Vườn rau không chạm đất

Vườn rau không chạm đất
Những cây xà lách to như bắp cải lơ lửng giữa trời và lần đầu tiên, nông dân có thể canh tác từ 4 đến 11 vụ mỗi năm thay vì chỉ hai vụ như nghìn đời nay.

Hành trình công nghệ

Trong một ngõ nhỏ sát trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), có một ngôi nhà chăng hàng rào kẽm gai như lô cốt. Cửa nhà lại được bao kín bởi lưới thép, loại lưới kẽm gai rào vườn chống trộm được dân Hà Nội thay thế bằng lồng thép hàn từ lâu.

Chủ nhân của nó, PGS.TS Hồ Hữu An (Khoa Nông học, ĐH Nông nghiệp I, Hà Nội) thường trăn trở vì “làm nghiên cứu bao năm mà lo cọng rau, ngọn lúa cho dân cũng không xong”.

Hơn 30 quy trình trồng rau được các nhà khoa học chuyên ngành góp tay nghiên cứu, vậy mà, theo PGS An, trồng rau trong vùng quy hoạch an toàn thực tế vẫn không thực sự an toàn. Áp dụng các công nghệ cần thiết như nhà lưới, phân bón, thao tác đúng quy trình, điều kiện đất trồng và nước tưới tự nhiên hiện vẫn không đảm bảo.

Bốn yếu tố quyết định chỉ tiêu rau sạch theo tiêu chuẩn hiện nay gồm nồng độ kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, v.v…), hàm lượng nitrat (NO3), hóa chất bảo vệ thực vật, và vi sinh vật gây hại.

Bốn ưu điểm của công nghệ trồng rau sạch không dùng đất:

- Trồng trên các giá thể nên nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng trong đất bị loại.

- Giải phóng sức lao động và trồng được nhiều vụ/năm do không phải thực hiện các công việc cày, bừa, cuốc, xới, bổ hốc, lên luống, làm cỏ, thanh trùng nền trồng, v.v…

- Tưới nước bằng máy tưới nhỏ giọt tự động, cây hút trực tiếp, đúng lưu lượng giúp tiết kiệm nước.

- Khả năng điều chỉnh độ pH và EC chính xác, dễ dàng.

Năm 1998, trong một chuyến công tác nước ngoài, TS An tiếp xúc với công nghệ trồng rau thủy canh hiện đại và quyết tâm “bằng mọi giá phải mang được công nghệ về nước”. Một mình ông thực hiện tất tật, học hỏi công nghệ trồng rau không đất, áp dụng, sử dụng máy móc, và cả xoay xở sống trên đất người.

Về nước cuối năm 2000, hành trang PGS An mang theo là một kho kiến thức mới, những quy trình công nghệ trọn vẹn, thậm chí được Việt hóa ngay từ bên kia cho phù hợp với điều kiện ở nhà. Duy có chiếc máy tưới nước nhỏ giọt, thứ máy mấy ngàn USD, chưa có ở Việt Nam thì phải khuân về.

Cả đời làm khoa học, việc bỏ tiền túi ra nghiên cứu là chuyện thường. Chưa cần biết lỗ lãi thiệt hơn ra sao. TS An tâm sự: “Tôi phải nói dối vợ là máy được tặng. Đến khi thành công rồi mới dám nói thật”.

Mất thêm một năm nữa để đề tài “Trồng rau không dùng đất” được Bộ Khoa học&Công nghệ xét thành đề tài cấp Nhà nước. Đầu năm 2003, ông trúng thầu đề tài và tiến hành nghiên cứu trên bốn đối tượng cà chua, dưa chuột, xà lách và súp lơ.

Tấn công vào “ăn bẩn sống lâu”

Hơn hai năm thử nghiệm, đề tài “Sản xuất rau an toàn bằng công nghệ cao không dùng đất” nghiệm thu vào cuối năm nay, 2005, cho kết quả ban đầu. Những cây xà lách, súp lơ xanh mởn, cà chua dày thịt, đỏ thắm, dưa chuột đặc ruột, da trơn bóng, nhìn thấy thèm.

Sản phẩm thu hoạch mang đi xét nghiệm trên Bộ Khoa học&Công nghệ, 100% đạt tiêu chuẩn. Hàm lượng kim loại như chì, asen, đồng, thủy ngân trong rau hầu hết chưa đến 10% mức cho phép. Các lô sản phẩm đầu tiên được bán thử tại siêu thị, cà chua, dua chuột gửi đến đâu bán hết đến đó, giá từ 7000 -8000đ/kg.

So với cách canh tác thông thường chỉ được 2 vụ/năm, công nghệ mới cho phép nâng lên 4 - 11 vụ/năm. Thế nên chỉ trong mấy ngày hội chợ Techmart ở Hải Phòng, Nghệ An hồi cuối 2004, đầu 2005, hàng chục doanh nghiệp ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ, trị giá lên tới hơn 29 tỉ đồng. Tính sơ bộ, trồng rau theo công nghệ mới này thu lãi từ 20-120% với suất đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho một module 200m2.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.