Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt Trăng đầu tiên

Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt Trăng đầu tiên
Lúc 18 giờ 5 phút (giờ địa phương) ngày 24/10, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh thăm dò Mặt Trăng đầu tiên mang tên "Hằng Nga-1" bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3A từ bệ phóng số 3 ở Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên.
Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt Trăng đầu tiên ảnh 1
Vệ tinh Hằng Nga-1 bay xuyên qua bầu khí quyển trái đất. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo Trung tâm kiểm soát vũ trụ Bắc Kinh (BACC), vệ tinh Hằng Nga-1 tách khỏi tên lửa đẩy lúc 18 giờ 29 phút và bay vào quĩ đạo hình ê-líp quanh Trái Đất, có điểm gần Trái Đất nhất là 205 km và điểm xa Trái Đất nhất là 50.930 km. Sau khi dựng hệ thống ăng-ten thành công, vệ tinh Hằng Nga-1 sẽ tiến hành giang đôi cánh pin Mặt Trời.

Nếu mọi việc suôn sẻ, giai đoạn đầu của việc phóng vệ tinh Hằng Nga-1 sẽ hoàn toàn thành công. Vệ tinh Hằng Nga-1 sẽ bay quanh Trái Đất một vòng rưỡi với thời gian 16 giờ một vòng. Tiếp đó, vệ tinh này sẽ vượt khoảng cách 380.000 km giữa Trái Đất và Mặt Trăng với tổng hành trình 1 triệu km trong thời gian dự định là 13 ngày 18 giờ.

Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt Trăng đầu tiên ảnh 2
Tên lửa đẩy Trường Chinh 3A. Ảnh: Tân Hoa Xã. 

Để tới Mặt Trăng và bay quanh thiên thể này ở quỹ đạo 200 km, vệ tinh Hằng Nga-1 sẽ tiến hành 10 lần chuyển đổi quỹ đạo (gồm 4 lần tăng tốc, 3 lần hiệu chỉnh quỹ đạo, 3 lần hãm tốc độ gần Mặt Trăng). Vệ tinh Hằng Nga-1 dự kiến sẽ bay vào quĩ đạo chuyển tiếp giữa Trái Đất và Mặt Trăng vào ngày 31/10 và vào quĩ đạo Mặt Trăng ngày 5/11.

Vệ tinh sẽ truyền hình ảnh đầu tiên của Mặt Trăng vào cuối tháng 11 và sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thám hiểm khoa học Mặt Trăng trong vòng một năm, thực hiện 4 nhiệm vụ chính: Chụp ảnh lập thể toàn bộ bề mặt Mặt Trăng; xác định sự phân bố 14 nguyên tố của Mặt Trăng; xác định độ dày và khối lượng thổ nhưỡng Mặt Trăng; nghiên cứu môi trường không gian giữa Mặt Trăng và Trái Đất.

Hằng Nga-1 là vệ tinh hiện đại nhất từ trước đến nay do Trung Quốc chế tạo, sử dụng kỹ thuật thay đổi quĩ đạo, có thể đáp xuống Mặt Trăng từ phía sau, đồng thời có thể tiến hành chụp những bức ảnh không gian ba chiều đối với mọi góc cạnh của Mặt Trăng.

Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt Trăng đầu tiên ảnh 3
Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ông Diệp Bồi Kiến, Tổng chỉ huy và Tổng công trình sư của Hệ thống vệ tinh thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc, khẳng định hiện nay trên thế giới chưa có một tấm ảnh lập thể nào chụp toàn bộ Mặt Trăng, trong khi hoạt động thăm dò Mặt Trăng lần này của Trung Quốc sẽ sử dụng máy ảnh lập thể để chụp ảnh Mặt Trăng một cách đa phương vị, hoạt động thăm dò Mặt Trăng lần này sẽ tiến hành quan trắc đối với hàm lượng sự phân bố của 14 loại nguyên tố trên Mặt Trăng có giá trị khai thác sử dụng và nghiên cứu, ngoài ra còn sẽ tiến hành đo một cách chính xác độ dày thổ nhưỡng của Mặt Trăng.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng nếu đưa được Hằng Nga - 1 tới Mặt Trăng thành công, Trung Quốc sẽ tạo được bốn bước đột phá lớn về kỹ thuật tên lửa đẩy, cũng như kỹ thuật thiết kế đường đi của vệ tinh.

Theo chuyên gia thiết kế quỹ đạo hỏa tiễn thuộc Học viện khoa học Trung Quốc, Viện sĩ Dư Mộng Luân, bốn bước đột phá trên gồm đột phá về thiết kế quỹ đạo, về kỹ thuật điều khiển từ xa, về công nghệ thích ứng môi trường và về công nghệ xây dựng hệ thống điều khiển, theo dõi từ khoảng cách xa.

Viện sĩ Dư còn cho biết Trung Quốc chỉ dùng 1/10 kinh phí so với nước ngoài để sản xuất loại tên lửa đẩy vệ tinh với tính năng kỹ thuật và điều kiện công nghệ tương đương nước ngoài.

MỚI - NÓNG