Than tổ ong sang Nhật

Than tổ ong sang Nhật
TP - Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại và khách hàng vào lấy than. Cuộc đời anh là câu chuyện của nghị lực phi thường và lòng quyết tâm dám nghĩ dám làm.
Than tổ ong sang Nhật ảnh 1
“Phòng thí nghiệm” dưới gầm giường của anh Thương

Con đường vào xưởng sản xuất than của anh ở chân cầu Vĩnh Tuy, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lầy lội vì vừa trải qua cơn mưa nhưng vẫn ngập trong bụi vì những chuyến xe chở nguyên liệu và than.

Xưởng sản xuất than chật hẹp trong 750 m2 diện tích nào chỗ tập kết nguyên liệu, máy ép than, kho đóng hàng, kho chứa hàng, máy sấy than, chỗ ở cho 40 nhân công… là tài sản mà anh chị có được sau hơn 14 năm lăn lộn với bao gian truân, cơ cực.

Hoàng Văn Thương bảo “tất cả những gì vợ chồng mình có được hôm nay một phần do liều, một phần nhờ nghị lực mà nên cả đấy”!

27 tuổi, Hoàng Văn Thương từ quê Duy Tiên, Hà Nam ra đi với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo khó nơi quê nhà.

Nuốt nước mắt để vợ và hai đứa con nhỏ cùng căn nhà xiêu vẹo ở lại để tìm lối thoát đổi đời cho gia đình, anh đi với chiếc xe đạp cà tàng, trong túi có 5 nghìn đồng từ bán 1 tạ lúa non của vợ.

Quyết tâm tìm cơ hội ở Hà Nội của anh lúc đó cũng là một quyết định liều vì anh chẳng biết ra đó sẽ làm gì, sống bằng gì. Bây giờ nhớ lại anh không khỏi ngậm ngùi:

“Nào lúc đó đã biết Hà Nội là đâu. Chỉ biết mình là trai tráng khỏe mạnh thì không thể sống nghèo sống khổ và nhận trợ cấp của Nhà nước được. Đó là động lực để mình đi!”.

Ra đến Hà Nội thì trong túi chàng trai trẻ còn đúng 3000 đồng. Anh sống vật vạ đủ nơi để tìm việc làm và làm đủ thứ việc để sống: phụ hồ, gánh vác thuê, đóng than thuê.

Rồi anh mượn xe thồ chở than đi bán. Trong trí nhớ Hoàng Văn Thương còn như in cái lần đầu tiên chở 50 viên than đi cả ngày mà không ai mua.

Đói quá, anh ghé vào một quán bánh năn nỉ bà chủ hàng đổi 10 viên than lấy 1 chiếc bánh. “Ngồi ăn chiếc bánh 500 đồng mà nghẹn ngào không nuốt nổi”.

Ba năm đóng than, tích trữ được một chút tiền, anh lại liều với cuộc đời mình một phen nữa. Giấu vợ, anh về quê vay sổ đỏ của 13 ngôi nhà đem thế chấp ngân hàng lấy 90 triệu đồng đầu tư vào xưởng sản xuất than tổ ong. Năm 1993, 90 triệu đồng là cả một gia tài khổng lồ đối với anh. 

Vừa mua được máy ép than và thuê đất làm nhà xưởng thì đùng một cái, anh bị tai nạn ô tô. Khốn khó lại chất chồng lên khốn khó, gần một tháng nằm viện đối với anh dài bằng mấy thế kỷ.

“Cả đống tiền vay lãi đầu tư vào máy móc và nhà xưởng giờ đang tấp đống một chỗ, không lo sao được!”.

Nghị lực phi thường trong chàng trai trẻ trỗi dậy, ra viện, vợ chồng lại lao vào nhà xưởng. Chân đang đi tập tễnh, anh vẫn đội than từ cảng lên xưởng.

Hàng ngày, anh hì hụi đóng than, vợ chở đi bán. “Lúc ấy lấy tiền đâu mà thuê nhân công. Vay được bao nhiêu đầu tư gần hết vào đống máy móc và nhà xưởng, còn bao nhiêu thì đổ sạch vào gần một tháng nằm viện rồi. Những ngày cơ cực ấy không bao giờ vợ chồng mình dám quên!”, anh tâm sự.

“Thương gàn” và hành trình đi tìm than sạch

Năm 1994, một người bạn đi xuất khẩu lao động về tâm sự với anh ở bên Nhật có loại than nhóm rất nhanh mà không khói, không mùi. Anh nghĩ: “Tại sao họ làm được mình lại không thể làm được?”.

Trong đầu chàng trai liều lĩnh bắt đầu vạch ra kế hoạch đi tìm nguyên liệu cho viên than sạch của mình.

Tâm sự với những người cùng làm than, không ít người đã không ngần ngại bảo anh là đồ gàn dở, nghĩ những chuyện viển vông.

Trong những nguyên nhân khiến anh quyết tâm đi tìm bằng được nguyên liệu để sản xuất than sạch, có một phần vì lòng tự ái bởi những câu xúc phạm của đồng nghiệp.

“Bây giờ mình phải cảm ơn họ, vì không có những câu nói ấy, chắc gì mình đã có ngày hôm nay”, anh cười.

Nhớ lại những ngày đi khắp nơi tìm kiếm nguyên liệu cho than sạch ấy, anh không khỏi ngậm ngùi: “Cực nhục lắm cậu ạ!”.

13 năm đi tìm than sạch là 13 năm ghi dấu trong đời anh những kỷ niệm không bao giờ quên. Lúc ấy nhà xưởng mới dựng, tiền lãi từ xưởng than chưa được bao nhiêu lại xẻ ra phần lo cho hai đứa con ăn học, phần trả lương nhân công, còn bao nhiêu anh “nướng” vào những chuyến đi.

Từng gác chân lên chiếc xe máy cà tàng mà ngủ qua đêm trên đường, từng làm “xe ôm giá rẻ” để lấy tiền đổ xăng đi tiếp. Anh bảo “bụng đói thì được chứ không thể để xe đói. Xe hết xăng là hết cách đi”.

Có lần đến Quảng Ninh, tình cờ gặp một đền thờ Bác Hồ. Anh quỳ xuống và khấn: “Xin Bác cho con đủ sức mạnh để tìm bằng được thứ con cần”. Niềm tin, quyết tâm như nhen thêm lên trong lòng chàng trai giàu nghị lực.

Lùng gần như khắp miền Bắc vẫn không tìm ra phương pháp khử mùi và khói trong than. Không chịu bó tay, anh lại hành trình vào miền Trung, Tây Nguyên.

Rồi nghe nói ở Cà Mau có loại cây người dân dùng vứt xuống sông cho cá chết để bắt, anh lại khăn gói vào tận nơi tìm kiếm. Kết quả vẫn chẳng được gì!

Anh trộn thử mùn cưa và các cây dễ cháy vào than. Than cháy nhưng vẫn còn mùi và khói. Anh lại cho tất cả các thứ cây mà anh gọi là “thảo dược” tìm được trộn vào than để thử nghiệm.

Lần này thì anh thành công! Vợ chồng mừng như bắt được vàng. Anh sung sướng đến chảy nước mắt. “Đó là kết quả của 13 năm tìm kiếm với bao nhiêu công sức và tiền của chứ có phải đơn giản đâu”, anh tâm sự.

Anh “than sạch” và phòng thí nghiệm dưới… gầm giường!

Trình độ của một người học hết lớp 7 phổ thông không cho phép anh Thương ngồi phân tích xem những chất gì có trong viên than sạch của mình. Anh dùng mũi ngửi và mắt quan sát là chính.

Và để có viên than sạch này, anh đã thử nghiệm không biết bao nhiêu lần với các chất khác nhau mà anh tìm được.

Dẫn tôi vào buồng ngủ của hai vợ chồng, anh đưa ra từ gầm giường gần chục chai lọ, hộp sắt, túi bóng đựng các chất thử nghiệm. Anh bảo “phòng thí nghiệm của mình đấy!”.

Nói về những lần thí nghiệm của anh cũng là nói về một hành trình. Lần đầu tiên, anh ra cửa hàng hóa chất mua về một túi bột hóa chất dễ cháy để trộn vào than làm chất dẫn cháy.

Viên than vừa cháy được một lúc thì khói um lên, ghé mũi vào ngửi xem có mùi không, ngửi một lúc, anh… lăn đùng ra ngất xỉu.

Tai nạn trong lần thí nghiệm đầu tiên không làm anh nhụt chí. 13 năm đi tìm than sạch, anh thực hiện hàng trăm cuộc thí nghiệm.

Đêm khuya, công nhân nghỉ hết, anh lại lôi đống chai lọ từ gầm giường ra thử. “Có những thứ phải dùng chảo để rang, xong dùng chày giã nhỏ ra kỳ công như làm thuốc vậy”, anh kể.

Cái “phòng thí nghiệm” của anh cũng ngốn của gia đình không ít tiền. Có những chất bỏ ra tiền trăm nghìn mua về không dùng được lại phải vứt đi. Anh cười: “Không được học hành tử tế khổ thế đấy. Cho nên bây giờ hai đứa con mình sẽ phải được học hành đến nơi đến chốn”.

Viên than tổ ong sạch được kiểm định thành công bằng giác quan, anh gửi mẫu đi kiểm định ở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, kết quả các chỉ số SO2, NO2, CO, bụi đều dưới mức cho phép của TCVN 4600-1994.

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm của anh.

Mới đây, anh thử trộn thêm một chất mới tìm được vào viên than tổ ong sạch của mình và thử nghiệm. Kết quả thật bất ngờ, viên than của anh khiến lũ muỗi… sợ bay đi hết.

Anh đang tiến hành gửi mẫu than nhờ các cơ quan y tế kiểm tra. “Đây có thể là một thử nghiệm thành công trong những thành công của mình”, anh tự tin.

Không dừng lại ở kết quả của viên than tổ ong sạch. Từ kết quả đó, anh tìm cách tạo ra viên than hoa tổng hợp sạch chưa từng xuất hiện trên thị trường.

Những lần đi vào miền Nam, anh quan sát thấy hàng đống vỏ dừa vứt chất cao quanh cây dừa. Trong đầu anh lại lóe lên ý tưởng.

Về nhà, anh đưa mùn cưa, vỏ dừa vào máy nghiền, xong cho vào lò hầm công nghiệp thành than rồi dùng hóa chất đã tìm được ép thành viên than hoa tổng hợp sạch mà chất lượng tốt hơn than hoa bình thường.

Viên than hoa tổng hợp của anh Thương được áp dụng sẽ giảm thiểu việc chặt rừng làm củi của bà con vùng có rừng cũng như giải quyết chất đốt cho bà con vùng lũ.

“Hy vọng một ngày không xa, mình sẽ đưa được công nghệ này vào Đồng bằng sông Cửu Long để áp dụng, trong đó nguồn cho viên than này rất lớn”, anh ấp ủ dự định.

Bây giờ thì viên than tổ ong không khói, không mùi, cháy nhanh, được đóng hộp cẩn thận sạch sẽ của anh đã trở thành thương hiệu than Hoàng Thương đang được ưa chuộng trên thị trường Hà Nội.

Tiếng lành đồn xa, người đến mua than ở cơ sở anh ngày càng đông. Thậm chí một số khách hàng ở Bắc Ninh, Sơn La, thành phố Hồ Chí Minh nghe tiếng cũng gọi điện mua dùng thử.

Mới đây, Cty Tùng Lâm đã xuất sang thị trường Nhật 2 chuyến với 10.700 viên than của anh Thương và được khách hàng Nhật đánh giá rất cao. Một Tiến sỹ hóa học người Nhật, một khách hàng ở Philippines đã tìm đến với anh để đặt quan hệ làm ăn.

Tiễn tôi ra cổng, anh tâm sự: “Bao giờ viên than tổ ong sạch của mình vào được các siêu thị, đặt bên cạnh những rau sạch, thực phẩm sạch thì hay biết mấy nhỉ?”

Bạn đọc có thể đóng góp ý kiến về vấn đề này tại đây.

MỚI - NÓNG