Vợ chồng kỹ sư “gàn” và “cuộc cách mạng” cho cây ngô

Vợ chồng kỹ sư “gàn” và “cuộc cách mạng” cho cây ngô
Các “cao thủ” trong làng khoa học Việt Nam đều thừa nhận công trình của hai vợ chồng nhà khoa học gốc Hà Nội Chu Văn Tiệp - Trịnh Thị Thanh về cây ngô “thực sự độc đáo và hứa hẹn”.

Một sự thật có phần cay đắng là khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam trong gần 20 năm thực hiện đổi mới chậm đến mức, hễ nói đến việc Việt Nam đạt được thành tựu nào lớn, ai cũng nghĩ chắc đa phần là… tuyên truyền.

Không biết có phải đề phòng sự khắt khe ấy của dư luận mà Ban tổ chức Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo KHKT Việt Nam (VIFOTEC) quyết định chỉ trao giải khuyến khích cho chủ đề tài mặc dù phần nhận xét vẫn ghi “Lần đầu tiên trên thế giới, hai tác giả phát hiện và chứng minh rằng...”.

Quỹ VIFOTEC vừa tròn 10 năm tuổi vẫn hết sức thận trọng, mặc dù những ai sau khi xem kết quả trình diễn trên 10 ha của công trình ấp ủ 24 năm gần như “không còn gì để nói nữa”.

Ý tưởng từ thời sinh viên

KS Chu Văn Tiệp nhớ lại, ý tưởng đầu tiên về phương pháp trồng ngô mới chưa từng có trên thế giới bắt đầu từ hồi ông còn là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I hơn 30 năm trước. Thời ấy, sinh viên thường thực tập từ những vấn đề của cuộc sống. Chẳng hạn làm thế nào tăng năng suất cây trồng vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đề tài thực tập tương ứng là tìm cách nâng cao mật độ cây lương thực trên diện tích đất có hạn.

Mày mò thế nào, anh sinh viên quê xã Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện lá ngô có đặc tính khác hẳn các cây lương thực khác. Phát hiện ấy không ngờ lại giúp anh và vợ chứng minh được rằng chỉ cần thay đổi cách gieo trồng có thể khiến năng suất ngô toàn quốc tăng thêm 3 tấn/ha trong vòng 5 - 7 năm, tạo thêm 4000 - 5000 tỷ đồng lợi nhuận/năm theo thời giá hiện hành.

Các chuyên gia nông học cho chứng minh ấy là “khủng khiếp” vì, để tăng năng suất ngô lên thêm 2 tấn/ha, thế giới mất 40 - 50 năm làm cuộc cách mạng xanh về giống. Còn tại Việt Nam, để tăng năng suất ngô thêm 1,5 tấn/ha (từ 2 tấn/ha lên 3,5 tấn/ha), các viện khoa học mất đứt 25 năm, từ năm 1980 đến 2004.

Giải phóng miền Nam, KS Tiệp được điều “vào trỏng” và đấy cũng là lúc anh mang ý tưởng ra thử nghiệm. Tại nông trường Sông Ray thuộc tỉnh Đồng Nai, khi nghe trình bày, các kỹ sư cho đấy là “ý tưởng của kẻ điên”.

Mới đây, vợ chồng nhà khoa học mang một phần trong 5 triệu đồng tiền thưởng do quỹ VIFOTEC trao đợt tháng 3/2005 ra đãi bạn bè. Anh Hưng, một trong các kỹ sư thời ấy hiện đang làm tại Bộ NN&PTNT, ngậm ngùi: “Mình không ngờ anh chị ấy kiên trì đến vậy. Giờ thì mình tin rồi”.

Lần đầu tiên trên thế giới?

Do thấy con đường tạo giống khó tạo ra đột phá mới, KS Tiệp và sau này có thêm vợ là cán bộ trung cấp lâm sinh Trịnh Thị Thanh chú ý vào vấn đề mật độ cây trồng được gợi mở từ thời sinh viên.

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng: “Anh Tiệp là bằng chứng cho thấy Việt Nam có không ít người đạt tầm thế giới”.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính: “Tất cả các điều kiện khắt khe như tính mới, tính sáng tạo, tính thực tiễn..., đề tài của vợ chồng anh Tiệp đều vượt qua. Song chúng tôi chỉ trao giải khuyến khích là vì cái này “động trời” quá”.

Hệ thống kỹ thuật gieo trồng ngô xưa nay chưa phù hợp với đặc tính thực vật có tán lá dẹt. Sự chưa phù hợp ấy tồn tại nhiều ngàn năm là do chưa mấy ai thấy có một quy luật của cái gọi là “mặt phẳng tán lá tương lai” và “mặt phẳng tán lá tương lai trong giai đoạn phôi”. Đó là lý do cơ bản khiến các nhà khoa học cũng như nông dân không sao vượt được ngưỡng mật độ trồng ngô 5 - 7 cây/m2.

Để lá ngô thẳng hàng và hướng về phía mặt trời là phát hiện độc đáo của đề tài. Nhưng bí quyết là ở chỗ, làm thế nào để bắt các lá cây ngô xếp thẳng hàng như “vệ binh quốc gia” một cách dễ dàng và trên diện rộng, để có thể tăng mật độ cây vượt qua giới hạn 7 - 8 cây/m2 lên 10 - 15 cây/m2, rút khoảng cách giữa các cá thể xuống còn 10 - 15cm so với 20 - 35cm như lâu nay.

Hai vợ chồng KS Tiệp dành 20 năm sung sức nhất đời người để đến năm 1998 xin đăng ký độc quyền sáng chế lý thuyết mới, công nghệ mới mang tên “Phương pháp trồng ngô mật độ cao”. 4 năm sau, công trình của họ mới được cấp bằng do phải chờ kiểm chứng kết quả thực địa và cả việc xem đã có ai trên thế giới làm chưa.

Có “bằng chứng” trong tay, 2 năm tiếp sau, họ được Cục Sở hữu Công nghiệp (nay là Cục Sở hữu Trí tuệ) giới thiệu làm việc với lãnh đạo sở KH&CN tỉnh thuần nông Hải Dương để trồng thử vụ Xuân trên diện tích 600 m2.

Thành công bất ngờ, Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương đề xuất trồng trên 10 ha vụ Đông Xuân cùng năm. Đề xuất này là chưa từng có trong lịch sử tỉnh này nếu biết công trình là hoàn toàn bằng vốn tự có của cặp vợ chồng cô độc trong khoa học.

Đã thế, họ lại đề cập một vấn đề quá lớn, đụng chạm đến hàng trăm “cây đa cây đề”. Lại thành công, các huyện trong tỉnh hớn hở đăng ký trồng thử trên 1000 ha cho vụ Đông năm 2005. Bộ NN&PTNT không thể đứng ngoài cuộc mãi, cấp cho họ giấy phép trồng 1 ha trên tỉnh miền núi Sơn La với kết quả khích lệ không kém.

Quỹ VIFOTEC gồm toàn những “đa, đề” quyết định trao ngay một giải cho công trình dù họ khăng khăng còn phải kiểm chứng nhiều. Đây lại có thể xem là ngoại lệ nữa vì VIFOTEC chưa bao giờ có sự châm chước như thế, nhất là đối với Sinh học - Lĩnh vực cực khó tìm ra cái mới trong hoàn cảnh Việt Nam.

Tại chợ KH&CN Nghệ An (Techmart Nghệ An) giữa tháng 5/2005 tổ chức ở TP Vinh, lãnh đạo 8 tỉnh Bắc Trung Bộ làm ngay bản ghi nhớ muốn tiếp nhận công nghệ lần đầu tiên nghe nói đến.

Niềm đam mê có thể giúp người ta vượt qua mọi quẫn bách. Chị Thanh nghỉ hưu ở tuổi 42 để kiếm tiền cho đề tài. Hàng chục năm trời, chị trở thành người bán tạp hoá và kết hợp làm dịch vụ nhà đất ở Hà Nội.

Lời lãi bao nhiêu chị ném hết vào đề tài cây ngô. Mỗi lần thử nghiệm là mỗi lần chi một khoản tiền lớn đối với gia đình. Một chiếc xe máy phải ra hiệu cầm đồ để có tiền trả công cho mấy hộ nông dân thông cảm cho mượn đất trồng ngô, chăm sóc hộ, và hứa giữ bí mật. Không ít người đã cho rằng vợ chồng chị gàn dở.

GS Chu Tuấn Nhạ - Chủ tịch Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia - đề nghị “đầu tư mạnh cho đề tài của KS Tiệp. Các công trình giải thấp nhiều khi có ý nghĩa hơn công trình giải nhì, thậm chí giải nhất”. Thậm chí, theo ông, hoàn toàn có thể nâng cấp đề tài cá nhân này thành một đề tài cấp Quốc gia. Nhiều người bắt đầu nghĩ, một cuộc cách mạng xanh ở cây ngô đầu thế kỷ 21 có thể khởi phát từ Việt Nam với nhiều chữ “nếu”.

MỚI - NÓNG