Vì sao năm 2006 lại là năm nhuận?

Vì sao năm 2006 lại là năm nhuận?
Một số bạn đọc thắc mắc: Năm 1998 nhuận, năm 2001 nhuận và năm 2004 cũng nhuận. Như vậy, quy luật là cứ 3 năm nhuận một lần. Vậy, vì sao năm nay 2006, mới 2 năm đã nhuận?
Vì sao năm 2006 lại là năm nhuận? ảnh 1

Chúng tôi đã chuyển câu hỏi này đến PGS - TS Lê Thành Lân (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và được trả lời như sau:

Ta thường dùng hai loại lịch. Lịch dương được dùng chính thức trong các văn bản nhà nước, trong quan hệ dân sự, trong quan hệ quốc tế (vì các nước đều dùng lịch này)... Loại thứ hai là lịch âm - dương (gọi thế, vì: Cơ bản đây là một lịch mặt trăng, nhưng có thêm tháng nhuận để "chiếu cố" đến mặt trời), ta quen gọi tắt là lịch âm, dùng trong các lễ tiết. Cả hai loại lịch này đều có nhuận.

Ta cần phân biệt rõ: Lịch dương cứ trong 4 năm thì có 1 năm nhuận, năm đó thêm 1 ngày. Lịch âm cứ khoảng 30 - 32 tháng có 1 tháng nhuận; năm có nhuận thêm hẳn 1 tháng; các năm nhuận không cách đều nhau.

Ở lịch dương, thông thường thì: Những năm chia hết cho 4 là nhuận, có 366 ngày; các năm khác không nhuận, có 365 ngày. Vậy nhuận chỉ 1 ngày và vào tháng 2 để nó có 29 ngày. Ngoài ra, các năm cuối thế kỷ (tất nhiên chia hết cho 4) nếu không chia hết cho 400 thì không nhuận, chẳng hạn các năm 1700, 1800, 1900, 2100 không nhuận. Thí dụ: Lịch dương, các năm sau đây có nhuận: ...1996, 2000, 2004, 2008,...

Lịch âm - dương chú trọng vào tháng sao cho các ngày đầu tháng luôn không có trăng; có 2 loại tháng: Tháng thiếu có 29 ngày, tháng đủ có 30 ngày; thường số tháng đủ nhiều hơn số tháng thiếu một chút. Thường thì, một năm có 12 tháng, nên có 354 hay 355 ngày, ngắn hơn năm thời tiết khoảng 11 ngày. Để bù lại sự thiếu hụt đó, cứ cách khoảng 30-32 tháng, người ta phải thêm 1 tháng thứ 13, gọi là tháng nhuận theo một quy tắc chặt chẽ. Năm có tháng này gọi là năm nhuận, có độ dài 383, hay 384, hay 385 ngày.

Năm Bính Tuất này là năm âm nhuận và vào tháng bảy, tức là có 2 tháng bảy, tháng bảy thường có 30 ngày (đủ), tháng bảy sau là nhuận, có 29 ngày (thiếu).

Thí dụ: Các năm sau đây nhuận: ...Mậu Dần (1998) nhuận tháng năm; Tân Tỵ (2001) nhuận tháng tư; Giáp Thân (2004) nhuận tháng hai; Bính Tuất (2006) nhuận tháng bảy; Kỷ Sửu (2009) nhuận tháng năm...

Có thể có những năm cả hai lịch đều nhuận, như năm 2004 - Giáp Thân.

Năm Bính Tuất, lịch âm của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau, do mặt trời "đi tới" Bắc Kinh trước Hà Nội khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vậy nên, một ngày bắt đầu ở Trung Quốc trước Việt Nam 1 giờ. Về lịch, tuy ta và Trung Quốc chỉ lệch nhau 1 giờ, nhưng sẽ có lúc khác nhau 1 ngày, có lúc khác nhau 1 tháng, có lúc khác nhau 1 năm. Vì thế có những năm lịch hai nước khác hẳn nhau.

Năm Bính Tuất (2006) này, lịch âm của hai nước khác nhau nhiều: Lịch Việt Nam có tháng năm thiếu, tháng sáu đủ, tháng chạp thiếu và tháng giêng năm sau - tức năm Đinh Hợi (2007) - đủ. Lịch Trung Quốc có tháng năm đủ, tháng sáu thiếu, tháng chạp đủ và tháng giêng năm sau thiếu. Việc này còn dẫn đến 2 điều: Một là, các ngày trong cả tháng sáu của hai nước khác nhau. Hai là, ta sẽ ăn Tết Đinh Hợi (2007) trước Trung Quốc 1 ngày: Tết ta vào ngày 17.2.2007, Tết Trung Quốc vào ngày 18.2.2007.

Mấy năm nay, việc quản lý và xuất bản lịch bị buông lỏng, lịch Trung Quốc được dịch ra và in bán tràn lan, thậm chí có người chép lịch Trung Quốc, rồi tự nhận mình là tác giả. Chúng tôi đã thấy có những lịch do các cơ quan, hay các doanh nghiệp in ra để tự giới thiệu hay quảng bá thương hiệu của mình đã lấy nhầm lịch từ các cuốn lịch đó, nên bị sai.

Tuy nhiên, có thể mới chỉ sai ở giữa năm, còn ngày Tết khác nhau thì chưa in trên các lịch này, vì nó rơi vào tháng 2 năm 2007. Vậy nên, người dùng lịch này phải hết sức chú ý sự khác nhau này, kẻo bị nhầm; đặc biệt, các cơ quan, các doanh nghiệp cần chú ý khi in lịch năm tới, kẻo lại in sai.

Tôi xin giới thiệu một số cuốn lịch của các tác giả sau: Nguyễn Mậu Tùng, Lê Thành Lân, Nguyễn Văn Chung, Trần Tiến Bình (cuốn này mới in, có lịch Việt Nam cả thế kỷ XXI) đã in đúng lịch Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.