Túi mưa chảo lửa tràn ra Trường Sơn - Kỳ cuối

Túi mưa chảo lửa tràn ra Trường Sơn - Kỳ cuối
TP - Tại Trung Quốc, giai đoạn 2001-2005, khi nhiệt độ lưu vực sông Dương Tử mới tăng 0,71 độ C, các nhà khoa học đã cảnh báo “Nhiệt độ tăng đồng nghĩa với sự suy giảm đa dạng sinh học” trong khu vực này.
Túi mưa chảo lửa tràn ra Trường Sơn - Kỳ cuối ảnh 1
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Còn ở Việt Nam, suy giảm đa dạng sinh học được báo động trong nhiều nghiên cứu, song, còn rất hiếm khảo sát khẳng định mức độ tác động của BĐKH đến đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, bằng những số liệu và cả bằng cảm nhận của mình, các nhà khoa học cũng như nhiều người bình thường đã thấy rõ tác động của BĐKH đối với đa dạng sinh học.

Kỳ Nam dữ dội

Với một địa hình đặc biệt, nằm trong thung lũng hẹp có độ dốc lớn kéo từ sườn núi dãy Hoành Sơn ra biển, ngay phía bắc chân Đèo Ngang, ba phía bắc, tây và nam đều bị án ngữ bởi núi, phía đông giáp biển, tại Kỳ Nam (huyện ven biển Kỳ Anh, phía đông nam tỉnh Hà Tĩnh) đã hình thành chế độ tiểu khí hậu với nhiều loại thiên tai khắc nghiệt như hạn hán, mưa lớn, bão lũ và xâm nhập mặn. Từ tháng 4 đến tháng 8, gió tây khô nóng thường xuyên hoạt động với tốc độ gió mạnh cấp 6, cấp 7.

Khi tham vấn cộng đồng, những người cao niên và có kinh nghiệm sản xuất đều gọi Kỳ Nam là túi mưa, chảo lửa. Túi mưa, vì Kỳ Nam phải hứng chịu nhiều trận mưa lớn, có khi tới 500 - 800 mm dẫn đến lũ lớn, xói mòn đất. Chảo lửa, bởi gió Lào, nắng gắt.

Hiệu ứng phơn (foehn), do gió tây - nam vượt qua dãy Trường Sơn, gây ra những đợt gió khô nóng kéo dài với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, làm gia tăng tính khắc nghiệt của hạn hán vốn có tốc độ diễn biến nhanh tại Kỳ Nam, tác động mạnh đến môi trường sinh thái trong vùng.

Vậy mà, những năm gần đây, vùng nổi tiếng là túi mưa chảo lửa ấy của cả nước lại phá vỡ kỷ lục cả về mưa và hạn.

Các nhà khoa học, trong cuộc khảo cứu mới đây, đã ghi nhận được tình trạng cạn kiệt nhanh nguồn nước dân sinh của vùng cao gần núi và thiếu nước dân sinh của vùng thấp ven biển, vì nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và vùng dân cư mạnh và nhiều lần hơn. Nước biển đã tiến sát vào hàng phi lao trước đây trồng cách mép biển 20 - 30m.

Những trận mưa cường độ lớn, trên 500 mm/ngày, xuất hiện ngày một nhiều hơn. Lượng mưa lớn hơn, tập trung hơn, khiến địa hình của Kỳ Nam dốc cao càng bị xói mòn, rửa trôi mạnh hơn, suy thoái nghiêm trọng hơn.

Căn cứ kịch bản BĐKH (theo phát thải trung bình) của Việt Nam, đến năm 2050, nhiệt độ tại Bắc Trung Bộ tăng từ 1,3 – 1,8 độ C và, đến năm 2100, tăng 2,6 – 3,2 độ C, cao hơn nhiều so với mức tăng nhiệt độ khu vực Nam Trung Bộ -Tây Nguyên, có thể nhận định, BĐKH sẽ gia tăng mạnh ở Bắc Trung Bộ với nhiều loại thiên tai khắc nghiệt hơn, và là nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi hệ thống sinh thái trong khu vực.

Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Chuyển động nghiệt ngã

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng, khí hậu (điều hòa, mát mẻ, trong lành) - tài sản lớn nhất của Đà Lạt - đang bị đe dọa chưa từng có trong lịch sử hình thành đô thị cao nguyên này.

Ngay cả kỳ El Nino khốc liệt vào năm 1997, khí hậu Đà Lạt cũng không rơi vào tình cảnh như hiện tại. Ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè rõ rệt.

Nhiệt độ ở thành phố Đà Lạt đang nóng dần lên, sự khắc nghiệt gia tăng với biên độ nhiệt dãn cách đột biến chưa từng thấy. Chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất bình quân từ 8-10 độ trong những năm trước đây nay tăng lên 12 - 15 độ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với thập niên 1979 - 1988, nhiệt độ không khí trung bình thập niên 1999 - 2008 suốt dải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cao hơn rõ rệt, nhất là vào các tháng mùa đông và trên độ cao từ 100 - 800 m.

Nhiệt độ tăng có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Các nhà khoa học nhận định, do nóng lên toàn cầu, các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và nước ngọt sẽ dịch chuyển về phía cực, đồng thời cũng dịch chuyển lên cao hơn.

Khi ấy các loài thực vật, động vật nhiệt đới có thể phát triển ở các vĩ độ cao hơn hoặc trên những vùng núi và cao nguyên cao hơn trước. Trái lại, các loài ưa lạnh bị thu hẹp lại, hoặc phải di cư đi nơi khác.

“Có thể thấy, đã có những chuyển động của hệ sinh thái ở những vùng núi tại Việt Nam. Dãy Trường Sơn không thể đứng ngoài chuyển động đó”, KS Nguyễn Thu Bình, thành viên nhóm nghiên cứu VACNE, nhận định. “BĐKH đã hiện hữu ở dãy Trường Sơn”. 

MỚI - NÓNG