Thuê "số"

Thuê "số"
Cả nhóm chụm đầu xem "con" Motorola RAZR V3i D&G mới của Minh. Minh bật mí: “Thuê mà!"... Không chỉ điện thoại, các bạn trẻ muốn trang bị cho mình các thiết bị kỹ thuật số khác cũng có khá nhiều dịch vụ sẵn sàng cung cấp.

Theo hướng dẫn của Minh, chúng tôi đến tham quan một cửa hàng cho thuê điện thoại di động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TPHCM). Đập vào mắt khách hàng là bảng hiệu quảng cáo khá hấp dẫn: “Cho thuê điện thoại giá 100.000 đồng”.

Hơn 50 mẫu điện thoại kiểu dáng đẹp mắt đang được trưng bày trong 3 tủ kính tại đây dễ làm hài lòng những khách hàng thích sưu tầm hàng độc quyền.

Muốn thuê điện thoại với giá như quảng cáo, “Thượng đế” phải đồng ý thuê máy từ 3 tháng trở lên. Ít hơn khoảng thời gian này, khách hàng phải trả giá gấp đôi, 200.000 đồng/tháng/máy.

Thời gian thuê tối thiểu là 1 tháng, nếu ít hơn ngần ấy thời gian, khách hàng vẫn phải trả đủ tiền thuê cho 1 tháng. Với con số không quá cao so với túi tiền của sinh viên, có thể hiểu vì sao Minh lại có thể chạy theo model điện thoại di động như hiện nay.

Không chỉ với điện thoại, khi cần, những bạn trẻ muốn trang bị cho mình các thiết bị kỹ thuật số khác cũng có khá nhiều dịch vụ sẵn sàng cung cấp. “Đỉnh” nhất là laptop. Với giá thuê từ 1 - 15 USD/ngày (tùy theo cấu hình và thời hạn thuê máy), những dịch vụ này đã phần nào giải quyết được khó khăn về tài chính của khách hàng.

Khác với những bạn trẻ thuê điện thoại di động vì thích chạy theo thời trang, khách hàng thuê laptop thường là những sinh viên cần làm báo cáo hay viết luận văn tốt nghiệp.

Anh Chân, Chân Chính Informatics & Trading, tiết lộ: “Vì giá thành laptop còn cao nên không phải khách hàng nào cũng được thuê máy, chúng tôi phải “chọn mặt gởi vàng” kỹ lắm!”.

Chạy đua tài chính

Tuy giá thuê không cao nhưng tiền thế chân lại khiến cư dân số đau đầu. Sau khi qua được vòng “chọn mặt”, các bạn trẻ phải bỏ ra 1/3 giá trị của chiếc laptop mình muốn thuê để dằn cọc.

Với điện thoại di động, số tiền thế chân là cả giá trị chiếc máy. Lan (ĐH KHXH-NV) cho biết để có được 1,8 triệu đồng tiền thế chân chiếc máy điện thoại nghe nhạc MP3, cô phải để dành tiền làm thêm trong 3 tháng mới đủ.

Không dừng lại ở đó, để chạy theo kịp các dòng máy thời trang mới xuất hiện, những bạn trẻ này cũng phải “nhồi” thêm tiền cọc vào số tiền của mình có sẵn trong cửa tiệm.

Vậy là, dẫu sẽ lấy lại được tiền cọc khi trả máy nhưng cuộc chạy đua với thời trang điện thoại của người thuê máy và người mua máy vẫn phải trang bị bằng khả năng tài chính.

Chủ tiệm chào thua

Những sinh viên trong ĐH Bách khoa thường rỉ tai nhau chuyện Phượng, từ Tây Ninh lên TPHCM học, gia đình phải chạy ăn từng bữa nhưng cô nàng vẫn vay mượn bạn bè, thuê máy cho “bằng chị bằng em”.

Khi bạn bè biết chuyện, đòi lại tiền thì T. Phượng mới vội vàng đi trả máy. Oái oăm, cô không biết rằng khi đã ký hợp đồng thuê máy, phải đến khi đáo hạn hợp đồng, chủ tiệm mới trả lại tiền cọc cho cô.

Đòi tiền không được, T.Phượng khóc lóc, dọa sẽ đi kiện. Anh Micheal - Người Hồng Công, chủ cửa hàng cho thuê điện thoại - tỏ ra ngán ngẩm: “Chúng tôi chỉ biết làm theo hợp đồng đã ký với khách hàng, nhưng hình như các “thượng đế” Việt Nam vẫn chưa có thói quen cư xử theo luật”.

Tại các nước phát triển, mô hình cho thuê các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại di động, laptop... khá phổ biến và phát triển bởi người chủ huy động được vốn kinh doanh, còn khách hàng thì chỉ phải trả một khoản phí tương đối.

Trong tương lai, mô hình này sẽ còn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, muốn sử dụng được những dịch vụ này, các “thượng đế” Việt vẫn phải cân đối khả năng tài chính và nhất là học cách ứng xử theo nguyên tắc.

Theo Người lao động

MỚI - NÓNG