Vải tự làm sạch

Vải tự làm sạch
Nếu bạn là một người không thích giặt giũ, đây sẽ là một tin vui dành cho bạn: các nhà khoa học Úc đã nghiên cứu thành công len và lụa tự làm sạch sử dụng công nghệ nano.

Như vậy trong tương lai, tất len, áo và cravat lụa có thể tự làm sạch mùi và vết ố dưới ánh sáng mặt trời.

Chìa khoá chính để tạo nên vật liệu này chính là vật liệu vải được phủ các phân tử nano để cho ra một chất liệu len và lụa tự làm sạch.

Các phân tử nano này có kích thước khoảng 5 nanomet (5 phần triệu của met) kết hợp cùng với dioxide titanium anatase - một chất thường được sử dụng như chất nhuộm - để phá vỡ và phân hủy chất dơ, vết ố và các vi sinh vật dưới ánh nắng mặt trời.

Len và lụa thường được làm từ protein tự nhiên được gọi là chất sừng, là chất liệu được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp may mặc hiện nay.

Tuy nhiên, chúng có một nhược điểm là khó giữ sạch và dễ bị hư hỏng khi sử dụng chất tẩy hay bột giặt thông thường; dễ hấp thụ mùi.

Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm với các mẫu vải vấy bẩn rượu vang đỏ.

Sau 20 giờ được để dưới ánh sáng mô phỏng ánh sáng mặt trời, mẫu vải được phủ nano gần như không còn dấu hiệu của vết dơ màu đỏ, trong khi mẫu vải chưa xử lý vẫn còn in đậm vết ố này.

Chất phủ nano hoàn toàn không độc hại và liên kết vĩnh viễn với sợi vải, ngoài ra nó cũng không làm thay đổi tính chất vật liệu và cảm giác khi tiếp xúc, vì thế lụa vẫn giữ được nét mềm mại của nó.

Các nhà khoa học hy vọng tính chất tự làm sạch sẽ trở thành một đặc tính tiêu chuẩn của vật liệu vải và các vật liệu khác trong tương lai để đảm bảo vệ sinh và ngăn chặn sự lây lan của của vi khuẩn gây bệnh.

Theo Minh Anh
Tuổi trẻ/ Telegraph.co.uk

MỚI - NÓNG