Thẻ lậu ngang nhiên tung hoành

Thẻ lậu ngang nhiên tung hoành
Gửi thư nặc danh "hù dọa" đại lý bán thẻ chính thức, tham dự triển lãm để giới thiệu dịch vụ, chào mời làm đại lý... Thị phần của các nhà cung cấp thẻ điện thoại Internet trong nước tiếp tục bị đe dọa.
Thẻ lậu ngang nhiên tung hoành ảnh 1
"Hãy trở thành nhà phân phối hay đại lý ủy quyền của chúng tôi tại quốc gia của bạn", đó là nội dung trong apphich quảng cáo của Mediaring tại Việt Nam Telecomp 2006

Tại triển lãm Việt Nam Telecomp & Electronic mới đây, một công ty đại diện cho nhà phân phối thẻ Mediaring đã có một gian hàng trong khu triển lãm với những tờ rơi được dịch ra tiếng Việt hẳn hoi.

Khi chúng tôi liên lạc theo địa chỉ email để tìm hiểu thì được trả lời rất cụ thể về cách thức làm đại lý, tỉ lệ chiết khấu, mệnh giá thẻ và giá cước...

Đặc biệt, theo như email trả lời từ công ty, có loại thẻ còn được chiết khấu lên đến 65% nếu nhận làm đại lý phân phối của họ tại VN.

Mức chiết khấu này chẳng có doanh nghiệp nào trong nước có thể làm nổi vì tại VN, ngoài mức chiết khấu cho đại lý, doanh nghiệp còn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng và không cách nào bán rẻ hơn được nữa - một đại diện nhà cung cấp Internet phone tại VN khẳng định.

Ông Bùi Quốc Việt - giám đốc Trung tâm thông tin bưu điện (thuộc VNPT), một trong những đơn vị tổ chức chính triển lãm này - cho biết tại triển lãm có một số công ty trong lĩnh vực Internet phone tham gia.

Theo ông Việt, họ tham gia với tư cách giới thiệu sản phẩm, quảng bá dịch vụ mà thôi, vì về nguyên tắc họ không được kinh doanh khi chưa có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước.

Trước đó không lâu, để ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ điện thoại Internet (hay Internet phone) lậu, Bộ Bưu chính - viễn thông đã có công văn nêu lên một số qui định cấm liên quan đến kinh doanh dịch vụ này.

Theo công văn này, những hoạt động như làm đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài, triển khai dịch vụ qua hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài, cung cấp thẻ Internet cho công ty nước ngoài... là bị cấm. Bên cạnh đó, bộ cũng khẳng định là theo pháp luật hiện hành, việc sử dụng thiết bị và dịch vụ Internet phone của doanh nghiệp nước ngoài là bất hợp pháp.

Tại TP.HCM mới đây một số đại lý kinh doanh thẻ Internet phone còn bàng hoàng hơn khi nhận được những lá thư đánh máy gửi qua đường bưu điện với lời lẽ "chửi bới".

Nội dung thư cho rằng một loại thẻ mới tên Svoiz mà Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn - SPT tung ra thị trường là... thẻ lậu.

Nặng nhất là thư dùng lời lẽ "giang hồ" như cho rằng Công ty H (Q.3, TP.HCM) đang là nhà phân phối thẻ Internet phone cho một số công ty trong nước sẽ mang họa, gặp tai họa bất ngờ; những người nhúng tay vào việc này sẽ không tránh khỏi một kiểu thanh toán mang màu sắc xã hội đen...

Bên cạnh đó, lá thư này cũng cho rằng công ty kinh doanh thẻ đó sẽ bị phá sản vì kinh doanh không được nên người tiêu dùng sẽ bị thiệt khi không ai đền bù; thẻ Svoiz chất lượng kém. Cuối cùng, lá thư khẳng định chắc chắn rằng thẻ Svoiz là thẻ lậu vì nếu không phải thẻ lậu sao rẻ thế và người viết thư này yêu cầu hãy... dẹp bỏ loại thẻ Svoiz kia đi (!?).

Sử dụng thẻ lậu: không ai bảo đảm

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chủng loại thẻ Internet phone khác nhau, những loại thẻ không được phân phối qua kênh chính thức (không đại diện, không đóng thuế...) hay còn gọi là thẻ lậu rất nhiều với các tên gọi như: Ringvoiz, Usvoiz, Mediaring, Evoiz, Evoiz Advanced, e-Evoiz...

Trong đó chiếm thị phần lớn nhất là Usvoiz, Ringvoiz (Công ty Mediaring); Evoiz Advance (Evoiz). Giá bán của các thẻ này dao động từ 1 đến trên 10 USD (khoảng 15.000-160.000 đồng) tùy theo số phút gọi trong thẻ.

Theo các chuyên gia trong ngành, đa số người tiêu dùng không biết thẻ mình đang sử dụng là thẻ lậu và họ cũng chẳng quan tâm chuyện đó. Với người tiêu dùng, họ chỉ cần biết những loại thẻ này giá rẻ, gọi được và có thể mua dễ dàng.

Hiện nay, các công ty SPT, OCI vẫn đang có nhiều chiến lược như hạ giá bán các loại thẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Những đơn vị khác như Viettel, VDC, VNPT... thì cung cấp cầm chừng để giữ thương hiệu hoặc gần như bỏ luôn lĩnh vực này.

Ông Huỳnh Quang Việt, trưởng phòng marketing Trung tâm viễn thông IP (thuộc SPT), cho rằng thẻ lậu cũng như các loại hàng hóa lậu khác, việc ngăn chặn là lâu dài, tùy thuộc vào sự hữu hiệu của luật pháp và sự thực thi của cơ quan quản lý.

Ông Việt cho rằng hiện nay giá cước dịch vụ của các loại thẻ do SPT cung cấp đã rẻ ngang ngửa với thẻ không chính thức. Ưu điểm của thẻ chính thức như là người tiêu dùng còn có nơi để kiện cáo, bồi hoàn nếu thẻ gặp lỗi, tất nhiên thẻ lậu sẽ không làm được chuyện này.

Theo ông Việt, giải pháp căn bản vẫn là nâng cao chất lượng, đưa ra mức cước ngày càng rẻ để người tiêu dùng chấp nhận được và tổ chức tốt công tác hậu mãi, chăm sóc khách hàng thì mới mong thắng được thẻ lậu. 

Theo Nam Hưng
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG