Tân TGĐ Viettel có cái nhìn thoáng về dịch vụ OTT

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Vân Ly.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Vân Ly.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - người vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel sau nhiều năm giữ chức Phó tổng giám đốc - được người trong ngành coi là người có cái nhìn "thoáng" về dịch vụ OTT (dịch vụ gọi điện nhắn tin miễn phí trên mạng Internet).

Ông Hùng sẽ đảm đương vị trí này từ ngày 1-3 tới, khi ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc đương nhiệm, về nghỉ hưu.

Ông Hùng làm việc tại Viettel năm 1989, từ những ngày đầu tiên tập đoàn này được thành lập.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962. Ông tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông tại Nga, có bằng thạc sĩ viễn thông ở Úc và có thêm tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông được đồng nghiệp nhìn nhận là có tư duy nhanh nhạy về kinh doanh và luôn có tầm nhìn chiến lược.

Mới đây, trong khi phần lớn các mạng viễn thông cho rằng cần phải thắt chặt dịch vụ gọi điện nhắn tin miễn phí qua Internet (OTT) như Viber, WhatsApp, Zalo... vì ảnh hưởng đến doanh thu của nhà mạng thì ông Hùng quan niệm chính các dịch vụ này buộc các nhà mạng phải thay đổi và nhanh nhạy hơn.

Theo ông Hùng, vì bị OTT ảnh hưởng đến doanh thu nên Viettel sẽ phải năng động hơn trong việc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và đầu tư ra nước ngoài, chứ không sẽ mãi ì ạch và không thay đổi. Thậm chí ông Hùng còn cho rằng nếu cần thiết thì Viettel có thể mua lại doanh nghiệp OTT gây áp lực cạnh tranh lên mảng dịch vụ di động của mình để giúp bộ phận này trở nên năng động và sáng tạo hơn trong cung cấp dịch vụ.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước khi nhận chức, ông Hùng cho biết thời gian tới tập đoàn này sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trên hạ tầng viễn thông sẵn có của tập đoàn. Ông cho biết với hạ tầng có sẵn, Viettel có thể đẩy mạnh cung cấp dịch vụ CNTT trong y tế, giáo dục.

Theo ông Hùng, nếu Viettel đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giáo dục thì người dân ở các vùng sâu, vùng xa hoàn toàn có thể tiếp cận dịch vụ giáo dục tốt như đang ở Hà Nội. Viettel sẽ đưa truyền hình cáp đến các hộ gia đình, rồi đầu tư mời những thầy giáo giỏi dạy trên truyền hình để học sinh ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận với thầy giỏi.

Hoặc Viettel cũng tính đến việc làm sao có giải pháp tính tiền điện theo giờ để giờ cao điểm giá cao, giờ thấp điểm giá thấp - thông qua một chiếc sim điện thoại cắm vào công tơ điện và cài đặt phần mềm.

Một lĩnh vực khác mà Viettel có thể tham gia là cung cấp dịch vụ y bạ điện tử cho ngành y tế để lưu trữ thông tin của người bệnh cho bác sĩ tiện dùng cho lần khám sau.

Hiện Viettel đang có hơn 1.000 nhân sự chuyên làm mảng dịch vụ CNTT.

Được biết, chiến lược lâu dài của Viettel đến 2020 là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để "lọt vào" danh sách 10 công ty đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới về viễn thông.

Viettel hiện là tập đoàn có 25.000 nhân viên. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2013 đạt 23,7 triệu đồng/người/tháng trong khi năm 2012, con số này chỉ đạt 18 triệu đồng.

Năm 2013, tập đoàn này đạt doanh thu gần 163.000 tỉ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2012, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 35.000 tỉ đồng.

Tính đến hết năm 2013, Viettel có hơn 54 triệu thuê bao điện thoại cả cố định và di động. Tháng tư tới Viettel sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.

 

Theo Vân Ly

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.