Tái phát cúm gà ở Indonesia - Có nên tiêm phòng vaccine hàng loạt cho gia cầm?

Tái phát cúm gà ở Indonesia - Có nên tiêm phòng vaccine hàng loạt cho gia cầm?
Các chuyên gia y tế cảnh báo, chớ vội tiêm phòng vaccine cúm hàng loạt cho gia cầm sau khi dịch cúm  bùng phát trở lại tại Indonesia vào cuối tuần qua.

Cảnh báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen Indonesia có vẻ thành công trong việc khống chế dịch cúm gia cầm bằng hành động liều lĩnh cho tiêm vaccine hàng loạt trên gia cầm.

Theo Peter Horby, chuyên gia dịch tễ tại WHO Việt Nam, thực ra từ trước đến nay, quan điểm của WHO vẫn cho rằng các loại vaccine hiện thời không thể ngăn chặn gia cầm nhiễm virus cúm mà chỉ làm giảm tác dụng của virus cúm mà thôi. Và mặc dù việc tiêm vaccine khiến cúm gia cầm lan truyền chậm hơn (một con gà được tiêm vaccine chứa lượng virus ít hơn so với con gà không tiêm vaccine), hầu hết gà tiêm vaccine không có biểu hiện cúm rõ ràng bất chấp chúng đã mắc bệnh.

Điều đó gần như đồng nghĩa với việc “bịt mắt” con người trong nỗ lực phát hiện sớm cúm gia cầm, đồng nghĩa với việc buông tay chấp nhận để dịch cúm gia cầm lặng lẽ lây lan trừ phi có một hệ thống giám sát cực kỳ chặt chẽ.

Một tuần trước khi tái bùng phát dịch cúm gia cầm ở Indonesia, chuyên gia WHO tại Indonesia ca ngợi nước này coi như thành công trong khống chế dịch bằng biện pháp mà lâu nay WHO nghi ngờ. Năm ngoái, dịch lan ra 14/33 tỉnh thành của Indo và nước này quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp khiến các nhà dịch tễ lo sốt vó, George Petersen, đại diện của WHO tại Indo cho biết.

Họ cho tiêm vaccine hàng loạt trên gia cầm mà không cần thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế và phớt lờ khuyến cáo của WHO cho tiêu huỷ hàng loạt mà Việt Nam, Thái Lan và Campuchia tuân thủ một cách tích cực.

Cho đến đầu tuần trước, có ý kiến cho rằng có khả năng WHO sẽ thay đổi quan điểm, sẽ khuyến khích tiêm phòng vaccine hàng loạt ở nơi áp dụng tiêu huỷ hàng loạt mà dịch vẫn bùng phát. Theo TS Petersen, “thành công” của Indonesia là nhờ nước này cải tiến đáng kể hệ thống giám sát và thông báo tình hình cúm gia cầm nhờ khoản viện trợ của Chính phủ Australia thông qua WHO.

Nay, khi bài tụng ca chưa kịp hát hết, khi bài học Indonesia chưa được tổng kết trọn vẹn, các chuyên gia lại cảnh báo các nước có dịch, đặc biệt là Việt Nam, chớ vội mừng mà cho áp dụng đại trà. Một hệ thống giám sát hiệu quả nói thì dễ mà thực hiện không đơn giản.

Cho đến nay, chỉ hệ thống giám sát của Hongkong được đánh giá đạt yêu cầu khi đặc khu này giữ cúm gia cầm không tái phát sau khi dịch bùng nổ năm 1997 làm chết 5 người.

Những tín hiệu virus biến chủng đầu tiên?

Ngày 17/3, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, TS Nguyễn Trần Hiền, xác nhận bệnh nhi 5 tuổi đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình (bé Hoàng Trọng Dương ở thôn Châu Hoá, xã Thuận Hoá, huyện Tuyên Hoá) nhiễm H5N1 sau khi nhập BV Trung ương Huế ngày 15/3/2005. Chị gái 13 tuổi của bé có triệu chứng tương tự và chết tại bệnh viện ngày 9/3 sau khi hai chị em ăn thịt gà bệnh trước đó 3 tuần được hàng xóm cho. Cộng với nghiên cứu mới nhất về sáu trong số bảy ca nhiễm H5N1 tại Thái Bình, các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ virus đang trên “bờ vực” biến đổi để có thể gây ra đại dịch cúm trên người bất chấp Peter Horby cho rằng vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục.

Các ca nhiễm “tập thể” ở Thái Bình “cho thấy những tín hiệu đầu tiên virus đang thay đổi và dường như có khả năng lây lan sang con người và điều đó đòi hỏi các nhà chức trách phải có hành động can thiệp bạo liệt”, tuyên bố của WHO ngày 14/3/2005 viết.

Ca nhiễm lo ngại nhất là của một nữ y tá 46 tuổi nhập Viện Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới ngày 10/3/2005 khi bệnh nhân từng chăm sóc bệnh nhân nhiễm H5N1 giống trường hợp một nam y tá 26 tuổi cũng ở Thái Bình nhập viện ngày 7/3 sau khi chăm sóc bệnh nhân Tuân 21 tuổi đang ở tình trạng thập tử nhất sinh. “Chủng virus mới lây nhiễm dễ dàng hơn từ người sang người có thể đã xuất hiện”- Các chuyên gia cảnh báo.

Để áp dụng tiêm phòng vaccine hàng loạt trên gia cầm, các chuyên gia thú y Hongkong áp dụng quy trình theo dõi nghiêm ngặt.

Các xét nghiệm được thực hiện định kỳ với gà ở nông trại và cả ngoài chợ. Với mỗi đàn gà được tiêm vaccine, các chủ trại phải giữ lại 60 con không tiêm để làm đối chứng. Nếu con nào trong nhóm nào mắc bệnh hoặc chết, các nhà dịch tễ sẽ sớm phát hiện virus xuất hiện từ đâu, từ đàn được tiêm hoặc không được tiêm vaccine.

Kể từ năm 2003 đến nay, các nước Đông Nam Á có 70 ca nhiễm H5N1 và 47 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do H5N1 lên đến 75%.

Tỷ lệ đó kinh khủng nếu biết, trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, tỷ lệ tử vong chỉ 2% mà số người chết đã là 30-40 triệu người.

Riêng tại Việt Nam, 34 người tử vong do H5N1. Thái Lan có 12 và Campuchia có một ca tử vong. Tính từ tháng 12/2004 đến nay, Việt Nam có 13 người tử vong trong số 25 người được xác định nhiễm H5N1, chưa kể 7 ca âm tính ở miền Nam vừa được một phòng thí nghiệm ở Tokyo, Nhật Bản, khẳng định ngược lại, có dương tính với H5N1. T

ính từ tháng 1/2005, 35/64 tỉnh thành phải tiêu huỷ 1,5 triệu gia cầm và thuỷ cầm. Hiện tại, vẫn còn 10/35 tỉnh thành chưa tuyên bố hết dịch.

MỚI - NÓNG