Số liệu nước biển dâng ở Việt Nam nghèo nàn

Số liệu nước biển dâng ở Việt Nam nghèo nàn
TP - Không chỉ thiếu số liệu sụt lún, Việt Nam còn thiếu số liệu về nước biển dâng, cơ sở để đánh giá chính xác mức độ thiệt hại đối với đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Đây là hai trong số 10 châu thổ trên thế giới có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 30-50 năm nữa.

Số liệu nước biển dâng ở Việt Nam nghèo nàn ảnh 1
Sẽ đặt thêm các trạm đo mực nước biển dâng dọc bờ biển Việt Nam. Ảnh: HP

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục&Phát triển (CERED), nhà khoa học Việt Nam duy nhất tham gia cùng hàng trăm nhà khoa học quốc tế viết báo cáo về biến đổi khí hậu của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2007, cho biết:

So với số liệu về sụt lún, số liệu về mực nước biển dâng ở nước ta có khá hơn một chút. Chúng ta có một trạm đo mực nước biển dâng ở đảo Hòn Dấu thuộc Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại đó, số liệu đo đạc cho thấy mực nước biển có dâng. Đáng tiếc nó lại là trạm duy nhất ở Việt Nam và xây từ thời Pháp thuộc.

Các nước như Philippines, Thailand, Malaysia, v.v…, đều có nhiều trạm đo. Nhật Bản, có ba trạm ở riêng vịnh Hiroshima, kinh phí xây mỗi trạm 6-7 triệu USD.  Từ các quan trắc hệ thống và hiện đại, họ nhận định, 30 năm qua, mực nước biển ở khu vực này dâng 15-20 cm.

Số liệu Hòn Dấu chỉ đưa vào tham khảo về xu thế chung của châu Á mà thôi. Đóng góp đó, xét về khoa học, có giá trị không nhiều so với các nước khác. Mực nước biển dâng liên quan đến nhiều yếu tố như độ giãn nở của nước, địa chất, địa tầng, nhiệt độ không khí. Chứ không phải tất cả mọi chỗ như nhau. Do địa tầng, có chỗ thậm chí tụt xuống thì sao.

Các đồng nghiệp nước ngoài hỏi tôi rất kỹ về vấn đề sụt lún, về đồng bằng thấp, và nước biển dâng. Độ sụt lún rất quan trọng và phải có nhiều trạm đo mực nước biển. Chẳng hạn, Ấn Độ, Trung Quốc hỏi tôi: "Ông thử xem kỹ xem liệu có thể có được số liệu của hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long không. Chúng ta cần hai đồng bằng lớn ở châu Á để so sánh chung".

Trên cơ sở báo cáo của IPCC, chắc Việt Nam phải thay đổi không ít thì nhiều chứ không thể mãi bình chân như vại được. Sau báo cáo của IPCC, tôi được biết Bộ TN&MT có xin kinh phí để đặt hơn 10 trạm đo mực nước biển dâng. Không rõ báo cáo của IPCC có phải tác động đến các nhà hoạch định chính sách hay không. Nhưng thôi thì muộn còn hơn không.

Biến đổi khí hậu là dịp để chúng ta có cơ hội chứng kiến tình trạng, nếu không chịu nhìn dài hơi, không đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, chúng ta sẽ phải trả giá đắt như thế nào.

Cải thiện khả năng ứng phó và giám sát bệnh tật là yếu tố sống còn. Khi khí hậu biến đổi nhanh chóng, nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm tăng lên - khi con người và các loài động vật tìm kiếm nơi cư trú mới, những bệnh mà họ mang theo cũng sẽ phát tán rộng hơn.

Ví dụ - thời tiết ấm hơn đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi địa lý phát triển của muỗi. Điều này cũng có nghĩa chu kỳ sinh sản của muỗi đang ngắn lại, cho phép chúng sinh sôi nảy nở với tốc độ nhanh hơn và gây hiểm họa bệnh tật lớn hơn. Một số lượng lớn khác thường các ca sốt xuất huyết đang xảy ra tại Châu Á cho thấy sơ bộ điều gì đang đón đợi chúng ta ở phía trước.

MỚI - NÓNG