Thảm họa bão Chanchu bắt nguồn từ trong bờ?

Thảm họa bão Chanchu bắt nguồn từ trong bờ?
TP - Tranh luận thẳng thắn, có lúc gay gắt, buổi tọa đàm do báo Tiền phong Online phối hợp với Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 26/5 ở Hà Nội.
Thảm họa bão Chanchu bắt nguồn từ trong bờ? ảnh 1
Dự báo đường đi của báo do

Buổi giao lưu cho thấy cơ quan dự báo đã làm đúng trên nền tảng của những cái sai mang tính hệ thống. “Chừng nào không sửa được cái sai hệ thống này, dự báo dù có ngang với Tây” cũng khó tránh khỏi một thảm họa như Chanchu, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, nói.

Dự báo bão của ta mới chỉ phục vụ cho đất liền

Mở đầu tọa đàm, GS. TS Đinh Văn Ưu, Giảng viên Khoa Hải dương học, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: “Dự báo bão của chúng ta lâu nay mới phục vụ cho đất liền chứ không phải trên biển.

Điều này hoàn toàn không phù hợp” và là hệ quả của cả một chính sách thực hiện không đúng với Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển, không đúng với tinh thần của công ước về luật biển mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982.

- “Như tôi nhớ không nhầm thì, ngày 13/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Hongkong dự báo được hướng đi của bão Chanchu như nó đã đi (có kèm theo bản đồ được đăng trên báo Tuổi trẻ).

Dự báo của Việt Nam có như vậy không? Nếu có, sao không thông báo cho tàu thuyền tại vùng biển có bão” (hien42187@yahoo.com.vn)

Cử nhân Dương Liên Châu, Phó Giám đốc NCHMF: “Không chỉ Hong kong, một vài trung tâm dự báo khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, v.v..., cũng dự báo bão số I di chuyển lên phía bắc từ ngày 13/5.

Ngày 13/5, họ đều dự báo bão đi thẳng vào Hongkong, vào đến kinh tuyến 114 độ kinh đông. Nếu dự báo đó là đúng, việc đồng bào ta chạy về phía đông bắc (hay về phía tây nam Đài Loan) là đúng.

Nhưng thực tế, bão chỉ đi đến kinh tuyến 115 (mỗi kinh tuyến cách nhau 110km) rồi chuyển theo hướng bắc và bắc đông bắc.

Nếu đã xem các website về dự báo trên thế giới, hẳn bạn cũng đã biết, hiện nay, sai số dự báo vị trí tâm bão cho 24 giờ là 120km.

Với dự báo 48 giờ, sai số là 250km. Nghĩa là, nếu vị trí tâm bão tại điểm X, tâm bão trong 48 giờ tới có thể lệch về trái hoặc phải 250km. Vấn đề ở chỗ, cần biết chính xác ngư dân đang ở đâu mới có thể hướng dẫn họ nên tránh bão về hướng nào”.

- Tại sao ngư dân của mình khi đánh bắt xa bờ chỉ có thể liên lạc với đài Bạch Long Vĩ để biết về tin của cơn bão và gần như bản tin thông báo bão không có gì thay đổi từ ngày 9/5 đến 16/5?(Quynhdiem@yahoo.com, Hanoi)

Ông Trần Văn Ly, Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Kỹ thuật Phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV): VOV phát đi thông tin dự báo thời tiết của nha khí tượng thủy văn.

Tôi khẳng định, khu vực Bạch Long Vĩ bắt không những được một sóng và nhiều sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Còn vấn đề có bắt được sóng hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân.

Tuy nhiên ông Ly thừa nhận bộ phận kỹ thuật của VOV chưa bao giờ ra tận vùng biển xa thuộc lãnh hải nước ta để kiểm tra xem có đúng là sóng của VOV phủ được đến đó hay không.

Vẫn theo GS Ưu, lẽ ra theo các định hướng chung ấy, chúng ta phải đảm bảo từ lâu rồi an toàn cho hoạt động đánh bắt không chỉ vùng biển Việt Nam mà còn cả vùng biển quốc tế và của các quốc gia lân cận thông qua các hiệp định hợp tác đa phương và song phương.

“Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác dự báo và phải khắc phục nó” - GS Ưu nhấn mạnh - “Vì không dự báo cho họ (ngư dân đánh bắt xa bờ) thì dự báo cho ai”. Ông khẳng định chúng ta đã không xây dựng đúng đối tượng dự báo, bỏ sót đối tượng vô cùng quan trọng là ngư dân đánh bắt xa bờ.

Thừa nhận điều kiện hiện nay chỉ cho phép dự báo bão với thời gian không quá 24 giờ, GS Ưu thắc mắc, tại sao không tham khảo kết quả của các trung tâm dự báo có trình độ cao hơn hẳn của Mỹ, Nhật mà cứ nhất thiết phải là kết quả của chúng ta.

“Dự báo của các trung tâm đó đưa ra sớm hơn chúng ta hai đến ba ngày về khả năng bão Chanchu dịch chuyển lên phía bắc”. Ông còn phê phán việc không chủ động thông tin kịp thời cho ngư dân. “Theo tôi,  khâu thu thập, phân tích, xử lý số liệu, tất cả đều có vấn đề!”.

Không nhận được thông tin có ngư dân trên biển (!)

Thạc sĩ Lê Công Thành, GĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương (NCHMF), nói: “Kể từ ngày phát “tin bão theo dõi”, mùng 9/5, lúc Chanchu chưa vượt kinh tuyến 120 cách bờ biển nước ta 1400km cho đến 15/5 là thời điểm báo “tin bão gần” và ngoặt lên phía bắc, chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin gì về việc có ngư dân ta trên biển (!). Nếu biết bà con ta đang ở đó, chúng tôi chắc chắn sẽ có hướng xử lý khác(?)”.

Lâu nay chúng ta chủ quan không tính đến đảm bảo an toàn khi có bão ở xa bờ và đây đúng là bài học cần rút kinh nghiệm ngay từ dự báo cơn bão tới. Bảo vệ mục tiêu trên bờ khác hoàn toàn với mục tiêu trên biển. Đúng là lâu nay chúng ta không tính đến bảo vệ mục tiêu trên biển nên hầu như không có biện pháp đề phòng ngoài xa mỗi khi có bão xa.

Song nếu GS Ưu chê chúng tôi không biết có ngư dân xa bờ, tại sao GS không thông báo ngay cho chúng tôi một khi GS biết (!). Quan hệ giữa chúng tôi với GS lâu nay vừa là quan hệ thầy trò vừa là đồng nghiệp, hoàn toàn có thể thông tin được cho nhau chứ có khó khăn gì đâu”.

“Tôi cũng xin thưa với GS rằng kết quả dự báo trước 24 giờ không phải không có tác dụng. Cơn bão số 6 năm ngoái với đường đi kỳ dị chạy dọc từ miền Trung ra miền Bắc. Lúc đầu, nhiều mô hình dự báo của các nước, kể cả Mỹ và Nhật, đều dự báo bão sẽ đổ bộ vào miền Trung.

Đoàn công tác của Chính phủ định bay vào miền Trung để chỉ đạo. Tôi có báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chờ thêm 12 tiếng nữa bởi chúng tôi dự báo nó không đổ bộ vào miền Trung. Kết quả là đoàn công tác không bay vào nữa và bão đúng là không đổ bộ vào miền Trung”.

“Còn vì sao chúng ta không báo những thông tin từ các trung tâm quốc tế, tôi xin khẳng định là công tác dự báo bao giờ cũng có sai số. Càng dự báo xa, độ chính xác càng giảm. Dự báo trên 24h sai số là trên dưới 100 km. Dự báo trên 48h00, sai số sẽ là 200-250km và trước 72h00, sai số sẽ là 400-450 km”.

Sửa sang tứ bề

Khắc phục những sai sót nói trên ra sao để ngư dân không gặp phải tình trạng tương tự trong tương lai? Trả lời độc giả Nguyễn Diễm Quỳnh (Quynhdiem@yahoo.com, Hanoi), TS Nguyễn Văn Khải cho biết, chúng ta hoàn toàn có khả năng mua và phóng những vệ tinh viễn thám lên không trung để nghiên cứu khí tượng thuỷ văn, dự báo thời tiết.

Ông kiến nghị, trên các tàu của chúng ta, phải có nhiều thiết bị thông tin tầm xa. “Và ở thế kỷ này, có lẽ chúng ta nên chấm dứt dùng các tàu thuyền bằng gỗ hoặc nhỏ để đi đánh cá xa bờ ở khoảng cách 1000-2000km”.

Đặc biệt, khi xảy ra bão biển, hoặc sóng thần, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là đài Tiếng nói Việt Nam cần phải thông tin nhiều hơn và dùng máy có tần suất lớn hơn để thông tin cho bà con.

Vẫn theo TS Khải, cũng cần tính đến đặc tính của ngư dân ta là, do bí mật ngư trường, có người không muốn thông báo nơi mình đang đánh cá. “Đây là hạn chế không nhỏ cho công tác cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra biến cố.

Theo tôi, ngư dân có thể giấu các đội thuyền khác nhưng cũng cần thông tin cho một cơ sở tin cẩn nào đó, giống như trong một số giấy tờ, chúng ta thường ghi “Khi cần báo tin cho ai”.

Trả lời độc giả Trần Văn Hậu (hautv@quangnam.gov.vn), ThS Lê Công Thành hứa sẽ ngay lập tức liên hệ với các cơ quan chức năng để có được những thông tin về hoạt động trên biển nói chung và đánh bắt thủy sản nói riêng.

GS Đinh Văn Ưu cũng thừa nhận chưa bảo đảm được thông tin đến ngư dân là do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không chỉ ở khâu dự báo. Có điều có nên tiếp tục tự bó buộc trong quy chế dự báo 24 tiếng không. Tôi đề nghị phải sớm thay đổi quy chế này”.

Th.S Thành hứa, kể từ cơn bão số II trở đi, NCHMF sẽ đưa vào vận hành ngay hệ thống dự báo bão trước 48 giờ mà đơn vị này đang thử nghiệm mấy tháng nay.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo mở rộng thời gian dự báo chắc chắn đồng nghĩa với việc chấp nhận sai số lớn hơn và, nhất là, vẫn sẽ vô nghĩa nếu không có cải cách toàn diện hệ thống đảm bảo thông tin cho đánh bắt xa bờ mà công tác dự báo chỉ là một mắt xích. 

MỚI - NÓNG