Vì sao vẫn chọn mua vaccine cúm gà Trung Quốc?

Vì sao vẫn chọn mua vaccine cúm gà Trung Quốc?
TP - Hiện các cơ sở gia cầm có vốn đầu tư nước ngoài cũng như các trại chăn nuôi lớn vẫn nhập trực tiếp vaccine chứ không qua nguồn cung cấp của cơ quan Chính phủ.
Vì sao vẫn chọn mua vaccine cúm gà Trung Quốc? ảnh 1
Tiêm vaccine cho đàn gia cầm tại tỉnh Nam Định

Tuy nhiên, có dấu hiệu một số cơ sở nhập và dùng thử một số loại vaccine không thuộc loại vaccine Trung Quốc mà ngành thú y đang cho sử dụng phổ biến hiện nay.

Theo một chuyên gia thú y, dùng nhiều loại vaccine cùng trên một địa bàn là điều chúng ta chưa có kinh nghiệm về ảnh hưởng dịch tễ. Để tránh những rủi ro chưa biết trước, chuyên gia khuyên, tốt nhất chỉ nên dùng loại vaccine đã được ngành thú y kiểm chứng và được chứng minh qua đợt tiêm phòng đầu tiên vừa qua.

Thị trường Việt Nam hiện nay dùng nhiều loại vaccine cúm gà khác nhau song tuyệt đại đa số vẫn là của Trung Quốc. Có thể kể đến loại vaccine H5N2 của Trung Quốc và Hà Lan dùng để tiêm cho gà và vaccine H5N1 của Trung Quốc tiêm cho vịt.

Vaccine H5N1 vô hoạt (tức vaccine chế tạo từ virus đã chết) của Trung Quốc chỉ dùng để phòng bệnh cúm cho vịt do chủng virus H5N1 gây ra. Loại vaccine này chỉ có một nơi duy nhất trên thế giới sản xuất là Viện Thú y Habin, tỉnh Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc nên vấn đề nhập từ đâu không cần phải đặt ra.

Theo PGS.TS Lê Văn Tạo, Phó Viện trưởng Viện Thú y Quốc gia (NIVR), rất may là vaccine duy nhất này qua hai lần thử nghiệm đều cho đáp ứng miễn dịch tốt trên vịt ta.

Chọn vaccine cho gà phức tạp hơn. Nên mua loại nào phát huy hiệu quả nhất đối với chủng H5N1 ở Việt Nam vốn có độc lực thuộc dạng cao nhất thế giới?

Đầu tiên các nhà khoa học nhắm vào loại vaccine vô hoạt của hãng Intervet của Hà Lan. Hãng có vaccine H5 và H9 đang dùng ở nhiều nước với kết quả tốt. Song nhược điểm nhỡn tiền đầu tiên có lẽ là giá cả, trên 600 đồng/liều.

Nhóm thứ hai là vaccine vô hoạt của Trung Quốc nơi có khá nhiều địa chỉ sản xuất như Viện Vaccine cúm gà Cáp Nhĩ Tân, TP Hắc Long Giang, Cty Sản xuất Vaccine cúm gà, Viện Nghiên cứu thú y Habin, v.v..., với giá rẻ hơn nhiều. Hơn thế, chủng virus H5N1 lưu hành ở Trung Quốc khá gần với chủng ở Việt Nam.

Loại thứ ba là vaccine sống nhược độc Merial do Viphavet của Việt Nam nhập. Giới khoa học cho rằng vaccine này hiệu quả hơn nhiều so với vaccine vô hoạt.

Khác với vaccine vô hoạt, vaccine sống nhược độc được chế tạo từ virus còn sống và hiệu quả tạo kháng thể tốt hơn loại vaccine vô hoạt. Virus còn sống đó được “tra tấn” cho đến đủ yếu nhưng không được chết để vẫn đủ khả năng giúp cơ thể của đối tượng được tiêm sản sinh ra đáp ứng miễn dịch, chống lại bệnh do virus gây ra.

Điều đáng chú ý là virus nhược độc không phải là H5N1 mà là virus thủy đậu. Các nhà khoa học không dám dùng virus H5N1 còn sống mà chỉ lấy một đoạn gene quan trọng nhất của nó rồi gắn vào gene virus đậu gà.

Như vậy nhược độc sống chính là virus đậu gà. Vì thế, nó có ưu điểm giúp phòng chống hai bệnh cùng một lúc là cúm gà và đậu gà.

Song đấy cũng chính là nhược điểm của vaccine này. Do được gắn trên virus đậu, muốn phát huy hiệu quả của đoạn gene virus cúm gà, trước hết virus đậu gà phải phát huy tác dụng đã.

Điều đó có nghĩa nếu cơ thể con gà đã có kháng thể virus đậu gà hay, nói nôm na, từng mắc bệnh đậu gà và qua khỏi, virus đậu gà trong vaccine sống nhược độc kia sẽ không phát huy tác dụng. Kết quả là toàn bộ vaccine không phát huy tác dụng.

Thành thử, hiệu quả của việc tiêm vaccine Merial khá phập phù. Những con gà đã có kháng thể virus đậu khi được tiêm vaccine này sẽ không có tác dụng.

Hiện nay một số cơ sở vẫn dùng vaccine Merial để tiêm cho gà. NIVR khuyến cáo, tốt nhất chỉ tiêm vaccine này cho gà một ngày tuổi vốn chưa mắc bệnh đậu gà.

Dùng nhiều loại vaccine để công thành cùng một lúc như Indonesia từng làm không được hoan nghênh. Nhất là khi tình hình dịch bệnh ở Indonesia đang tái phát với diễn biến phức tạp, có tới 13 người tử vong tại nước này do H5N1, trong đó đa số là vào thời điểm sau khi Indonesia hoàn thành tiêm vaccine cho gia cầm. Vậy phải dùng loại nào?

Cho đến thời điểm này, chúng ta chủ yếu nhập vaccine của Trung Quốc và các nhà khoa học quyết định chỉ dùng vaccine của Viện Nghiên cứu thú y Habin, Cáp Nhĩ Tân.

Đợt tiêm vaccine cúm gia cầm lớn nhất từ trước đến nay đã qua chặng đầu sau năm tháng tiêm và DAH cho rằng chưa ghi nhận biến chứng xấu nào. Tuy nhiên, một nhà khoa học ở Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam cảnh báo  chớ vội mừng.  

- Quan chức Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cho biết MARD vừa hoàn tất hợp đồng mua vaccine Trung Quốc đợt tiếp theo. Trước đó, đại đa số trong tổng 340 triệu liều tiêm cho 236 lượt gia cầm đều của Trung Quốc. Đợt nhập sắp tới 150 triệu liều trị giá một triệu USD cũng vẫn của Trung Quốc.

- Mặc dù coi tiêm vaccine chỉ là biện pháp cuối cùng trong phòng chống dịch cúm gia cầm, các chuyên gia dịch tễ thú y vẫn lo ngại thành quả tiêm vaccine đợt đầu có nguy cơ đổ vỡ nếu không đảm bảo khép kín khâu tiêm phòng giai đoạn tới.

“Với số lượng gia cầm mới sinh sau mỗi tháng tăng hàng chục triệu con, nếu không tuân thủ đưa tiêm phòng vaccine theo đúng lịch trình - gà bắt đầu từ tám ngày tuổi trở đi và vịt từ hai tuần tuổi trở đi – hàng rào chống lây lan dịch bằng vaccine có nguy cơ trở nên vô hiệu”, PGS.TS Lê Văn Tạo, Phó Viện trưởng Viện Thú y Quốc gia, nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.