Giải thưởng Công nghệ thiên niên kỷ 2008:

"Thuốc thông minh" của Robert Langer

"Thuốc thông minh" của Robert Langer
Các viên thuốc thông minh hay các liều thuốc tiêm không cần kim, tự tiết ra đúng lượng dược phẩm khi cơ thể cần. Chuyện giả tưởng? Hoàn toàn không.

Có nhà khoa học đã chế tạo được vi mạch và các chất polymer để giải phóng chính xác lượng thuốc vào cơ thể bệnh nhân, nhắm đúng những tác nhân gây bệnh.

Đó là cách giải thích nôm na công trình đoạt giải thưởng "Công nghệ thiên niên kỷ 2008" (MTP 2008) vừa được công bố tại Helsinki (Phần Lan).

Người thắng giải là giáo sư hóa học Mỹ Robert Langer, 59 tuổi, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) với công trình "Nghiên cứu vật liệu sinh học thế hệ mới dùng để phân phối thuốc có kiểm soát".

Ông đã tìm ra các chất liệu dùng để sản xuất những bộ phận gắn vào cơ thể bệnh nhân, cho phép sử dụng chính xác liều lượng và kiểm soát được sự giải phóng dược phẩm vào cơ thể.

Giáo sư Robert Langer bắt đầu công trình nghiên cứu năm 1974. Ông kể trên The Tech Online (của Viện MIT):

"Năm đó, tôi và chuyên gia ung thư Judah Folkman đang tìm cách ngăn không cho các mạch máu phát triển (để chữa trị các khối u ung thư cũng như các dạng bệnh khác làm mù mắt) thì tôi nghĩ ra các vật liệu này".

Đầu những năm 1990, các dạng polymer do ông chế tạo bắt đầu được sử dụng để bọc các loại dược phẩm đưa thuốc trực tiếp vào não của bệnh nhân ung thư.

Màng xốp này có kích thước như một đồng xu, có thể phân phối dần thuốc chống ung thư trong vùng khối u đã được cắt bỏ và giết chết các tế bào ung thư còn lại. Nó còn được sử dụng để chữa các bệnh về tim mạch và những bệnh khác (tâm thần phân liệt, ung thư tuyến tiền liệt...).

Phương pháp này ít gây tác dụng phụ lên các bộ phận khác so với cách chữa trị truyền thống, do đó có thể gọi đây là một loại thuốc thông minh. Hơn thế nữa, giáo sư Langer cho biết thuốc còn được phân phối ngay tại chỗ khối u hay những tế bào cần nhắm tới nên hiệu quả càng tăng.

Chất thuốc này đã làm thay đổi nhiều nhất cách chữa trị cho bệnh nhân ung thư não trong 25 năm qua.

Hiện nay trên toàn thế giới có hơn 100 triệu người sử dụng phương pháp truyền thuốc vào cơ thể do ông sáng chế.

Chủ tịch hội đồng bình chọn giải thưởng đánh giá: "Những công nghệ mới của giáo sư Langer đã cứu sống và cải thiện cuộc sống hàng triệu bệnh nhân".

Giải thưởng Công nghệ thiên niên kỷ thành lập năm 2002, được xem như một giải Nobel không chính thức trong lĩnh vực công nghệ. Cứ hai năm một lần, giải được trao cho các thành tựu công nghệ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống con người, cả trong hiện tại và tương lai.

Giải thưởng do Viện Công nghệ Phần Lan, một tổ chức độc lập của ngành công nghiệp Phần Lan, sáng lập với sự hợp tác của chính phủ nước này. Tổng cộng năm nay có 99 cá nhân ở 27 quốc gia được đề cử giải MTP.

Giải thưởng đầu tiên (năm 2004) được trao cho Tim Berners-Lee, nhà khoa học của Viện MIT, "cha đẻ” của mạng Internet toàn cầu "World Wide Web". Giải thưởng năm 2006 được trao cho Shuji Nakamura (Nhật Bản) với phát minh công nghệ LED và laser xanh.

Ngoài giải nhất trị giá 800.000 euro, ba công trình vào chung kết cũng được nhận mỗi công trình 115.000 euro, đó là:

* "Công nghệ dấu vân tay" của nhà di truyền học Alec Jeffreys ở Đại học Leicester (Anh). Công nghệ này không chỉ cách mạng hóa ngành khoa học pháp y, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc xác định quan hệ huyết thống và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

* "Thuật toán Viterbi" của giáo sư Andrew Viterbi người Ý gốc Mỹ. Thuật toán của ông giúp tránh các lỗi trong hệ thống truyền thông không dây cũng như trong các thiết bị như điện thoại di động.

* "Bộ khuếch đại EDFA" của ba nhà khoa học gồm: giáo sư David Payne, Đại học Southampton, Anh; tiến sĩ Emmanuel Desurvire, Công ty nghiên cứu & công nghệ Thales, Pháp và tiến sĩ Randy Giles, phòng thí nghiệm Bell, Alcatel-Lucent, New Jersey, Mỹ đã làm thay đổi bộ mặt của ngành viễn thông toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông đường dài và tốc độ cao.

Giáo sư Bill Wakeham, hiệu phó Đại học Southampton, đánh giá công trình EFFA của bộ ba giáo sư, tiến sĩ trên là một "phát minh quan trọng giúp siêu xa lộ thông tin toàn cầu và hệ thống truyền thông tốc độ cao thành hiện thực, vô cùng có ý nghĩa cho nhân loại thế kỷ 21".

Theo Trần Đức Thành
Tuổi Trẻ/AP, Boston Globe, TTXVN

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.