Trách nhiệm và được chịu trách nhiệm

Trách nhiệm và được chịu trách nhiệm
TPO - Điển hình của phương cách quản lý một thời là không ai dám chịu trách nhiệm và được... chịu trách nhiệm để rồi tốt nhất là "kính chuyển". Cuối cùng thì lên cấp cao nhất và được một chữ "đồng ý".

Tôi nhớ thời bao cấp đi xin việc sau khi du học về, chưa thuộc phố phường Hà Nội. Cầm lá đơn viết tay lên Bộ Đại học ở cạnh Đại học Bách khoa, gặp ông phụ trách lưu học sinh. Đọc thư của cơ quan hứa nhận tôi, ông xem đơn và ký nháy "Kính chuyển phòng lưu học sinh".

Sang phòng này lại nhận được một ký nháy "kính chuyển" tiếp. Sau khoảng 4 - 5 "kính chuyển" tới các cơ quan khác nhau thì tôi nhận được quyết định với vài "kính" nữa đã ghi trên đó. Khi nhận việc sau 3 tháng đạp xe, tôi thuộc Hà Nội như lòng bàn tay.

Họ hoạt động như đá bóng với kỹ thuật kém. Thấy giữ bóng không ổn lại muốn an thân thì chuyền sang cầu thủ bên cạnh. Cứ thế, dân ta đi giải quyết công việc với chính quyền bị rơi vào vòng "kính chuyển" của những quả bóng đá đi đá lại giữa các ban ngành.

Ở thế kỷ 21 này ta vẫn thấy họ tiếp tục đá bóng...

Có mấy con hổ dân nuôi, ông "Động vật hoang dã" đòi tịch thu, phạt nhưng dân kiện, không chịu. Báo chí làm ầm ỹ, ông Bộ trưởng Nông nghiệp thử ra tay cũng chịu và thế là quả bóng "hổ tại gia" được đá lên tận Thủ tướng. Khi đó, mấy chú hổ mới được tiếp tục ăn thịt gà trong lồng sắt.

Tòa nhà mấy chục tầng ở Hà Nội, xây sai phép cao quá, thành phố ra chỉ thị cắt ngọn. Người quyết chặt, người ủng hộ giữ nguyên hiện trường, cãi nhau không phân thắng bại, giải pháp cuối cùng lại vẫn lại Thủ tướng quyết.

Rất nhiều việc lớn nhỏ, người ta "thích" trình Thủ tướng. Gần đây lại có xu hướng mời ông làm chủ trì các chương trình lớn của nhà nước.

Hội nghị "Diên Hồng" cho chính phủ Điện tử (e-Government ) tổng kết được 10 điều quan trọng cho nền công nghệ thông tin nước nhà và những bước tiếp theo. Nếu đọc kỹ và chịu khó xem trên báo thì những điều ấy như là nhắc lại hay tổng hợp những gì người ta đã viết rồi, không thấy có nhiều điều mới và sáng tạo, hầu hết là chung chung.

Có một điều mới nhưng cũng là... cũ: các "bô lão" của làng tin học quân sư mời Thủ tướng chủ trì. Lần trước Phó thủ tướng đã tham gia và bây giờ là mời đích thân Thủ tướng.

Tôi không hiểu Thủ tướng còn chủ trì bao nhiêu chương trình quốc gia như thế này. Quả thật, nếu ông đứng ra thì sẽ thấy tầm quan trọng của tin học và vì thế sẽ có được sự ủng hộ về chính trị, nhân lực và tiền bạc. Để phát triển công nghệ thông tin và thực hiện chính phủ điện tử cần sự đồng bộ giữa các bộ, các ngành, từ trung ương đến địa phương.

Một mình ông Bộ trưởng một bộ không thể ra lệnh cho các ông bộ khác thực hiện e-Government. Chỉ có Thủ tướng mới làm được. Các "bô lão" rất có lý.

Chỉ băn khoăn một điều, không hiểu Thủ tướng nước ta có nhiều thời gian để chủ trì đề tài quan trọng này không. Ông lo những việc vĩ mô cho đất nước đã hết thời gian rồi. Chương trình 112 lần trước có vị Thứ trưởng được mời tham gia chủ trì, họp 2 lần và đến khi người ta gạch tên ra khỏi danh sách cũng không biết.

Tôi được biết Chính phủ Mỹ cũng có một chương trình e-Government do ông Bush khởi xướng. Nhưng bên ông có một hội đồng các CIO cao cấp, bộ sậu chuyên về e-Government với kinh phí hàng trăm triệu đô la, giúp thực hiện các sáng kiến của tổng thống - thực chất là mang danh ông - làm thế nào có thể  đưa các dịch vụ của chính phủ tới người dân, doanh nhân, dịch vụ kinh doanh và giữa các bộ ngành với nhau được tốt hơn. Ông Bush đứng tên trong sáng kiến e-Government để các bộ trưởng thấy tầm quan trọng của những mục tiêu đề ra.

Người ta kể rằng, đôi lần họp về tiến độ của e-Government có ông Bush tham dự, những bộ có thành tựu rõ rệt thì ông Bộ trưởng được xếp đặt ngồi gần Tổng thống, bộ nào "kém tắm" thì ngồi xa mà ông Bush có thói quen thích hỏi những người ngồi cuối dãy bàn. Có lẽ vì thế mà tiến độ thực hiện e-Government thuộc loại... nhanh nhất thế giới.

Tôi không nghĩ việc Thủ tướng có chủ trì hay không là quan trọng. Quan trọng là những khởi xướng e-Government phải do chính những người lãnh đạo cao nhất của đất nước chỉ thị cho cấp dưới bằng những thông điệp mang tính mệnh lệnh. Mọi nơi, mọi chỗ, từ "e-Government" phải được ông nhớ và nhắc nhở các bộ và địa phương, mới mong dự án thành công.

Nước Ấn Độ cách đây 60 năm có ông Thủ tướng thấy nước mình quá nghèo và tìm kế mưu sinh cho dân tộc cả tỷ người. Người Ấn vốn cần cù, chăm học, giỏi tiếng Anh nên ông cho rằng nếu thế hệ trẻ học chuyên về kỹ thuật sẽ kiếm được bộn tiền của thế giới.

Ông mang theo dự án "Đại học Kỹ thuật Ấn độ - Indian Institutes of Technology (IITs)" cho 7 bang đi khắp thế giới và hỏi các nhà tài trợ quốc tế xem ai có thể giúp được xây dựng những trường này.

Được sự giúp đỡ của Liên Xô cũ, Mỹ, Đức và UNESCO, sau 60 năm, Ấn Độ đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng của các trường này. Sinh viên chưa ra trường đã có công ty xếp hàng xin về kể cả các công ty quốc tế có uy tín.

Nơi tôi công tác tại một tổ chức quốc tế khá lớn có một bộ phận IT trợ giúp có tên "Information Solution Group" nhưng mọi người gọi đùa là Indian Solution Group vì thấy nhan nhản dân IT Ấn Độ. Công nghệ thông tin, tên lửa hạt nhân hay công nghệ cao của Ấn phất lên được vì thế hệ kỹ sư này. Tầm nhìn của người lãnh đạo tối cao từ hơn nửa thế kỷ trước mới giá trị làm sao.

Các nước đang thành công về e-Government đã có chiến lược từ lâu. Nước Mỹ dùng máy tính trong cơ quan chính phủ từ những năm 1960, Ấn Độ hay Hàn Quốc dùng PC trong các bộ cách đây vài chục năm. Singapore trẻ nhất nhưng thành công nhất thì ông Thủ tướng của họ đã nghĩ về tin học như một cứu cánh cho đất nước cách đây 30 năm.

Tôi không nghĩ là một đêm thức dậy chúng ta có một e-Government mà cần kế hoạch phát triển IT cho đất nước trong 10, 20 hay 30 năm sau. Để thay đổi tư duy tin học cho hàng triệu cán bộ nhà nước thì cần đạo tạo họ như thế nào đây? Hay chúng ta cần một thế hệ mới kế cận thành thạo về tin học, những công dân tri thức có khả năng hội nhập? Muốn thế, ta phải cải cách hay thay đổi tư duy giáo dục sao cho nước nhà có thể đào tạo ra thế hệ trẻ độc lập suy nghĩ, sáng tạo, hiểu biết, thông thạo ngoại ngữ và ứng dụng tốt công nghệ thông tin.

Tầm nhìn của những người lãnh đạo cao nhất trong 10, 20 hay 50 năm nữa phải trả lời câu hỏi "đất nước này sẽ đi lên như thế nào, công nghệ thông tin sẽ đi hướng nào để đạt được mục đích đó?". Phải chăng, lúc này chúng ta cần tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo hơn là mời ông làm chủ trì chương trình e-Government. Tuy nhiên, ông lại rất cần một đội ngũ cán bộ cao cấp đủ năng lực thực hiện những chiến lược đó thành công.

Hy vọng "quá tam ba bận", lần này chính phủ điện tử sẽ được ứng dụng. Thế hệ tương lai đi xin việc không còn cảnh "kính chuyển" lòng vòng, cấp dưới bớt đi "trình" Thủ tướng những việc tầm vi mô để ông có thời gian lo tầm vĩ mô. Nhân dân được sống trong một xã hội ai cũng có trách nhiệm và được chịu trách nhiệm.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.