Sửa chữa điện thoại di động: Thầy ít, ma nhiều

Sửa chữa điện thoại di động: Thầy ít, ma nhiều
Dạo một vòng qua các trục đường tại TPHCM mới thấy cơ man nào là các cửa hàng bảo hành điện thoại di động. Nhưng phần lớn trong số này là sửa dối, lấp liếm, thậm chí “luộc” cả máy...

Anh H., nhân viên một công ty kinh doanh máy vi tính ở Q.1, từng là nạn nhân của các cửa hàng này phải thốt lên: “Sửa gì, phá thì nhiều”.

Trước đây, anh từng đem một chiếc ĐTDĐ Samsung E800 bị tắt màn hình đến một cửa hàng trên đường Hùng Vương, Q.5 để sửa. Sau khi xem sơ qua máy, cửa hàng báo giá 250.000 đồng để thay dây nguồn.

Hai ngày sau quay lại lấy máy, màn hình hiện lên như cũ. Nhưng cũng trong ngày hôm đó anh phát hiện chỉ cần gọi khoảng 2 phút là máy đột nhiên tắt nguồn.

Cầm máy quay lại cửa hàng trên, người chủ lắc đầu bảo: “Anh cầm máy đến không có màn hình thì tôi thay dây nguồn cho lên màn hình, còn máy anh trước đó bị hư làm sao tôi biết”.

Chúng tôi cũng đã cầm chiếc máy Sony Ericsson J200i tuy đã cũ nhưng vẫn còn sử dụng tốt đến cửa hàng H trên đường Ba Tháng Hai, Q.10 để sửa chữa. Sau khi nghe chúng tôi “khai bệnh” cho dế của mình là hay bị tắt nguồn và mất sóng, một người tên T. nhận là thợ chính ở đây cho rằng máy bị hư nguồn cộng với “cục” tiếp sóng lâu ngày trục trặc nên có tình trạng trên.

Cuối cùng, anh thợ này ra giá 500.000 đồng để thay mới các linh kiện trên. Trong khi đó, khi chúng tôi mang chiếc máy này đến các cửa hàng mua bán điện thoại cũ khác để bán thì được mua với giá 300.000 đồng.

“Cò” bảo hành!

Trong khi tại TP.HCM có rất nhiều siêu thị ĐTDĐ với qui mô và uy tín khác nhau thì việc bảo hành cho điện thoại cũng rất phức tạp. Một trưởng phòng kinh doanh của một công ty phân phối ĐTDĐ cho biết dịch vụ bảo hành sửa chữa đã xâm nhập các siêu thị ĐTDĐ tại TP.HCM. Một số siêu thị còn hình thành cả các service hub (điểm bảo hành sửa chữa).

Nhưng những service hub như thể chỉ làm công tác tiếp nhận, xử lý vài lỗi nhẹ, còn lại là chuyển máy về trung tâm bảo hành chính của hãng để thực hiện. Thế là khách hàng phải mất thêm một khoảng thời gian tại các điểm bảo hành “trung gian” như thế.

Anh V., một sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM, đã từng đem chiếc Nokia 6630 của mình đến sửa phần nguồn tại siêu thị ĐTDĐ P khá nổi tiếng với mức giá khá cao là 400.000 đồng. Mãi một thời gian sau, rất tình cờ anh V. mới biết chiếc máy kia được sửa chữa tại một trung tâm tên HN (đường Ba Tháng Hai, Q.10) với giá... 150.000 đồng.

Các hãng ĐTDĐ bây giờ không chỉ cạnh tranh nhau trong sản phẩm, chính sách bán hàng, marketing mà còn không ngừng cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hành sản phẩm để xây dựng hình ảnh của mình. Mỗi hãng chọn cho mình một cách để thực hiện các dịch vụ này. Các hãng như Nokia, Sony Ericsson, Ben Q-Siemens, Panasonic… chọn cho họ các đối tác để chuyên trách thực hiện các công tác bảo hành cho sản phẩm chính hãng.

Các đối tác này làm việc theo kiểu “thầu khoán” trách nhiệm bảo hành cho hãng. Phần lớn các đối tác của các hãng đều là những đơn vị uy tín trong lĩnh vực bảo hành, sửa chữa ĐTDĐ.

Samsung và Motorola thì chọn cho mình cách liên kết với các nhà phân phối để lập ra các trung tâm bảo hành (Samsung Mobile Plaza và Moto House). Các trung tâm bảo hành này vẫn thực hiện sửa chữa cho các máy không được mua chính hãng như hàng xách tay, hết hạn bảo hành… với chế độ bảo hành service - one (thời gian bảo hành khoảng 1-2 giờ).

Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau như máy là hàng xách tay, máy hết hạn bảo hành, không tiện đường, không có thời gian… nên người sử dụng vẫn hay “phó thác” máy của mình cho các cửa hàng bán điện thoại kiêm… bảo hành. Vì điều này mà có những service hub trong siêu thị hay những cửa hàng buôn bán điện thoại còn đất để… kiếm tiền.    

Theo Nam Hưng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG