Việt Nam - Điểm sáng mới trên bản đồ IT toàn cầu

Việt Nam - Điểm sáng mới trên bản đồ IT toàn cầu
TP - Sau nhiều năm cố bắt kịp các cường quốc công nghệ thông tin (IT) của châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc... cuối cùng Việt Nam cũng tìm được một vị trí trong bản đồ IT của thế giới.

Lực lượng lao động trẻ, trình độ cao đang đổ xô theo những người đi tiên phong (hầu hết có thu nhập cao ở Thung lũng Silicon, Mỹ) để đầu tư vào ngành IT non trẻ của quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện đã có khoảng 100 Cty phần mềm với quy mô nhỏ nhất là 50 nhân viên ở TP. HCM và khoảng 200 Cty trên khắp đất nước.

Theo Hiệp hội máy tính TP. HCM, nền công nghiệp phần mềm non trẻ này mới chỉ có 7.000 lao động năm 2002, nay đã lên tới 32.000 người.

Tập đoàn Intel vừa đầu tư 300 triệu USD và Chủ tịch Microsoft Bill Gates thăm Việt Nam trong tuần này. Albert Pang, nhà phân tích của tập đoàn IDC, nhận định: “Việt Nam, Philippines, Bangladesh là những quốc gia đang bùng nổ với lực lượng lao động trẻ, tài năng.

Hãy cho họ thời gian, chúng ta sẽ được thấy kết quả to lớn”. Theo ông Pang, sự phát triển như của Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều lao động đến từ Thung lũng Silicon và ngược lại cũng giúp các Cty IT ở nước này vươn ra toàn cầu.

Nhiều Việt kiều trở về

Việt Nam, cũng giống như ấn Độ, Trung Quốc, luôn chào đón kiều bào làm việc trong Thung lũng Silicon trở về quê hương đầu tư, thành lập Cty và trở thành cầu nối giữa hai nền văn hóa.

Alex Pasikowski, Giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capitol cho biết, các doanh nhân Việt kiều đầu tư vào mọi lĩnh vực và không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn.

Thinh Nguyễn, cha đẻ tập đoàn Pyramid Software Development (Mỹ) mở chi nhánh phần mềm ở Việt Nam với khoảng 70 kỹ sư, bày tỏ: “Tôi tin vào tiềm năng to lớn của đất nước tôi”.

Thinh Nguyễn giải thích: “Tại Ấn Độ, bạn sẽ không được ai để ý nếu khởi đầu với một hợp đồng nhỏ. Tuy nhiên ở đây nếu bạn có một hợp đồng nhỏ với 20, 40 người vẫn nhận được sự tôn trọng”.

Thuận lợi và hạn chế

Một kỹ sư phần mềm ở Việt Nam kiếm được từ 3.500 USD đến 13.000 USD/năm, tại ấn Độ là 7.000 – 30.000, Thung lũng Silicon là 79.000 – 125.000.

Tuy nhiên, nhiều kỹ sư phần mềm trẻ, tài năng vẫn đổ xô tới Việt Nam vì ở đây chi phí cuộc sống thấp. Kevin Nguyễn làm việc cho Global CyberSoft (Mỹ), giải thích thêm: “Việt Nam rất an toàn, không có khủng bố”.

Theo nhà phân tích Pang, một số Cty Mỹ không muốn công bố rộng rãi việc đang làm ăn ở Việt Nam vì e ngại những chuyện trong quá khứ chiến tranh giữa hai nước.

Thêm vào đó, không ít ông chủ phàn nàn về cơ sở hạ tầng, luật pháp, cơ cấu hành chính quan liêu và thậm chí cả hệ thống giáo dục... chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển cũng như việc bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành IT.

Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trở ngại lớn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực IT...

Những hạn chế này sẽ sớm được khắc phục khi Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng nền công nghiệp phần mềm với nhiều chính sách ưu tiên.

Việc Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch chống tham nhũng gần đây và sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho ngành IT phát triển.  

T.Đ
Lược dịch từ Mercury News

MỚI - NÓNG