Thế giới gà quý nước Nam

Thế giới gà quý nước Nam
Con gà thân thuộc với đời sống con người, nhất là với người Á Đông. Có thể nói, làng quê Việt sẽ thiếu hồn nếu thiếu tiếng gà.

Trong khi cả thế giới và dư luận báo chí, công chúng nước ta thường chú ý những động vật quý hiếm là những con thú lớn hoặc loài vật độc đáo, voi, sư tử, hổ, gấu đến khỉ, rùa, chim, thì nhiều giống gà quý đã mất đi cho đến lúc các tiến sĩ nông nghiệp giật mình lo chuyện bảo tồn gen gia cầm thì nhiều người mới ngớ ra: “à, hóa ra gà cũng quý!”.

Hãy cùng lang thang vào thế giới gà để cùng tìm hiểu về chúng với bao điều thú vị mà nhiều người chưa biết. Trong hơn 20 loại gia cầm quý ở Việt Nam được bảo tồn gen, gà chiếm 11 loại, còn lại là vịt (vịt cơ, vịt bầu bến, vịt bầy quỳ), ngan (ngan trắng tức ngan ré, ngan đen tức ngan trâu, ngan loang đen trắng), ngỗng cỏ.

Các giống gà nhà được bảo tồn gen ở Viện Chăn nuôi quốc gia (Chèm, Từ Liêm, Hà Nội) được thuần hóa từ gà rừng hơn 2000 năm trước.

Gà Ri thuộc họ trĩ, thường gặp ở ấn Độ, Đông Dương, Malaysia, Mianma, được nuôi phổ biến nhất. Vì được nuôi ở nhiều người lại ít được chọn lọc nên gà Ri có nhiều loại thể hình, màu lông. Gà Ri nhỏ, đầu thanh mỏ nhỏ, ngực lép, bụng thon, con đực mào đỏ răng cưa (mào cờ), con cái không mào, lông đỏ thẫm, đuôi đen ánh xanh, bụng đỏ nhạt hoặc vàng, chân có 2 hàng vẩy màu vàng, lông vàng, nâu, hoặc hoa mơ đốm trắng, để đạt 1 kg tốn nhiều thức ăn, nên nuôi thả đỡ tốn kém.

Thế giới gà quý nước Nam ảnh 1
Gà Lôi

Gà Ri, như người mẹ VN bé nhỏ, tảo tần. Mẹ gà dẫn đàn con đi ăn, có thể sống chăn thả tự nhiên, bảo vệ con cẩn thận, bản năng ấp trứng rất mạnh. Gà thay lông vào mùa hè thu, 2 tháng, tốc độ mọc lông nhanh, chịu đựng giá lạnh tốt hơn các giống gà khác. Viện chăn nuôi chọn lọc nuôi thuần gà Ri để làm đồng nhất màu lông thành vàng rơm, nâu nhạt, lai tạo với gà ngoại tạo thành gà Rotri (Rhode Island). Gà Ri có giác quan, nhất là mắt rất nhạy, thịt thơm ngon dễ tiêu hoá.

Làng cổ đá ong ở Đường Lâm,  Sơn Tây thật nhiều điều nổi tiếng, nào là kiến trúc làng Việt cổ, những bậc hiền tài và cả giống gà Mía ở thôn Mông Phụ. Nhiều đời nay, gà Mía là lễ vật cung tiến thần thánh, vua quan. Hàng năm, từ đàn gà thuần chủng của các gia đình đã ký hợp đồng “Bảo tồn gen vật nuôi”, ở trên một vạn gà ông bà cung cấp cho các nơi, mua về lai với gà Ri tạo con lai có sức sống cao, tăng trọng nhanh, số lượng nhiều.

Gà Mía có mào cờ, tai chảy, chân vàng nhạt, gà trống thân to, lông màu mận chín hoặc đen, gà mái lông màu lá chuối khô, khi đẻ được 3 – 4 tháng lườn chảy xuống như “yếm bò” – một đặc điểm nổi bật. Gà nặng khoảng 3kg, trứng to (58g), 9 tháng/năm. Nhà văn Lê Lựu rất khoái khi quê Khoái Châu, Hưng Yên của ông còn là quê của gà Đông Tảo, đặc sản của vùng phù sa màu mỡ, giàu truyền thống. Gà trống có lông mận chín pha đen (mã mận chín) hoặc đen (mã lĩnh), đùi to, chân múp míp, dáng đi chậm chạp. Hơn 5 tháng, gà bắt đầu đẻ, đẻ 10 tháng liền, nhưng ấp bóng nhiều (ấp không trứng) nên béo nhanh hợp với nuôi nhốt, ít chịu được rét, gà trống có thể tới 5kg, gà mái 3,5kg, hợp để lai tạo các giống thịt.

Đi qua phố Tống Duy Tân, phố ẩm thực Hà Nội, bạn nhớ ăn đặc sản gà ác  tiềm (hầm) thuốc Bắc, rất bổ, tham gia quá trình tạo xương, đen tóc, tạo kháng thể chống mầm bệnh, tạo máu. Gà ác được nuôi nhiều ở phía Nam, nhỏ con (chỉ từ 5 đến 7 lạng), có sức sống cao, nuôi được cả nhốt lẫn thả, được coi như một vị thuốc bổ. Gà đen (ô kê) cũng vậy, được dùng làm thuốc chữa bệnh và bảo dưỡng làm món đặc sản của địa phương, thịt thơm ngon ngọt hơn gà Ri. Gà Đen đa số mào đơn, gồm 2 loại, loại nhỏ lông đen tuyền hoặc vàng đất trắng từ 1,1 – 1,5kg, loại lớn hơn từ 2- 2,8kg lông vàng đất, mỏ, chân, da, xương, mào, thịt đều đen, xám đen. Sách y học TQ viết “Thịt gà đen chân chì” là vị thần dược. Gà đen được nuôi ở vùng biên giới Việt Trung, có nhiều ở Lào Cai, do nuôi thả chung nên bị lai tạp giống. Chịu đựng kham khổ, khắc nghiệt, sương giá tuyết rơi, gà vẫn đi kiếm mồi.

Gà Tàu vàng nguồn gốc Trung Quốc, sống nhiều ở Tây và Đông Nam Bộ, lông vàng, chân và da vàng, thịt trắng, ấp và nuôi con giỏi, sống nhiều nhất ở Long An, nặng từ 1,4 – 2kg, nhiều trứng chỉ sau gà Ri.

Gà Ma hoàng  ở Tiền Giang có sức chống chịu tốt với bệnh tật, tỷ lệ sống cao, tăng trọng nhanh, thời gian từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng chưa đầy 3 tháng. Thoạt nhìn hình dáng bên ngoài con gà Ma hoàng giống hệt như gà Tàu, nhưng chúng có 3 điểm khác biệt, đó là : mỏ có màu đen, da chân màu vàng có điểm vẩy đen, và đặc biệt là 3 ngón chân trước bẹt ra.

Vì lùn tè, thấp do lúc trưởng thành xương ống bàn chân, không phát triển chiều dài, chỉ 4cm (gà Ri 12cm) nên gọi là gà Lùn (tè). Giống này có ở Tuyên Quang, Hưng Yên, Hà Bắc, Hà Tây, Nam Hà, Phú Thọ. Đa số gà trống màu lông sặc sỡ, một số con đen tuyền có đốm trắng trên đầu, bụng, lượng trứng cao 80-120 quả/mái (nếu nuôi nhốt không cho ấp), nuôi con khéo, kiếm ăn giỏi nhưng giống gà Lùn đang bị mai một.

Gà H’mông được người H’mông nuôi trên đỉnh núi cao, hầm với thuốc Bắc để bồi dưỡng sức khỏe nặng từ 1,6 – 1,9kg, chắc khỏe, màu lông đen, trắng mơ, hay bay lên cao và đánh mổ nhau, thịt chắc ngon (màu đen nhạt, trắng vàng).

Gà Văn Phú ở xã Văn Phú, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, vùng trung du đất đai màu mỡ, xưa  có tập quán thi gà mùa Xuân nên chọn lọc được giống đồng nhất về tầm vóc, màu lông, hiện nay không còn giống thuần nữa, nếu phục hồi rất tốn kém. Có màu lông đen toàn thân, có thể nặng tới 3,2 kg chân có 2-3 hàng vẩy đen, đuôi dài cân đối, thịt thơm ngon, nhưng khó hồi phục giống vì dân gian còn lưu hành thành ngữ “gà đen chân trì nuôi chi giống ấy” nên ít được dân ủng hộ.

Gà Hồ, giống gà được mọi người biết đến nhiều qua tranh, ảnh, phim, ca dao. Được yêu mến và gìn giữ nhất hiện nay là gà Hồ ở làng Lạc Thổ Bắc, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh- vùng Kinh Bắc nổi tiếng tài hoa với nhiều lễ hội, và tranh dân gian Đông Hồ đặc sắc, trong đó có bức chú bé bế gà Hồ nổi tiếng.

Thế giới gà quý nước Nam ảnh 2
Gà Ác

Gà Hồ trống có đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai, da đỗ tương, mào xuýt, diều cân, chân tròn đùi dài, lông đen hoặc mận chín, gà mái màu lông đất thó hoặc màu vỏ quả nhãn là gà thuần chủng. Gà mái nuôi con vụng, sản lượng trứng thấp nhưng khỏe mạnh, tốt khi cho lai - với gà Ri, gà Mía nếu nhằm mục đích lấy thịt, vì thịt gà Hồ chắc (do nuôi thả), lớn nhanh. Từ năm Quý Dậu 1993, “Hội gà Hồ” với 21 thành viên được khôi phục nhằm phát huy truyền thống chơi gà xưa của vùng Kinh Bắc. Vì có ngoại hình đặc trưng cho giống gia cầm đi vào lịch sử văn hóa dân tộc, gà Hồ được Nhà nước  dành cho chính sách bảo tồn gen quý với phương pháp: cất mẫu gen (giữ hàng trăm năm không biến đổi di truyền) đòi hỏi kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, và bảo tồn tại hộ gia đình (không tùy tiện lai tạo các giống khác, tránh phối, đồng huyết để duy trì gà thuần chủng).

Xưa, người ta chọn gà tốt qua các cuộc thi gà đầu Xuân nên có phong trào nuôi gà Hồ. 8-10/2 Âm lịch, lễ hội thi gà Hồ truyền thống được duy trì liên tục 12 năm nay, sau nửa thế kỷ gián đoạn. Con được giải nhất phải chịu “trách nhiệm” phối giống cho các con mái tốt để lấy giống. Nuôi gà Hồ trở thành một nguồn vui, sở thích, nét đẹp văn hóa tinh thần, giữ vốn quý quê cha đất tổ, nó cũng đem lại hiệu quả kinh tế, vì tuy chăm nuôi tốn kém, nhưng giống và trứng bán được giá cao gà con 20 nghìn/con, trứng 7.000/quả, bán con lớn : 70-75 nghìn/cân. Hiện 300 gà Hồ thuần chủng biến Lạc Thổ thành làng vui, làng gà nức tiếng.

GÀ LÔI

Trong các loại gà rừng ở nước ta, đáng chú ý có gà Lôi  thuộc họ Trĩ. Gà Lôi (Lophura) lam màu trắng, con trống màu xanh tím có mào xanh tím, lông màu trắng; con mái màu nâu gụ; chân đỏ tía, da mặt đỏ thẫm, mỏ đen, thường có ở khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, trên thế giới không có. Tháng 7/2000, GS Võ Quý, nhà điểu học  đã xác định một giống gà Lôi lạ không giống bất kỳ loài nào trong giống Lophura: nặng 1,1 kg, túm lông vòng quanh cổ màu đỏ vàng, độ đuôi dài có 4 lông, lông dài nhất 35cm, các lông khác màu xanh chì, mào đen.

MỚI - NÓNG