Dự báo hướng đi của bão số 6:

Trung tâm dự báo KTTV T.Ư đưa 8 bản tin dự báo sai

Trung tâm dự báo KTTV T.Ư đưa 8 bản tin dự báo sai
TP - "Xét tổng thể thì dự báo hướng di chuyển của bão số 6 là đúng nhưng từng bản tin do phải điều chỉnh nhiều quá nên điểm ngoặt của nó chưa ổn lắm"- TS Bùi Văn Đức, GĐ Trung tâm KTTV quốc gia nói.
Trung tâm dự báo KTTV T.Ư đưa 8 bản tin dự báo sai ảnh 1
TS Bùi Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia giải thích về hướng đi của bão số 6

Theo ông Đặng Quang Tính, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão T.Ư, cơn bão số 6 (có tên quốc tế Peipah) được Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư đánh giá là cơn bão mạnh và nhiều bản tin đã được phát.

Tuy nhiên, căn cứ vào hình ảnh đường đi chính thức của bão (được chụp từ vệ tinh) cho thấy, bản tin dự báo của Việt Nam độ sai lệch rất cao.

Các bản tin dự báo phát từ ngày 4/11 đến ngày 8/11 của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn  T.Ư đều dự báo bão đi xuống, trong khi đó, bão hoàn toàn di chuyển đi lên. Đến chiều tối ngày 8/11, khi bão số 6 suy yếu hoàn toàn thì dự báo của Việt Nam mới khớp.

Như vậy, qua các phân tích dự báo đường đi của bão số 6 trên bản đồ (do Văn phòng PCLB T.Ư vẽ), từ thời điểm Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư bắt đầu phát đi bản tin bão vào ngày 4/11 cho đến 8/11, có ít nhất 8 bản tin dự báo không chính xác hướng di chuyển của bão.

Trước phản ứng của đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão T.Ư, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư.

Ông thấy biểu đồ vẽ do Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư (gọi tắt Ban Chỉ đạo- PV) đưa ra về hướng đi của bão số 6 có chính xác trong 8 bản tin đầu tiên không và dự báo của mình có sai số đúng như họ nói không?

Ông Bùi Minh Tăng: Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư vẽ hướng đi của bão theo kết quả của chúng tôi đưa lên trang web. Tôi nghĩ là họ vẽ chính xác. Không có vấn đề gì.

TS Bùi Văn Đức: Cái vẽ của Ban chỉ đạo tôi cho là chính xác. Nhưng vấn đề là họ mới nghĩ Việt Nam mình làm dự báo có nhiều sai sót về hướng đi thôi nhưng khoa học chung về dự báo bão trên thế giới cho thấy trong cơn bão này cái sai về hướng của các nước còn nhiều hơn.

Tôi cũng làm một bức tranh giống như thế đối với dự báo của Việt Nam để đánh giá lại.

Ông có thể nói rõ hơn về những cái sai này của các nước?

Có một cái sai giống nhau là đường đi của bão có thay đổi theo mùa. Đầu mùa thường bão vào các vùng phía Bắc của nước ta hoặc vào Trung Quốc. Đến cuối mùa, bão dịch chuyển dần về phía Nam.

Nhiều mô hình của nhiều trung tâm đều dự báo và có nhận định về xu thế hướng đi chung của bão là sẽ về phía Tây Tây Nam. Ngay từ đầu, khi tâm bão nằm ở phía Philippines thì bão đã hướng ngay về phía Tây và Tây Nam.

Tuy nhiên do hoàn lưu trong lúc này có những đặc biệt nên đến một hai ngày sau vẫn đi theo hướng Tây Tây Bắc.

Xét xu thế chung, tổng thể thì dự báo hướng di chuyển của bão là đúng nhưng từng bản tin do phải điều chỉnh nhiều quá nên điểm ngoặt của nó chưa ổn lắm.

Vậy tại sao không dự báo được bão sẽ đi ngoặt lên phía Bắc rồi đi xuống Tây Nam như thực tế?

Điều này do hạn chế của các mô hình dự báo, trong đó cả mô hình của nước ngoài nữa. Cụ thể, các yếu tố ảnh hưởng đến đường đi của bão là 100 yếu tố chẳng hạn thì bản thân mình mới có được khoảng 50 yếu tố đo được, nhìn được còn 50 yếu tố còn lại mình không biết thì gây ra sai số.

Điều này có phải do dự báo của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào dự báo của các nước?

Điều này không hẳn đúng. Ở Việt Nam hiện có 3 mô hình dự báo đường đi của bão: HRM (hợp tác với Đức), ETA (hợp tác với Mỹ) và mô hình về quán tính của Úc. Cộng với đó là phương pháp dự báo synop.

Tất cả các trung tâm dự báo trên thế giới đều phải tham khảo sản phẩm của nước ngoài chứ không riêng gì của Việt Nam. Việc tham khảo sản phẩm dự báo của nước ngoài đối với chúng tôi là bắt buộc. Không những thế phải tham khảo kỹ, tham khảo một cách toàn diện.

Ai làm chúng tôi cũng đều phải tham khảo. Dự báo viên nào không tham khảo sản phẩm dự báo của nước ngoài là không tuân theo đúng quy trình và cũng không dại gì chúng ta không tham khảo. Nhưng nếu chỉ tham khảo mà không có mô hình của ta thì cũng không được.

Chất lượng dự báo của ta ở khu vực này tốt hơn các nước. Do chúng ta nghiên cứu kỹ hơn, có đầy đủ số liệu hơn và chúng ta tham khảo được kết quả của họ nên chúng ta dự báo tốt hơn. Không có của họ thì chúng tôi vẫn dự báo được nhưng sẽ không chính xác bằng.

Vậy mức độ tin cậy của bản tin dự báo bão số 6 và các cơn bão khác được đánh giá thế nào?

Nói chung phải thống kê trong nhiều trận bão thì mới ra được sai số. Trung bình sai số dự báo trong 24 giờ là 120 km. 48 giờ thì sai số trung bình 250 km, 72 giờ sai số từ 350 - 400 km. Trong cơn bão này thống kê sai số là bao nhiêu thì tôi chưa làm.

Nhưng có bản tin dự báo có sai số trong dự báo 48 tiếng tới 350 km, thưa ông?

Sai số 350 km là lớn hơn sai số trung bình của thế giới

Theo ông sai số trong dự báo này là do con người hay máy móc?

Do tổng hợp: Con người và mô hình. Máy móc thì không có vấn đề gì nhưng đưa mô hình nào vào tính toán thì mới là quan trọng.

Có nghĩa mô hình dự báo của mình có vấn đề?

Có những lúc mình dự báo trước 72 giờ vẫn đúng nhưng cũng có lúc dự báo 24 giờ vẫn sai. Hiện là cuối mùa nên xu thế chung là đi xuống nhưng cơn bão này ngược quy luật và đi lên phía Bắc trong khi các mô hình đi theo quy luật chung.

Chỉ đến ngày 6/11 thì cơn bão mới đi theo quy luật chung. Nhưng với sai số này vẫn mang lại lợi ích cho việc phòng tránh. Chẳng qua do sai số dự báo nên phải phòng tránh ở diện rộng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Tuyên
thực hiện

MỚI - NÓNG