“Sốt” Internet ADSL

“Sốt” Internet ADSL
40% khách hàng thực hiện sự chuyển dịch từ sử dụng Internet gián tiếp sang ADSL (băng rộng) trong vòng 12 tháng qua dẫn đến tình trạng “sốt” Internet ADSL.
“Sốt” Internet ADSL ảnh 1
Dịch vụ ADSL hiện đang ở tình trạng cung lớn hơn cầu

Các nhà cung cấp một mặt đang lo “sốt vó” cân bằng lượng cung cầu, một mặt ráo riết đưa ra nhiều loại dịch vụ ADSL khác nhau. “Cuộc chiến” là cơ hội để mọi đối tượng khách hàng đều có cơ hội sử dụng Internet băng rộng với giá cả rất bình dân.

Chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu

Thống kê của Bộ BC&VT cho thấy liên tục trong những tháng qua, 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet ADSL gồm VNPT, FPT, Viettel, Netnam và Saigon Postel (SPT) chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu sử dụng Internet băng rộng ADSL.

 Đến ngay như Netnam, Cty thuộc loại vừa mới tập trung cung cấp ADSL và tích hợp giải pháp cho doanh nghiệp, theo ông Vũ Thế Bình – phụ trách kinh doanh của Cty, cũng có hàng chục khách hàng “ăn chực nằm chờ” đợi đến lượt được phục vụ.

Ông Nguyễn Tiến Anh Tuấn – Phó trưởng phòng kinh doanh Cty VDC, đơn vị thành viên của VNPT chiếm đến 50,32% thị phần, cho biết số lượng cổng ADSL được cung cấp về địa phương tại các tỉnh đến đâu được đăng ký hết ngay đến đó.

Tính toán của VDC cho thấy tốc độ tăng trưởng Internet ADSL đã lên đến con số 170%/năm. Cũng theo tính toán của Cty này, hầu hết số đối tượng có nhu cầu sử dụng Internet ADSL rất cao là các gia đình, các Cty nhỏ và vừa. Theo ước tính của bà Chu Thanh Hà- Phó Tổng GĐ Cty FPT Communication, trong năm nay, số lượng thuê bao ADSL có thể đạt từ 180.000 đến 200.000.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng cung không đủ cầu như hiện nay là điều dễ hiểu vì phương thức cung cấp Internet băng rộng chủ yếu được thực hiện thông qua dịch vụ ADSL, nghĩa là sử dụng hạ tầng viễn thông thoại của các doanh nghiệp viễn thông.

Trong khi đó, không phải nhà cung cấp nào cũng có khả năng đầu tư hoặc thuê hạ tầng thoại. Các phương thức cung cấp Internet băng rộng khác như qua cáp truyền hình, vệ tinh, mạng không dây lại đang còn nhiều hạn chế.

Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng “sốt” Internet ADSL, theo bà Chu Thanh Hà, là nhu cầu sử dụng Internet hiện nay không còn đơn thuần chỉ là gửi/nhận thư điện tử hoặc lướt web nữa.

 Người dùng Internet tại Việt Nam ngày càng có nhiều nhu cầu khai thác Internet ở mức độ cao hơn như gọi điện thoại Internet, khai thác mạng ảo dùng riêng VPN, tổ chức hội thảo trực tuyến, xem video theo yêu cầu (VOD), nghe nhạc, chơi game trực tuyến, v.v… ADSL chính là phương tiện giúp họ thực hiện các nhu cầu này với chi phí thấp.

Internet ADSL giá bình dân

Để cân bằng lượng cung cầu, các nhà cung cấp đang ráo riết tiến hành nhiều biện pháp trong đó có đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Cho đến thời điểm này, FPT Commnication đã triển khai hạ tầng mạng cáp ADSL phủ rộng trên 75% địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Quyết giữ danh hiệu “người khổng lồ” trong cung cấp Internet, VDC phủ mạng cáp ADSL đến 51 tỉnh thành và gần như 100% địa bàn tại các thành phố lớn. Biện pháp mà các nhà cung cấp đang tiến hành ráo riết không kém là nâng dung lượng đường truyền.

Với lợi thế là nhà cung cấp đường truyền Internet (IXP), VDC sẽ mở thêm 9 kênh Internet quốc tế với dung lượng 155 Mbps mỗi kênh, nâng tổng dung lượng kênh Internet lên 2048 Mbps. Bà Chu Thanh Hà cũng không giấu kế hoạch nâng cấp thêm hàng quý tối thiểu 30% băng thông quốc tế của FPT trong vòng năm tới.

“Cuộc chiến” tăng dung lượng kênh Internet có làm giá cước Internet giảm? Ông Phan Ngọc Minh – GĐ Trung tâm Viễn thông thế hệ mới (VNGT) đặt câu hỏi tại sao cước sử dụng dịch vụ Internet băng rộng ở Việt Nam lại không rẻ bằng một nửa cước sử dụng không hạn chế dịch vụ Internet băng rộng mà người dân Mỹ đang trả, khoảng 29,9 USD/tháng.

Dẫu vậy, các chuyên gia tỏ ra thống nhất với nhận định rằng giá cước Internet hiện nay đã ở mức rất thấp nên các nhà cung cấp khó có thể tiếp tục giảm cước xuống nữa mặc dù đại gia VNPT hoàn toàn có khả năng giảm giá.

Theo các chuyên gia, khách hàng chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhưng không phải do giảm cước mà là sự đa dạng trong cung cấp các dịch vụ để bất kỳ đối tượng nào, từ bình dân cho đến cao cấp, đều có thể sử dụng dịch vụ Internet ADSL.

Hiện FPT và Viettel đã tung ra 2 hình thức tính cước phí cho ADSL là trọn gói và theo lưu lượng sử dụng. Trong hình thức cước phí trọn gói, FPT chia làm rất nhiều gói dịch vụ cho gia đình, doanh nghiệp, quán café Internet, v.v…, với giá gói cước tháng từ 500.000đồng/tháng trở nên.

Không thể chậm trễ hơn, VDC cũng đang ráo riết chuẩn bị cho việc công bố các gói dịch vụ mềm dẻo sau khi được Bộ BC&VT chấp thuận chứ không cứng nhắc ở mức 1.000.000 đồng/tháng như hiện nay. Theo kế hoạch này, như tiết lộ của một đại diện VDC, gói dịch vụ ADSL thấp nhất có thể chỉ ở mức trên 100.000 đ/tháng.

Tất nhiên, gói cước thấp nhất sẽ đồng nghĩa với việc khách hàng chỉ được sử dụng Internet ADSL dung lượng thấp, dưới 100 Kbps so với tốc độ tối đa hiện nay là 2 Mbps. 

Hải Hà

Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (Vnnic), đến hết tháng 2/2005, đã có 6.509.964 người sử dụng Internet với số lượng thuê bao quy đổi là 2.199.312. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet đạt 7,89%. Tổng băng thông kênh kết nối quốc tế của Việt Nam đạt 2221 Mbps.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.