Vào mạng khi say, ăn chay cả tháng

Vào mạng khi say, ăn chay cả tháng
Phụ nữ thường mua sắm mỗi khi gặp chuyện không hay, nhưng trong thế giới mạng, cả nam giới cũng có lúc "vung tay quá trán". Mua hàng trực tuyến trong tâm trạng bất ổn cũng là một "tai nạn" kỳ quặc không kém gì việc đem mật khẩu xuống mồ của thời hi-tech.

Stephen Kenny, nhân viên văn phòng sở hữu trí tuệ tại Mỹ, nhớ lại cái đêm đầy hưng phấn sau khi anh uống "một hay ba ly martini" trên đường về nhà:

"Tôi truy cập vào website kinh doanh đồ trang sức xa xỉ và quyết định mua cho bạn gái đôi khuyên tai trị giá 1.500 USD... Trong lúc chuếnh choáng, tôi không nhìn rõ rằng món đồ đó thực ra là 15.000 USD".

Rất may, Kenny đã phát hiện sớm và kịp hủy bỏ giao dịch.

Câu chuyện trên là dẫn chứng cho một trong những rủi ro tài chính khôi hài nhất hiện nay: click chuột khi không tỉnh táo (sip & click). Trong trường hợp của Kenny, ít ra anh còn nhận thức được sai lầm và nhanh chóng khắc phục, nhưng không phải ai cũng may mắn thế.

Bấm chuột lung tung trong trạng thái mất cân bằng là hiện tượng khá mới và đối với một số người, điều này thật đáng xấu hổ.

"Chẳng ai lại muốn bị coi là một kẻ không biết kiểm soát bản thân", một phụ nữ giấu tên cho hay. Người này đã không thể hiểu vì sao bà lại đặt mua vài cuốn sách trên Amazon.com cho đến khi nhận được bưu phẩm.

Mua sắm không nguy hiểm như lái xe khi say, nhưng thiệt hại về tài chính cũng chẳng thua kém là bao, đặc biệt trong điều kiện Internet phổ biến, tạo điều kiện cho người tiêu dùng đặt hàng bất cứ khi nào họ thích và cũng không đòi hỏi họ phải thanh toán ngay lập tức.

Hơn nữa, nếu nổi hứng sắm một món đồ kỳ dị nào đó, họ cũng không bắt gặp cái nhìn đầy khó hiểu của người bán hàng khiến họ bất ngờ "tỉnh ngộ".

Kate Hanley, chủ nhân website MsMindBody.com, vô tình nhìn thấy một đôi giày quyến rũ trên eBay nhưng không thể tham gia cuộc đấu giá vì phải đi dự tiệc. Vừa uống xong ly champagne, Hanley liếc thấy máy tính của chủ nhà gần đó liền đăng nhập và mua đôi giày chỉ sau... 2 phút dù trước đó đã có nhiều người đưa ra giá hời.

Theo Kit Yarrow, giảng viên Đại học Golden State tại San Francisco (Mỹ), những hành vi khó hiểu như thế không chỉ do rượu gây ra. Mọi người còn vào mạng mua sắm khi họ gặp rắc rối trong công việc, cô đơn, nhàm chán hoặc trục trặc với bạn bè. Chuyện này diễn ra online vì "bạn không thể uống rượu rồi đi ra phố lúc nửa đêm", Yarrow giải thích.

Còn Kenny đã nghĩ ra cách đặt mật khẩu phức tạp trên máy tính để anh không thể nhớ nổi mỗi khi uống rượu. "Nếu tôi không bật được PC, tất nhiên tôi sẽ hạn chế được thiệt hại", Kenny khẳng định.

Theo Hải Nguyên
Vnexpress/The New York Times

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.