Tận thấy đại bản doanh Google ở Hamburg

Tận thấy đại bản doanh Google ở Hamburg
TPCN - Hàng ngày, trên thế giới, có tới hàng triệu lượt người click chuột vào trang web của Google, thế nhưng “hậu trường” của Google  như thế nào, không phải ai cũng biết.
Tận thấy đại bản doanh Google ở Hamburg ảnh 1
Stefan Keuchel, giám đốc PR đang giới thiệu phòng giải trí của Google

Vì vậy chúng tôi thật may mắn được tham quan nơi làm việc của Google tại Hamburg (Đức), một trong 20 đại bản doanh của Google trên thế giới.

Nằm ở thành phố Hamburg, đại bản doanh của nhiều “đại gia” trong giới truyền thông tại Đức như AOL, Spiegel, Finantial Times Deutschland, Stern... Google không những  trụ được mà còn ăn nên làm ra và trở thành một đối thủ đáng gờm của AOL.

Hiện nay, hơn 8 tỉ trang web tồn tại trên Google là con số khiến ta giật mình bởi dân số thế giới mới chỉ hơn 6 tỉ người. Nhân viên của Google có hơn 3.200 người, ở khắp thế giới.

Đối tác về nội dung và công cụ tìm kiếm của Google  lên tới con số hàng ngàn trong đó phải kể đến AOL, Disney, NEC và New York Times.

Tiền thu về nhiều, nhưng họ cũng đầu tư ra không ít. Mỗi năm,  số tiền tiếp thị trực tiếp qua email chiếm khoảng  2 tỉ USD, qua các trang vàng là 12 tỉ USD, quảng cáo trên mạng là 48 tỉ  và thư trực tiếp là 48 tỉ USD.

Google là người đi tiên phong với việc cho ra đời hòm thư điện tử có dung lượng lớn: 1 Gigabytes (gấp 100 lần dung lượng các hòm thư điện tử thời điểm đó) và chỉ trong một thời gian ngắn, tiếp tục tăng dung lượng lên gấp đôi: 2 Gigabytes. Lúc đó, Hotmail và Yahoo mail mới chỉ có dung lượng 10 Megabyte.

Google kiếm tiền bằng cách nào?

Tận thấy đại bản doanh Google ở Hamburg ảnh 2
Phòng giải trí của Google với ghế sofa, máy massage, bàn bóng pingpong, tủ lạnh...

Stefan, Giám đốc PR của Google trả lời ngay: quảng cáo. Thị phần của  Google tại Đức chiếm tới  85%. Ba cách kiếm tiền chính của Google: quảng cáo, công cụ tìm kiếm và các dịch vụ

Quảng cáo

“Khách hàng là người quyết định giá quảng cáo”, Stefan cho biết. Và đây đang là xu hướng phổ biến của quảng  cáo trên  báo điện tử trên thế giới. Không biết các nước khác như thế nào, chứ các báo điện tử ở Đức mà chúng tôi tới thăm đều có cách tính quảng cáo đó: khách hàng quảng cáo là người ra giá cho quảng cáo của công ty mình. 

Nhìn vào trang chủ của Google ta nhận thấy nó được chia làm hai cột: cột bên trái là kết quả tìm kiếm, cột nhỏ hơn bên phải chính là  quảng cáo. Không có khung giá cố định cho quảng cáo.

Thứ tự của các nhà quảng cáo xuất hiện trên web từ trên xuống dưới phụ thuộc vào số tiền quảng cáo của khách hàng cao hay thấp. Vì thế có một ưu điểm của cách tính quảng cáo này  là  dù anh ít tiền, thậm chí rất ít tiền cũng có thể được quảng cáo trên Google, nhưng việc quyết định vị trí xuất hiện trên web chỉ có Google biết được.

Thời gian tồn tại của một quảng cáo trên Google phụ thuộc vào số lần  truy cập vào trang quảng cáo đó. Giá trung bình cho mỗi lần nhấp chuột (click) là 10 cent hoặc 15 cent. Cách tính này cũng tránh được nguy cơ rủi ro cho khách hàng mỗi khi đường truyền bị trục trặc (kể cả đường truyền có bị mất một tháng cũng chẳng sao- nhưng đây là giả thiết không bao giờ xảy ra).

Với khung giá mở như vậy, các công ty sẽ tự đánh giá được khả năng của mình. Mức giá quảng cáo cao nhất đã từng gặp ở Google là  một công ty luật ở Mỹ.

Vì biết luật là một ngành đặc thù, người cần tìm đến trang web là người giàu và có nhu cầu cao, công ty này tự đưa ra giá lên tới hàng trăm USD cho mỗi lần click chuột.

Mặc dù Stefan không đưa ra số tiền quảng cáo cụ thể, mà chỉ chung chung kiểu “hàng triệu USD”, ta cũng có thể tính được thời gian tồn tại của quảng cáo đó.

Chẳng hạn, số tiền quảng cáo mà công ty luật đó bỏ ra là  1 triệu USD, trị giá mỗi lần nhấp chuột vào trang quảng cáo của công ty luật đó là 100 USD. Vậy quảng cáo của công ty này có thể tồn tại trên Google sau  1.000 lần nhấp chuột của người truy  cập và tất nhiên với số tiền đó, nó được đứng ở  vị trí đầu tiên trong danh mục quảng cáo của Google.

Công cụ tìm kiếm

Kho dữ liệu hình ảnh của Google khá lớn với hơn 1 tỉ bức ảnh. Google sở hữu 50% thị phần tìm kiếm trên Internet. Chính sự tiện lợi của công cụ tìm kiếm đã khiến Google thu hút được hàng ngàn nhà quảng cáo trên khắp thế giới đến với Google.

Ngoài trụ sở lớn ở Hamburg (Đức), Google còn có trụ  sở ở  hơn 20 nước  trên khắp thế giới như Moutain View, Boston, London, Tokyo, Hamburg, Paris, Amsterdam, Zurich, Bangalore, Hyderadad và Milan.

Việc bán phần mềm tìm kiếm cũng đem lại cho Google một lợi nhuận khá lớn bởi giá phần mềm này khá đắt, khoảng  5.000 euro theo tiết lộ của Stefan.

Quản lý nhân viên bằng hiệu quả công việc

Với một guồng máy nhân viên khổng lồ, Google không quản lý con người bằng thời gian, mà bằng hiệu quả công việc. Mọi nhân viên làm việc tại Google đều được trang bị những điều kiện làm việc thuận lợi nhất.

Nhân viên Google luôn tự hào vì công cụ tìm kiếm của mình. Thậm chí nhiều nhân viên của “người hàng xóm” AOL cũng xin về đầu quân tại Google vì nhìn thấy được tương lai phát triển công cụ tìm kiếm của Google.

Bên cạnh các phòng làm việc hiện đại, Google còn có một phòng giải trí  dành cho nhân viên. Trong phòng này có  các đồ ăn, thức uống để sẵn trong tủ lạnh. Những chiếc ghế sofa bọc nệm êm cho nhân viên  nghỉ ngơi nếu thấy  mệt mỏi. Các thiết bị tập luyện thể thao như  máy chơi bóng bàn, xe đạp 1 bánh... được trang bị tại đây giúp nhân viên thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.