<A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=4247&amp;ChannelID=2">Hội chứng cổng điện tử, website ở địa phương, bộ ngành</A>

Vì sao người dân chưa được hưởng lợi ?

Vì sao người dân chưa được hưởng lợi ?
Các chuyên gia và nhiều nhà quản lý cho rằng, người dân hầu như không được hưởng lợi gì từ việc xây dựng cổng điện tử, website ở các địa phương, bộ ngành.
Vì sao người dân chưa được hưởng lợi ? ảnh 1

Website của tỉnh Hà Nam

Ngoài việc chưa có xã hội điện tử, một nguyên nhân khiến cổng, website hoạt động kém hiệu quả là chúng chưa hướng đến lợi ích sát sườn của người dân.

Chưa có xã hội điện tử…

“Đến các địa phương, chúng tôi được người dân trả lời rằng họ chỉ biết cổng làng thôi chứ cổng thông tin của tỉnh thì chịu. Ngay cả với người dân thành phố lớn tình hình cũng chẳng khá hơn. Điều này cho thấy người dân hầu như chưa được hưởng lợi gì từ phong trào dựng cổng và website” – ông Lương Cao Sơn, Thư ký Ban đề án 112 bức xúc khi nói về hiệu quả của cổng, web ở các địa phương.

Theo ông Vũ Đình Khang – Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng, sở dĩ có tình trạng này là vì chúng ta chưa có một xã hội điện tử. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (Vnnic), tính đến đầu tháng 3/2005, tỷ lệ dân số Việt Nam sử dụng Internet mới chỉ dừng ở con số 7,9%, tương đương với 6,5 triệu người. Theo đánh giá, tỷ lệ này ở mức trung bình của châu Á. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng CNTT cũng chưa đủ mạnh.

Ông Khang cho rằng nếu không có người dân tham gia vào chính phủ điện tử thì bản thân quá trình chính phủ điện tử mới chỉ dừng ở mức ứng dụng CNTT để hiện đại hoá công tác văn phòng mà thôi.

“Cơ quan chức năng của thành phố thực hiện khai báo hộ khẩu trên mạng nhưng người dân không biết đến máy tính thì triển khai thế nào. Doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập hoặc kinh doanh qua mạng nhưng lại không đủ trình độ tin học thì làm sao tham gia vào quá trình này được” – Ông Khang nói.

Tuy nhiên, một nguyên nhân không kém phần quan trọng, theo TS Mai Anh – Uỷ viên Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội, là mô hình website và cổng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sát sườn của người dân, trong đó có nhu cầu giao tiếp giữa công dân và nhà nước.

Hiện mới chỉ có rất ít cổng giao tiếp điện tử và website làm được điều này. Theo kinh nghiệm của Hải Phòng, website của địa phương này được đánh giá là khá hiệu quả bởi từ khi khai trương website đã có địa chỉ thư điện tử của Chủ tịch UBND thành phố, hộp thư công dân của HĐND để người dân có thể trực tiếp đặt câu hỏi với lãnh đạo, có diễn đàn cho mọi người cùng trao đổi…

Để tăng tính cuốn hút người dân tham gia vào các hoạt động công quyền, ông Hồng đưa ra đề xuất rất mới mẻ: tổ chức đối thoại trực tiếp (online) giữa người dân và lãnh đạo các cấp trên web, cổng. “Đây sẽ là điểm đột phá của phương tiện truyền thông và phục vụ người dân” - Ông Hồng khẳng định. Ngoài ra, theo ông Lương Cao Sơn, các web, cổng cần quan tâm đến những vấn đề tưởng như rất nhỏ nhưng lại thiết thực của người dân, chẳng hạn điểm thi đại học của học sinh…

…Và một hành lang pháp lý

Theo ông Vũ Ngọc Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, người dân và doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ việc xây cổng, website là vì còn thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ cho giao dịch qua mạng. Do chưa bị cơ sở pháp lý bắt buộc phải khai báo điện tử nên các doanh nghiệp “‘thích thì làm, không thích thì thôi’”.

Dù được triển khai từ cuối năm 2002 nhưng tới nay việc áp dụng khai báo điện tử mới được triển khai tại 6 Cục Hải quan gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương.

“Vấn đề hiện nay là phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, luật Giao dịch điện tử và Chứng thực điện tử cần sớm được ban hành thì doanh nghiệp mới thật sự được hưởng lợi từ dịch vụ khai báo hải quan điện tử” – bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Tổng GĐ Cty tiếp vận Thăng Long, đơn vị kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá và khai báo Hải quan thuê cho các doanh nghiệp tại KCN Thăng Long, nói.

Theo bà Hà, việc thông quan qua hệ thống điện tử sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề thời gian. Kết quả chứng minh rằng, thời gian làm thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng xuất nhập khẩu giảm từ 30-50% so với hình thức cũ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thanh khoản hợp đồng gia công một cách nhanh chóng và chính xác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể tham khảo được các thông tin về phía hải quan như thông tin nợ thuế, chế độ, thủ tục hải quan mới nhất… để chủ động trong việc làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một thực tế là doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc khai báo hải quan điện tử bởi khâu kiểm tra hồ sơ, chứng từ vẫn phải áp dụng song song. Doanh nghiệp dù đã khai báo hải quan qua hệ thống điện tử nhưng vẫn phải mang hồ sơ đến đối chiếu.

“Với khối lượng hàng hoá giao nhận ngày càng lớn như hiện nay, tôi e đến lúc chẳng còn nơi mà lưu hồ sơ giấy tờ nữa” – Bà Hà phàn nàn – “Dù đã đầu tư cho hệ thống khai báo điện tử rất mạnh, nhưng chưa có hành lang pháp lý thì hệ thống mạnh đến mấy cũng khó có thể phát huy hiệu quả được.”

Liên quan đến những dịch vụ đăng ký trực tuyến trên www.hanoi.gov.vn TS Nguyễn Mạnh Dũng – GĐ Sở BC&VT Hà Nội cho biết nhiều sở, ban ngành của thành phố đang rất muốn có dịch vụ đăng ký trực tuyến để giảm bớt thủ tục và thời gian cho người dân. Hiện Sở KH&ĐT đang triển khai thí điểm đăng ký trực tuyến.

Các mẫu đơn đăng ký thành lập công ty được đưa lên cổng www.hapi.gov.vn của Sở, các doanh nghiệp chỉ cần điền theo mẫu này và gửi đến Sở KH&ĐT qua mạng. Tuy nhiên, những đơn này mới chỉ được xem là thông tin tham khảo bởi chưa được thừa nhận về mặt pháp lý. Doanh nghiệp vẫn phải mang hồ sơ, giấy tờ đến Sở để giải quyết.  

Ông Lương Cao Sơn – Thư ký Ban đề án 112:

Chỉ đạo CNTT cần tập trung về một đầu mối

Rõ ràng đang có tình trạng nơi này xây cổng điện tử, website thì nơi kia cũng phải xây cho bằng được. Quan điểm của chúng tôi là mỗi ngành, mỗi địa phương phải xây dựng được cơ sở dữ liệu và các chương trình ứng dụng thật tốt, sau đó rồi mới làm cổng.

Ban đề án 112 đang nghiên cứu và sẽ đưa ra quy định và tiêu chuẩn cho việc xây cổng, website ở các địa phương, bộ ngành trong thời gian sớm nhất.

Một vấn đề nữa rất đáng xem xét là hiện nay có quá nhiều đầu mối chỉ đạo về ứng dụng và phát triển CNTT. Ngoài ban 112 còn có Ban Chỉ đạo CNTT quốc gia (Ban 58), chương trình tin học hoá ngành tài chính của Bộ Tài chính…

Theo tôi mỗi lĩnh vực cụ thể cần tập trung về một đầu mối để tiết kiệm tiền bạc, nhân lực, tránh lãng phí trong việc xây dựng website, cổng điện tử tràn lan như hiện nay.

Ngoài ra, chúng tôi rất mong muốn Luật giao dịch điện tử sẽ sớm được Quốc hội thông qua để tạo điều kiện thực hiện các giao dịch trực tuyến.

MỚI - NÓNG