Túi nước ngầm Hà Nội bị chọc ngày càng nát

Túi nước ngầm Hà Nội bị chọc ngày càng nát
Hiện tượng nước sinh hoạt ô nhiễm tại các phường Khương Trung, Hạ Đình chỉ là phần nổi của tảng băng. Nguồn nước ngầm Hà Nội nhiều nơi tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng.
Túi nước ngầm Hà Nội bị chọc ngày càng nát ảnh 1
Hệ thống hút nước từ giếng khoan của một hộ gia đình                           ảnh: Phạm Yên

Những giếng khoan khai thác tràn lan, những công trình xây dựng khổng lồ xuyên hàng ngàn cọc móng vào lòng đất, khiến tài nguyên nước tiếp tục cạn kiệt và suy giảm chất lượng.Hiểm họa của 100.000 giếng khoan tư nhân.

Bên cạnh những nguyên nhân muôn thuở gây ô nhiễm nước như nước thải sinh hoạt và công nghiệp hầu như không được xử lý đổ ra các sông tự nhiên, tập trung các nghĩa trang lớn gây ô nhiễm vi sinh, nguồn nhiễm bẩn Asen, v.v.…, phải kể đến tình trạng ô nhiễm nước do khai thác nước ngầm tràn lan.

Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều gia đình tự khoan giếng để được dùng thỏa thích mà lại tiết kiệm khoản chi trả phí nước sinh hoạt. Khi giá nước bắt đầu tăng từ 1/4/2005, với mức giá thấp nhất là 2800đ/m3 (đối với hộ dùng dưới 16m3/tháng) và cao nhất là 7500đ/m3, thay vì 2000đ/m3 trước đây, thêm nhiều hộ tính tới chuyện đào giếng thay vì mua nước sạch của Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội.

Khi được hỏi, hầu như không mấy ai biết khoan giếng có phải xin phép hay không, và việc làm này có trái với quy định hay không. Một người ở quận Thanh Nhàn cho hay: “Tôi khoan giếng dùng cho thoải mái và cũng không thấy ai nói chuyện phép tắc gì”.

Theo số liệu điều tra của Sở Tài nguyên Môi trường&Nhà đất (TNMTNĐ), các giếng khoan khai thác nước kiểu UNICEF của các hộ trên địa bàn Hà Nội hiện nay khoảng trên 100.000 giếng. Các nhà máy nước chịu sự quản lý và khai thác của Công ty Khai thác nước sạch bao gồm Nhà máy nước Lương Yên, Mai Dịch, Hạ Đình, Cáo Đỉnh, Yên Phụ, Ngọc Hà, Tương Mai, Ngô Sĩ Liên, Pháp Vân, Gia Lâm, cùng một số nhà máy nước nhỏ. Một số nhà máy nước đang triển khai xây dựng như Nam Dư, Bắc Thăng Long, Thượng Cát, v.v…, có tổng cộng hơn 200 giếng khoan khai thác nước.

Hiện Hà Nội còn có 500 giếng khoan khai thác nước của các trạm cấp nước sạch nông thôn, các cơ quan đơn vị khai thác lẻ (Sở KHCN&MT và Sở NN&PTNT cấp phép khoảng 200 giếng). Tổng lượng nước ngầm đang được khai thác khoảng 750.000m3/ngày đêm. Riêng Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội khai thác gần 500.000m3/ngày đêm.

Theo quy hoạch cấp nước sạch của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng lượng nước ngầm khai thác là 1.100.000m3/ngày đêm, trong đó, phía Nam sông Hồng khai thác với lưu lượng 700.000m3/ngày đêm.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Tài nguyên, Sở TNMTNĐ, nói: “Theo Luật Tài nguyên nước, việc các hộ dân khoan giếng khai thác nước trong phạm vi được phép không phải xin phép.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đều có chung nhận định và cảnh báo việc khoan giếng kiểu UNICEF của các hộ dân (rất phổ biến trên địa bàn thành phố)  ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước ngầm, gây hiện tượng suy thoái nguồn nước, đặc biệt là tạo ra các cửa sổ địa chất thuỷ văn để nguồn nước nhiễm bẩn thấm xuống”.

Nhà cao tầng cũng góp phần

Ông Đạm cũng cho biết, Sở TNMTNĐ đang quản lý quan trắc động thái nước ngầm tại 91 công trình quan trắc (84 công trình quan trắc nước dưới đất với 152 giếng khoan và 7 công trình nước mặt) trên địa bàn thành phố. Các công trình quan trắc này được bố trí ở các điểm đặc trưng cho sự biến đổi của mực nước dưới đất, đặc biệt là khu vực tập trung của các nhà máy nước và các đỉnh phân thủy.

Kết quả quan trắc động thái nước dưới đất nhiều năm cho thấy nguồn nước dưới đất Hà Nội đã và đang bị hạ thấp và không có dấu hiệu phục hồi. Đã hình thành phễu hạ thấp với tâm là Hạ Đình, Thanh Xuân. Kèm theo sự biến đổi điều kiện thủy động lực như tốc độ dòng chảy, độ nghiêng thủy lực, sự tăng thấm xuyên có thể dẫn đến biến đổi cả điều kiện lý hoá, làm tăng cường, tốc độ nhiễm bẩn nước ngầm.

Nguyên nhân quan trọng nữa là khoan quá nhiều lỗ khoan  không đúng quy trình. Ngoài ra, trong khi làm móng cọc các công trình xây dựng, việc không trám lấp kỹ tạo những kẽ hở giữa cọc và tầng chứa nước. Các nhà cao tầng thường khoan các lỗ khoan đường kính lớn để làm móng. Các lỗ khoan thường sâu, xuống tầng cuội sỏi–  tầng chứa nước qp – là tầng chứa nước sản phẩm cho Hà Nội.

Trong quá trình khoan, một lượng lớn oxy được đưa vào trong môi trường nước ngầm, làm thay đổi môi trường hoá lý từ điều kiện khử sang điều kiện oxy hoá. Sự thay đổi đó tạo điều kiện cho một số ion hoặc keo ở dạng kết tủa chuyển sang ion dễ hoà tan, làm thay đổi chất lượng nước dưới đất.

Đến nay chưa thấy tổ chức, cá nhân thi công công trình xây dựng nhà cao tầng nào bị xử lý do vi phạm Luật Tài nguyên nước. Theo Liên đoàn Địa chất Thủy văn-Địa chất công trình, vùng bị nhiễm bẩn và nhiễm bẩn nặng phân bố chủ yếu ở các vùng có tốc độ và mật độ xây dựng cao như phía Nam thành phố thuộc các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì, một phần phía Nam huyện Từ Liêm, một phần phía Tây Nam huyện Gia Lâm. Tổng diện tích khu vực này đã là 150km2.

Góp phần cứu vãn nguồn tài nguyên ngày càng khó tái tạo, Sở TNMTNĐ vừa lập đề án Điều tra, khảo sát hiện trạng nguồn nước dưới đất thành phố Hà Nội năm 2005 – 2006 nhằm xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố bằng công nghệ thông tin. Hiệu quả của dự án này đến đâu thuộc về thì tương lai. Hiện tại, nhiều nơi vẫn “thích thì khoan, thích thì đào”. 

- “Phạm vi được phép” khoan giếng một cách tự do là căn cứ Quyết định số 05/2003/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2003 về cấp phép thăm dò, khai thác và hành nghề khoan nước dưới đất. Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân khai thác và sử dụng tài nguyên nước phải được phép của cơ quan có thẩm quyền, trừ các trường hợp sau: Khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình cho sinh hoạt; Khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thuỷ điện nhỏ và cho các mục đích khác.

Chương II, Luật Bảo vệ Tài nguyên nước ghi rõ:

- Tổ chức, cá nhân khoan thăm dò địa chất, khoan thăm dò nước dưới đất, xử lý nền móng công trình phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức cá nhân khai khoáng, xây dựng công trình ngầm  nước dưới đất, công trình khai thác nước dưới đất phải tuân theo quy trình, quy phạm về an toàn kỹ thuật, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất và gây sụt lún nghiêm trọng mặt đất.

MỚI - NÓNG