Ứng dụng công nghệ gien để trả lại tên cho liệt sĩ

Ứng dụng công nghệ gien để trả lại tên cho liệt sĩ
Viện Công nghệ Sinh học đang ứng dụng công nghệ gien để giám định hài cốt liệt sĩ. Thành công này mở ra triển vọng xác định được danh tính của khoảng 300.000 liệt sĩ vô danh thuộc gần 3.000 nghĩa trang ở Việt Nam.

Để tìm hiểu rõ hơn về công việc này, sáng 26/7, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Lê Quang Huấn - Trưởng phòng Công nghệ tế bào, Chủ nhiệm Đề tài ''Xây dựng quy trình giám định gien hài cốt liệt sĩ''.

Được biết Viện CNSH đã áp dụng công nghệ gien để giám định hài cốt liệt sĩ từ năm 2003. Từ đó tới nay Viện đã giám định được bao nhiêu hài cốt?

- Từ khi thực hiện đề tài từ năm 2003 cho tới nay, Viện đã giám định được 60 trường hợp, trong đó định danh được 36 liệt sĩ. 24 hồ sơ còn lại được xác định là không đúng với mẫu so sánh, không thuộc phả hệ của gia đình cần tìm. Hiện mẫu xương của 40 liệt sĩ nữa, trong đó có 13 bộ hài cốt được khai quật gần dốc Lò Xo (tỉnh Kon Tum), đang chờ giám định. 13 bộ này đã được Cơ quan quân sự huyện Đắc Lei bàn giao vào ngày 19/4/2005 cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum.

Cho tới nay, toàn bộ kỹ thuật giám định gien hài cốt liệt sĩ đã được Viện hoàn thiện. Viện đang chuyển giao công nghệ và tập huấn cho các cán bộ thuộc Viện Pháp y Quân đội để họ tự làm giám định. Khi đề tài kết thúc vào cuối năm nay, Viện sẽ tiếp tục chuyển giao quy trình giám định cho các đơn vị khác nhằm giám định tìm tên cho nhiều liệt sĩ nữa.

Để giám định gien hài cốt liệt sĩ, các chuyên gia phải tiến hành những công việc gì?

- Ở Việt Nam, có 3 phương pháp giám định tìm tên cho liệt sĩ: Giám định hình thái xương (đòi hỏi hộp sọ phải còn nguyên vẹn) do Viện Pháp y Quân đội thực hiện, giám định qua di vật do Viện Bảo tàng Quân khu IV tiến hành và gần đây là phương pháp giám định hài cốt liệt sĩ bằng kỹ thuật phân tích gien của Viện CNSH. Ưu điểm của phương pháp giám định gien là mang lại hiệu quả và độ chính xác cao. Toàn bộ quy trình giám định gien được hoàn tất trong khoảng 1 tháng.

Ứng dụng công nghệ gien để trả lại tên cho liệt sĩ ảnh 1
Nghiền xương trong nitơ lỏng

Ban đầu, cần phải lấy mẫu giám định một cách chuẩn xác, khoa học. Đó là một mẩu xương nhỏ không được quá mủn hoặc tốt nhất là một chiếc răng của liệt sĩ. Khi đã được làm sạch, răng hoặc xương được nghiền thành bột trong nitơ lỏng rồi ngâm vào các hoá chất tinh khiết, chất lượng cao. Mọi công đoạn đều được thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối. Khâu tiếp theo là tách chiết ADN từ mẫu bằng các thiết bị chuyên dụng, chẳng hạn máy ly tâm lạnh siêu tốc 1.500 vòng/phút.

Sau đó, một đoạn gien đặc hiệu được nhân bản bằng máy PCR để tạo ra hàng tỷ bản sao, phục vụ cho khâu tách dòng gien và xác định trình tự gien bằng máy tự động hiện đại nhất của Mỹ. Trong tế bào có 2 hệ gien: hệ gien ty thể di truyền theo dòng mẹ và hệ gien nhân di truyền theo dòng cha. Đoạn gien được nhân bản thuộc hệ gien ty thể bởi hệ gien này có mạch vòng, bền vững hơn. Trong khi đó, hệ gien nhân có mạch thẳng nên dễ bị phá huỷ trong điều kiện hài cốt được mai táng sơ sài và lâu năm

Cuối cùng, phần mềm chuyên dụng trên máy tính so sánh trình tự gien của hài cốt với trình tự gien trong mẫu đối chứng của thân nhân. Mẫu đối chứng thuận lợi nhất là máu, chừng 0,5 - 1cc. Phải lấy mẫu máu của người thân liên quan tới dòng mẹ (mẹ đẻ, anh chị em cùng mẹ, con của chị em gái...) bởi hệ gien ty thể chỉ di truyền theo dòng mẹ. Khi thụ tinh, hệ gien ty thể của người cha nằm ở đuôi tinh trùng nên không tham gia vào quá trình tạo phôi. Do vậy, gien ty thể của người cha không được truyền cho con.

Thành công nào về giám định gien hài cốt liệt sĩ mà Viện đã tiến hành khiến Tiến sĩ nhớ nhất?

Ứng dụng công nghệ gien để trả lại tên cho liệt sĩ ảnh 2

TS Huấn và ông Đàm Thanh Bình sau khi xác định đúng hài cốt của ông Đàm Nhạ.

- Đó là trường hợp của liệt sĩ Đàm Nhạ, cha của ông Đàm Thanh Bình. Cả hai cha còn cùng bị giam trong khu bốt lò vôi trong sân bay Gia Lâm (Hà Nội) cách đây hơn 50 năm. Cha ông bị giặc tra tấn đến chết trước mắt ông rồi vùi xác mất tăm trên bãi cỏ. Cuối năm 2004, ông Bình đã tìm thấy hai bộ hài cốt và quyết định tới Viện CNSH để xin giám định. Trong 2 mẫu đó có 1 mẫu trùng với mẫu máu phả hệ gia đình ông.

Thân nhân của liệt sĩ đến Viện CNSH xin làm giám định gien ngày càng nhiều. Xin TS cho biết khó khăn lớn nhất trong việc giám định hài cốt liệt sĩ ở Việt Nam?

- Khó khăn thứ nhất là kinh phí. Hiện cần 5 - 7 triệu đồng để giám định gien hài cốt của một liệt sĩ. Khó khăn thứ hai là cơ quan quản lý chưa quyết định triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám định gien hài cốt liệt sĩ với thiết bị chuyên dụng và con người chuyên trách ở tầm quốc gia.

Gần đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chủ trương nâng cấp nhiều nghĩa trang liệt sĩ. Mong muốn của Viện là trung tâm trên được thành lập, lấy mẫu hài cốt của những liệt sĩ chưa xác định được danh tính nhân dịp nâng cấp nghĩa trang.

Mọi mẫu hài cốt liệt sĩ chưa được định danh hoặc còn nghi vần đều được phân tích và lưu vào ngân hàng dữ liệu, kèm theo các thông tin về địa điểm khai quật... Song song với việc đó, các gia đình có liệt sĩ mất tích sẽ kê khai thông tin, cung cấp mẫu máu để phân tích. Thông tin này cũng được lưu giữ vào ngân hàng dữ liệu. Máy tính chuyên dụng sẽ so sánh để tìm ra hài cốt thuộc phả hệ nào. Quy mô càng lớn thì việc tìm được tên cho liệt sĩ càng cao.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG