Thiệt hại vì không được giải thích rõ

Thiệt hại vì không được giải thích rõ
TP - Bỏ số tiền không nhỏ để trang bị một chiếc ti vi phẳng màn ảnh rộng mà không hiểu rõ đặc tính và cách sử dụng, không ít khách hàng gặp phiền toái.
Thiệt hại vì không được giải thích rõ ảnh 1
Về kỹ thuật, tivi màn hình rộng có nhiều tính năng ưu việt

Sau khi Tiền phong đăng bài về sự không tương thích của tivi phẳng màn hình rộng với tín hiệu của truyền hình Việt Nam, bạn đọc nhiều nơi thắc mắc, vậy tivi màn hình phẳng và khuôn hình rộng có thích hợp với các chương trình truyền hình nước ngoài phát qua vệ tinh hay không và vì sao hình hay bị nhiễu khi xem chương trình truyền hình cáp.

Truyền hình ngoại vẫn chủ yếu khuôn hình cũ

Trước hết, các loại tivi màn hình phẳng và khuôn hình rộng (sau đây gọi tắt là tivi màn hình rộng) bày bán trên thị trường Việt Nam hiện nay không tương thích với tín hiệu phát hình của các đài truyền hình Việt Nam.

Tín hiệu truyền hình Việt Nam phát cho loại tivi truyền thống có khuôn hình 4x3 trong khi các loại tivi màn hình phẳng và rộng (LCD và PLASMA) lại có khuôn hình khác hẳn, theo tỷ lệ 16x9.

Kết cục là, khi xem chương trình truyền hình sản xuất trong nước bằng tivi LCD hay PLASMA, bao giờ cũng có hai vệt đen chạy dọc hai bên màn hình. Còn nếu muốn xem đầy màn hình, bắt buộc phải chấp nhận hình bị bẹt cả trên và dưới do hình bị kéo căng ra hai bên.

Điều đáng chú ý là, nhân viên các cửa hàng bán tivi LCD và PLASMA không lưu ý đặc điểm này khiến không ít khách hàng lúng túng sau khi mang sản phẩm về nhà. Họ chỉ làm mỗi việc giới thiệu tính năng ưu việt của các màn hình cao cấp so với màn hình truyền thống.

Một số đại lý cho biết, tivi màn hình rộng rất thích hợp với các chương trình truyền hình nước ngoài bắt qua vệ tinh, nhất là các kênh phim truyện. Nhưng khảo sát tại Hà Nội mấy ngày qua, chúng tôi thấy sự thật không phải vậy. Tất cả các chương trình truyền hình nước ngoài đều vẫn phát tín hiệu cho khuôn hình truyền thống 4x3.

TS Ngô Thái Trị, Giám đốc Trung tâm Tin học, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cho biết hiện tượng đó là đúng. “Thỉnh thoảng mới có vài chương trình phim truyện phát theo khuôn hình 16x9 mà thôi”, TS Trị nói.

Trong những trường hợp hãn hữu đó, hiện tượng hai vệt đen dọc hai bên màn hình sẽ bị mất trên tivi màn hình rộng (LCD và PLASMA). Ngược lại, các tivi truyền thống, có khuôn hình 4x3, sẽ lại xuất hiện hai vệt đen chạy ngang phía trên và dưới màn hình.

Truyền hình ngoại qua cáp bị nhiễu

Một số bạn đọc phàn nàn, khi xem truyền hình nước ngoài qua các chương trình cáp của VTV cũng như các đài truyền hình địa phương (ngay cả khi bắt được tín hiệu phát theo khuôn hình 16x9), tivi màn hình rộng của họ thường xuyên gặp rắc rối khác. Đó là hình không nét và hay bị nhiễu.

TS Ngô Thái Trị giải thích: “Tivi LCD hay PLASMA không có lỗi gì ở những trục trặc kia”. Hiện tượng xem qua truyền hình cáp chương trình phim truyện nước ngoài (kể cả phát đúng theo chuẩn khuôn hình 16x9) mà vẫn bị nhiễu là có thật, nhưng đó không phải là lỗi của màn hình LCD hay PLASMA.

Theo TS Trị, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do công nghệ thu và phát của truyền hình cáp của Việt Nam vẫn là công nghệ analogue (công nghệ tương tự) trong khi công nghệ của các chương trình kia là kỹ thuật số (digital) hoặc độ phân giải cao (HDTV).

“Chính sự lệch pha công nghệ ấy khiến cho tín hiệu phát lên truyền hình cáp bị suy giảm” - TS Trị nói.

Khắc phục vệt đen thế nào?

Nhiều bạn đọc hỏi, có cách nào khắc phục vệt đen hai bên màn hình với tivi màn hình rộng khi xem các chương trình của VTV mà không làm dẹt hình hay không. PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, Trưởng khoa Điện tử Viễn thông -  ĐH Bách khoa Hà Nội, đưa ra giải pháp có thể được xem là khả dĩ trong hoàn cảnh hiện nay.

Giải pháp này thực ra nằm trong tính năng sẵn có của tivi màn hình rộng mà ít người để ý. Theo đó, chỉ cần sử dụng chức năng Zoom là xong. “Tivi màn hình rộng có ba chế độ màn hình là 4x3; 16x9 và Zoom.

Khi dùng chế độ 4x3, màn hình  bị co lại như đã được giải thích. Với chế độ 16x9, ảnh tràn kín màn hình nhưng lại gây bẹt hình trên và dưới” - PGS Trung nói.

Giải pháp trung gian chính là Zoom, chế độ hình ảnh lí tưởng nhất. Ảnh phóng to ra các hướng, không gây cảm giác bẹt hình và lấp đầy hai vệt đen. Tuy nhiên lại xuất hiện nhược điểm là logo chương trình đang theo dõi bị mất.

MỚI - NÓNG