoa hồng. Trong trường hợp người bán sim Viettel, số tiền này tới 12.000 đồng!

Ngoài ra, giá trị khuyến mại trong các lần nạp thẻ cũng cần được quy định rõ. Đặc biệt, cấm doanh nghiệp khuyến mãi tiền trong tài khoản thuê bao ở ba lần nạp tiền đầu tiên.

Cơ quan quản lý cũng đề xuất hạn chế lượng thuê bao trên một chủ sở hữu. Con số được đề nghị là tối đa ba đến năm thuê bao cho một chủ sở hữu.

Sau khi ban hành nghị định sửa đổi bổ sung (đang trình Chính phủ) về xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong quản lý và đăng ký thuê bao trả trước, MIC sẽ tiến hành thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước trên cả nước, mọi sở đều vào cuộc. Sớm nhất sẽ khởi động vào tháng Năm tới. 

Cắt liên lạc thuê bao di động phát tán tin nhắn rác

Các nhà cung cấp dịch vụ di động vừa ra thêm văn bản cho hay sẽ mạnh tay hơn với các doanh nghiệp cung cấp nội dung gửi tin nhắn gây phiền nhiễu khách hàng.

MobiFone yêu cầu các đối tác cung cấp dịch vụ nội dung (CP) không được gửi tin nhắn quảng cáo, mời chào sử dụng dịch vụ dưới bất kể hình thức trực tiếp hay gián tiếp.

Nếu có bằng chứng về việc CP gửi tin từ đầu số dịch vụ, ngay lập tức MobiFone sẽ dừng hợp tác và thu hồi đầu số. Trường hợp tin nhắn rác được gửi từ các thuê bao di động, MobiFone sẽ xem xét thu hồi số, cắt liên lạc nếu có đủ cơ sở.

Ngoài ra, nhà khai thác di động này cũng tuyên bố sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra, xác minh nguồn gốc tin nhắn để bảo vệ khách hàng.

MỚI - NÓNG