Bài I - Bão nối tiếp bão

Thời tiết ngày càng dị thường

Thời tiết ngày càng dị thường
TP - Trong khi nhiều bộ ngành, địa phương dấy lên phong trào đối phó với nguy cơ mực nước biển dâng vì biến đổi khí hậu trong 30-50 năm nữa, biến đổi khí hậu đã “đánh úp” miền sơn cước bằng những trận mưa lũ dị thường, gây tổn thất tức thì.
Thời tiết ngày càng dị thường ảnh 1
Lũ dữ gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại Bắc Giang  Ảnh: Đỗ Sơn

Làm gì để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nếu cứ tiếp tục xem thích ứng đơn thuần chỉ là tìm cách sống chung với lũ ở đồng bằng, chỉ là đắp đê dọc bờ biển và trồng rừng phòng hộ?

Bài I - Bão nối tiếp bão

Chỉ tính từ đầu tháng 8 (đầu tháng 7 âm lịch) năm nay cũng có thể thấy hai chữ bất ngờ ngày càng trở thành đặc điểm chủ đạo của thời tiết thời gian gần đây.

Mới ngày 4/8, miền Bắc đã đón đợt gió mùa đông bắc đầu tiên của mùa thu năm nay. Gió mùa đông bắc kèm theo mưa là thường tình. Nhưng lần này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV) phải ra cảnh báo các tỉnh miền núi phía bắc và đông bắc đề phòng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

Tây Nguyên xa tít lại mưa xối xả và lũ quét. Có nơi như ở P’Mơne biên độ lũ lên đến 5m, trong khi, theo quy luật, mùa mưa ở miền Trung và Tây Nguyên phải đầu tháng 9 mới về.

Ngay sau đó là cơn bão số 4 (tên quốc tế là Kammuri) với sức gió thuộc loại bình thường. Cơn bão này lại gây tổn thất tức thì và kinh hoàng nhất kể từ thảm họa bão Chanchu tháng 5/2006 đến nay.

Phát triển từ một vùng áp thấp đúng vào ngày mùng 4/8, thời điểm đợt gió mùa đông bắc sớm tràn về biên giới phía bắc nước ta, áp thấp nhiệt đới thứ năm trên Biển Đông kể từ đầu năm 2008 đến nay hình thành.

Nó di chuyển khá đủng đỉnh, 10 km/h, ở mạn đông bắc Biển Đông về phía tây tây bắc. Ai cũng nghĩ áp thấp chuyển thành bão ấy sẽ đổ bộ mạn tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió cấp 9-10 vào ngày 6/8.

Rồi đến ngày 9/8, Kammuri sẽ kết thúc cuộc đời khá ngắn ngủi của nó ở mạn tây bắc nước ta dưới dạng áp thấp sau khi chạy dọc biên giới Việt Trung với tốc độ 5 km/h.

Ai dè, từ phía nam một dải hội tụ nhiệt đới dâng lên, nối với cơn bão số 4. Các chuyên gia khí tượng nhận định ngay, thế nào cũng  có mưa vừa, mưa to đến rất to. Thế mà vẫn không chống đỡ nổi, vì sao?

Nhìn lại, có người cho rằng hai yếu tố chính sau đây dẫn đến thảm họa đau thương với 168 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Thứ nhất là con người.

Hầu như các nơi chưa có sự sẵn sàng đối phó với các đợt mưa trận, mưa ngày, cường độ cực lớn, điều mà các nhà khoa học cảnh báo sẽ xảy ra nhiều hơn, bất thường hơn, do tác động của biến đổi khí hậu.

Một hệ thống gồm hai thiết bị cảnh báo lũ quét đặt ở đúng một trong những vùng tâm mưa của tỉnh miền núi phía bắc Yên Bái vừa qua hầu như không phát huy tác dụng cảnh báo cho bà con địa phương.

Tiền chi cho nghiên cứu và công tác cảnh báo có nhưng không đủ. Có người còn lưu ý những đợt mưa như trút vào ngày nghỉ cuối tuần, thứ Sáu và thứ Bảy (9/8), dễ đánh lừa được một bộ phận công chức đang ở trong tâm trạng xả hơi nghỉ ngơi, ở một bộ phận quản lý địa phương.

Thứ hai là sự hiện diện của các kiểu mưa biến đổi khí hậu, gây bất ngờ cho tất cả, từ cơ quan dự báo, quản lý, cho đến dân thường. TS Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV), nhận định mưa do bão số 4 là “chưa từng thấy” với lượng mưa ngày, mưa trận lớn nhất trong lịch sử.

Trạm Thủy văn Long Phúc (Bảo Yên) ghi được kỷ lục trận mưa ngày đáng nhớ, đạt 354,8mm. Đấy là điều “chưa từng xảy ra ở một huyện vùng thấp Lào Cai” - Ông Lưu Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTV tỉnh Lào Cai, nhận xét.

Ông Đào Văn Vinh, dân tộc Tày, (huyện Sa Pa, Lào Cai) cho biết: “Cả đời tôi giờ mới thấy mưa dữ dội như vậy. Trắng xóa, vài mét không nhìn rõ nhau. Cứ như có người cầm thùng phuy xối nước xuống đầu tôi chứ không phải là mưa”.

Sông Chảy đoạn qua trạm Thủy văn Long Phúc (Bảo Yên, Lào Cai) trở thành bức tường nước vàng quánh cao lừng lững 76,47m (9/8), ngang tòa nhà gần 30 tầng. TS Châu cho rằng “Đợt mưa từ ngày 8-12/8, lũ trên sông Hồng, sông Chảy đặc biệt lớn trong 40 năm qua”. Mực nước trên sông Hồng tại Lào Cai chỉ kém 0,16 m là bằng lũ lịch sử năm 1968.

Chưa bằng lịch sử nhưng, không giống trước, mưa to giờ đây diễn ra trên diện hẹp hơn cả về không gian và thời gian. Tổng lượng mưa ở hai tỉnh tâm mưa là Lào Cai và Yên Bái là 300-600 mm. Thế mà, suốt ba ngày ấy, bên lãnh thổ Trung Quốc, mưa lại gần như gọi là. Tại trạm thủy văn Mạn Hảo trên sông Hồng của Trung Quốc, lượng mưa ba ngày chỉ 84 mm.

Chưa khắc phục xong hậu quả bão số 4 thì bão số 6 (tên quốc tế là Hagupit) tràn về với sức gió mạnh hơn, cấp 14-15, di chuyển với tốc độ hiếm có, 20-25 km/h. Cường suất mưa lớn lúc này lại rơi vào bốn tỉnh miền núi phía bắc khác vốn thoát nạn lần trước, nhất là tại hai tỉnh Sơn La và Bắc Giang.

Trong có hai ngày, từ 24-26/9, lượng mưa tại Yên Châu (Sơn La) là 511 mm, tại Cẩm Đàn (Bắc Giang) là 589 mm, xấp xỉ lượng mưa trung bình cả năm của tỉnh miền nam trung bộ Bình Thuận (700 mm). Khoảng thời gian mưa to như thế là “quá ngắn”, theo TS Nguyễn Lan Châu.

Dùi Cui (tên tiếng Philippines của Hagupit) suy yếu nhanh một cách bất ngờ từ siêu bão thành áp thấp nhiệt đới khi tiến vào bờ biển nước ta. Ngoài khơi Thái Bình Dương lại hình thành một cơn bão mới di chuyển gần như theo quỹ đạo của bão Hagupit, lại tiến về miền nam Trung Quốc.

Sức gió của Hoa Hồng (nghĩa tiếng Hàn Quốc của từ Jangmi) cao hơn cả Hagupit, lên đến cấp 17. Trong vòng có mấy ngày, Biển Đông hứng chịu tới hai siêu bão, hiện tượng được xem là hiếm.

Không rõ có phải do tác động của Jangmi đang lừng lững tiến về phía Bắc hay không, ở giữa Biển Đông hình thành một nhiễu động không khí và nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới lúc trưa 27/9.

Chuyên gia khí tượng dự báo nó sẽ đổ bộ vào bắc Trung Bộ nước ta với tốc độ di chuyển 5 km/h, mà không thành bão. Ai dè, khi một khối không khí lạnh từ phía bắc tràn về, sáng 29/9, nó bất ngờ chuyển thành bão Mekhala, cơn bão khẩn cấp số 7 (bỏ qua các giai đoạn dự báo thường lệ là bão xa, bão gần).

Thần Sấm (nghĩa tiếng Thái Lan của từ Mekhala) chồm lên với tốc độ 15-20 km/h và sức gió lên đến cấp 10. Đây lại là bất thường bởi lẽ, Biển Đông là vùng biển nông, tích lũy năng lượng không nhiều và rất hiếm khi đủ sức tạo thành bão lớn như ngoài khơi Thái Bình Dương.

Bão số 7 quét một loạt tỉnh miền Trung khiến nhiều nơi trở tay không kịp, 21 người chết và mất tích, mặc dù ai ai cũng cảnh giác cao độ sau bài học bão số 4 và số 6 còn mới nguyên.

(Còn nữa)

Quốc Dũng
KỲ II -  Cây “di cư” lên cao

MỚI - NÓNG