Sở Y tế TPHCM kết luận:

Trẻ tử vong sau tiêm vaccine: Do nhồi máu cơ tim cấp sơ sinh

Trẻ tử vong sau tiêm vaccine: Do nhồi máu cơ tim cấp sơ sinh
TP - Chiều qua, 15/5, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng- Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tổ chức họp báo công bố nguyên nhân tử vong sau tiêm vaccine của con chị Lâm Ngọc H. ở Q.8. TP.HCM.sau khi Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế họp xét cùng ngày.

Theo đó, sau khi xem xét các dữ liệu trên hồ sơ bệnh án của sản phụ Lâm Ngọc H. đang lưu trữ tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương; báo cáo giải trình của ê kíp tham gia tiêm vaccine ngừa viêm gan siêu  vi B- Euvax; chăm sóc và điều trị sơ sinh con của sản phụ H., cũng như kết quả giải phẫu tử thi sơ sinh và thảo luận.

Hội đồng đã thống nhất nguyên nhân tử vong của cháu bé là bị nhồi máu cơ tim cấp sơ sinh do thuyên tắc động mạch vành trái.

Đây là bệnh nhi bị tử vong thứ 5 được y văn thế giới ghi nhận. Cũng tại kết luận này cho thấy, kết quả vi thể sau mổ tử thi không thấy hình ảnh của sốc phản vệ mà do tổn thương nhồi máu cơ tim tiến triển đã có trong thời gian ngắn trước sinh.

Qua trường hợp tử vong sau tiêm vaccine trên cũng cho thấy: quy trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêm vaccine và xử lý cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được thực hiện đúng theo như quy định của Bộ Y tế.

Theo bác sĩ Dũng, nếu cháu bé không tiêm vaccine viêm gan B thì trong vòng 20 phút sau cũng sẽ tử vong vì ngoài một cục máu lớn gây tắc động mạch thì còn nhiều ổ nhồi máu nhỏ bám vào động mạch khiến cho máu không thể lưu thông, gây nên tử vong.

Trao đổi với PV Tiền phong vào chiều qua 15/5, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng khẳng định: Hội đồng không có kết luận gì về chất lượng vaccine mà phải chờ Bộ Y tế.

Trả lời về việc: Tại sao nhiều bệnh viện đã có tầm soát bệnh cho trẻ trước và sau sinh, để hạn chế tai biến, nhưng vẫn để sự việc đáng tiếc trên xảy ra, bác sĩ Dũng cho rằng: Bệnh nhồi máu cơ tim cấp sơ sinh do thuyên tắc động mạch vành hiện không tầm soát được.

Tại buổi họp báo, Sở Y tế cũng kêu gọi người dân yên tâm cho con em mình chủng ngừa viêm gan siêu vi B của Việt Nam mà Bộ Y tế đã tăng cường theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

MỚI - NÓNG