Vinasat chuẩn bị đến “giờ G”

Vinasat chuẩn bị đến “giờ G”
Lí do khiến Vinasat phải rời ngày phóng từ 29/3 sang 10/4 được VNPT cho biết là do vệ tinh ATV, vệ tinh được phóng trước Vinasat, bị phóng chậm hơn so với dự kiến khiến Vinasat cũng bị chậm theo.

Tập đoàn Bưu chính, viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa có báo cáo về tình hình triển khai dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (Vinasat).

Khai thác Vinasat đúng kế hoạch

Theo đó, đến nay, quá trình sản xuất vệ tinh Vinasat đã kết thúc giai đoạn tích hợp, lắp ráp và đang tiến hành các bước đo thử cuối cùng ở cấp hệ thống. Dự kiến ngày 29-2 sẽ hoàn thành việc sản xuất và chuyển ra bãi phóng để tích hợp vào tên lửa trong ngày 6-3.

Nhằm giảm thiểu rủi ro của quá trình phóng vệ tinh, việc gia hạn hiệu lực của hồ sơ vệ tinh cũng đã được chấp thuận và trong trường hợp vệ tinh bị phóng hỏng hoặc phóng trễ thì hồ sơ sẽ được gia hạn.

Trong khi đó, các trạm điều khiển vệ tinh cũng đang trong quá trình hoàn tất. Dự kiến trong tháng 2 sẽ bàn giao hai trạm mắt đất Quế Dương và Bình Dương cho VNPT.

Một nửa dung lượng vệ tinh đã được đăng ký

Để chuẩn bị cho việc kinh doanh, khai thác vệ tinh Vinasat hiệu quả, VNPT cho biết đã xúc tiến, làm việc với 16 khách hàng trong nước gồm các đài truyền hình trung ương, địa phương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Vinasat chuẩn bị đến “giờ G” ảnh 1

Ăngten thu sóng vệ tinh tại Trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương - Ảnh: K.H

Đến nay VNPT đã ký thỏa thuận ghi nhớ với các đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình TP.HCM, Truyền hình kỹ thuật số VTC.

Tổng dung lượng các đài này đăng ký sử dụng chiếm một nửa tổng dung lượng của vệ tinh Vinasat.

Ngoài ra, VNPT cũng đã xúc tiến, làm việc với các đối tác nước ngoài để hợp tác kinh doanh Vinasat.

Theo đó, VNPT đã ký một hợp đồng đào tạo với hãng khai thác vệ tinh SES Astra (Luxembourg), một biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, trao đổi lưu lượng với hãng khai thác vệ tinh ABS (Hong Kong) và một biên bản ghi nhớ với tập đoàn Universal Telecom Services (Mỹ) về việc làm đại lí bán lại băng tần vệ tinh Vinasat.

Truyền hình trực tiếp buổi phóng vệ tinh

Do là lần đầu tiên Việt Nam có vệ tinh, VNPT đang lên một kế hoạch chi tiết về buổi phóng vệ tinh.

Sáng 19-2, tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo quốc gia dự án Vinasat, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cần đàm phán thống nhất với các đối tác nước ngoài để phóng vệ tinh thành công; xây dựng cơ chế tài chính ưu đãi cho các khách hàng khi họ chuyển sang sử dụng vệ tinh Vinasat; tiến hành bảo hành vệ tinh sau khi phóng.

Ngoài một đoàn tham dự, chứng kiến trực tiếp việc phóng Vinasat tại bãi phóng Kourou (French Guyana, Nam Mỹ), một buổi truyền hình trực tiếp sự kiện này cũng sẽ được thực hiện trên sóng VTV vào lúc 5g30 ngày 10-4.

Buổi truyền hình trực tiếp được thực hiện với hai đầu cầu là bãi phóng Kourou và Trung tâm hội nghị quốc gia.

Ngay sau buổi truyền hình trực tiếp, lễ công bố chính thức việc phóng thành công vệ tinh sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia để thông báo các thông tin liên quan đến người dân.

Một đầu thu cho các chương trình qua Vinasat

Cùng với việc báo cáo tình hình triển khai dự án, VNPT đã kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia dự án Vinasat xem xét và định hướng đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tiếp tới các hộ gia đình qua vệ tinh (DTH) xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ trên cùng một nền tảng công nghệ thống nhất cho việc quản lí và hợp chuẩn thiết bị lưu hành.

Việc này sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng là chỉ với một đầu thu duy nhất có thể thu được các chương trình của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ qua Vinasat.

VNPT cũng kiến nghị tiếp tục thành lập Ban Điều hành về việc triển khai trương trình ứng dụng thông tin vào hoạt động của các cơ quan bộ, ngành sau khi Vinasat phóng thành công và hoạt động ổn định trên quĩ đạo.

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp: Sẽ có vệ tinh thứ hai

"Sau khi phóng thành công vệ tinh Vinasat, tôi tin sẽ có nhiều đơn vị có nhu cầu sử dụng và điều đó sẽ khuyến khích cho việc phóng quả vệ tinh thứ hai của Việt Nam.

Trung Quốc, Mỹ có rất nhiều vệ tinh trong khi đây mới chỉ là vệ tinh đầu tiên của Việt Nam.

Khi có vệ tinh thì sẽ đáp ứng được tất cả nhu cầu của các lĩnh vực như phát thanh, truyền hình… và sẽ mở ra triển vọng phát triển cao hơn".

Theo Khiết Hưng
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG