Công trình nghiên cứu ở Anh gây xôn xao dư luận:

Tạo phôi quái vật để điều chế thuốc chữa bệnh

Tạo phôi quái vật để điều chế thuốc chữa bệnh
TP - Các nhà khoa học Anh vừa nộp đơn xin phép thực hiện một công trình nghiên cứu kỳ lạ, tạo ra phôi quái vật, nhằm tìm cách điều chế thuốc chữa bệnh hiểm nghèo cho người.
Tạo phôi quái vật để điều chế thuốc chữa bệnh ảnh 1
Nhóm khoa học gia Newcastle đang đi tiên phong trong lĩnh vực tế bào mầm bằng cách tổng hợp DNA người với trứng bò

Lá đơn với ý tưởng kỳ lạ này xuất phát từ Đại học Newcasstle và Cao đẳng Kings, London.

Và nếu lá đơn nộp lên Ủy ban Phôi học&Thụ tinh Người (HFEA) với thời hạn nghiên cứu ba năm được chấp nhận, các phôi quái vật lần đầu tiên sẽ bước ra hiện thực thay vì chỉ có trong tiểu thuyết viễn tưởng bao lâu nay.

Báo chí Anh gọi sản phẩm của nghiên cứu này là “quái vật” bởi đấy là phôi tạo ra từ ADN của người kết hợp với trứng bò cái.

Phôi lai bò - người, theo các nhà khoa học, sẽ được sử dụng để nghiên cứu tế bào mầm và cam đoan sẽ không cho phép bất cứ ai nuôi phôi đó để phát triển thành quái vật. Để ngăn chặn nguy cơ đó, họ hứa (trong đơn) là chỉ cho phôi phát triển đủ dài để tạo ra tế bào mầm nhưng sẽ không quá vài ngày tuổi.

Nghiên cứu tế bào mầm là một trong những lĩnh vực hứa hẹn của y học thế kỷ 21. Tế bào mầm là các tế bào chủ của cơ thể. Một cái phôi 5 ngày tuổi được khẳng định chứa đầy tế bào mầm và mỗi tế bào mầm có thể phát triển thành bất cứ bộ phận nào trên cơ thể.

Có được tế bào mầm, các nhà khoa học mới có thể tìm ra căn nguyên sâu xa của nhiều bệnh hiểm nghèo mà trước mắt là nhóm bệnh liên quan đến thần kinh như liệt rung (Parkingson), đột quỵ và suy giảm trí nhớ (Alzheimer). Để đạt được mục đích cho sự nghiệp cao cả đó, họ cần có hàng nghìn phôi, nguyên liệu cung cấp tế bào mầm.

Vấn đề là lấy phôi hay trứng ở đâu. Về lý thuyết, trứng người là nguồn gần như vô tận nếu biết buồng trứng mỗi phụ nữ trưởng thành chứa hàng nghìn quả. Nhưng để lấy được trứng người không phải đơn giản. Ngoài hàng rào pháp lý còn có khó khăn về kỹ thuật như phải thực hiện phẫu thuật trên người cho trứng. Các nhà khoa học bèn nghĩ đến nguồn cung là trứng động vật.

Và mong muốn của họ thành hiện thực khi họ hoàn thành thử nghiệm đưa ADN người (mang thông tin di truyền của người) đặt vào trứng một con bò sau khi quả trứng này được lấy đi nguyên liệu mang mã di truyền bò.

Kết quả là họ có một cái phôi giống phôi người 99%. Phần khác biệt nhỏ bé còn lại mang đặc tính bò chỉ là DNA bên ngoài nhân tế bào. Toàn bộ kỹ thuật tạo phôi quái vật, phôi bò – người, này chính là kỹ thuật từng tạo ra Cừu Dolly, động vật hữu nhũ nhân bản đầu tiên trên thế giới.

Đó là lý do vì sao các khoa học gia muốn dùng trứng bò làm nguyên liệu thay thế. Họ nộp đơn cho nhà chức trách sau khi nắm chắc quy trình công nghệ.

Tiến sỹ Stephen Minger, Cao đẳng King’s College London, nói: “Với trình độ kỹ thuật hiện nay, không còn cách nào khác ngoài việc cần hàng trăm trứng từ phụ nữ trẻ để tạo ra một dòng tế bào mầm phôi người đơn nhất”.

“Chúng tôi muốn biết các dòng tế bào mầm phôi người chuyển thành thành tế bào bệnh sau này diễn tiến ra sao. Nghiên cứu đó vừa thúc đẩy khoa học cơ bản vừa giúp phát triển những loại thuốc mới chữa các căn bệnh quái ác”.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Lyle Armstrong, nói: “Nếu hiểu được từ tế bào trứng cách thức tạo tế bào mầm từ phôi mà không cần dùng bất cứ quả trứng động vật nào, khi đó và đến một ngày nào đó, chúng ta có thể chữa được bệnh liệt rung (Parkingson) và, thậm chí, chữa được nhiều bệnh liên quan đến tuổi cao khác vốn đang là gánh nặng cho xã hội”. 

Phản đối

PGS.TS Phạm Thị Thùy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Công nghệ Sinh học Việt Nam phản đối việc này vì khía cạnh đạo đức.

“Nghiên cứu này một lần nữa cho thấy công nghệ sinh học đang đi trực tiếp vào bản chất con người, ảnh hưởng tới tương lai của nhân loại”, PGS.TS Phạm Thị Thùy nói.

“Tuy con người cũng là động vật song nó khác mọi loài thú ở chỗ có văn hóa, có ý thức về quá khứ, tương lai và, nhờ đó, con người tạo dựng nên nền văn minh như chúng ta đang thấy”, PGS.TS Thùy nhấn mạnh.

PGS Hà Đình Đức, nguyên giảng viên Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nói: “Về kỹ thuật, phôi đó có thể tạo ra một quái vật – sự pha trộn làm một giữa hai loài hoàn toàn khác nhau.

Khoa học cũng như đạo đức một khi khoa học tách khỏi đạo đức, xã hội sẽ tiêu vong. Để bảo đảm sự sinh tồn của chính mình, các cường quốc công nghệ cần xây dựng quy chế về đạo đức khoa học, làm cơ sở để xem xét các dự án khoa học dưới góc độ đạo đức”.

Tán đồng

Tiến sỹ Evan Harris, Ủy ban Lựa chọn Công nghệ & Khoa học Hạ viện Anh - nói: “Không nên ngăn cản các nghiên cứu đó chỉ vì cái gọi là “khiếp quá””.

Giáo sư Robin Lovell-Badge, trưởng phòng phát triển di truyền, Viện Nghiên cứu Y tế Anh, nói: “Đây là bước đi hợp lý, tìm hiểu vấn đề từ trứng động vật trước. Sau đó mới chuyển sang nghiên cứu trên trứng người nhằm tránh đau đớn cho đồng loại”.

Mục đích là tách tế bào mầm từ phôi khi nó đạt sáu ngày tuổi và sau đó phôi được hủy ngay “thì làm sao quái vật có cơ hội phát triển được”.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con Người Việt Nam: “Vì sự khác biệt sâu sắc về mặt di truyền, còn lâu cái phôi đó mới có thể phát triển thành quái vật. Nếu không có những nghiên cứu táo bạo như thế khó có thể đạt được những đột phá phục vụ cho chính con người”.

MỚI - NÓNG