Xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải tuyệt đối an toàn

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải tuyệt đối an toàn
Hôm nay 14/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật năng lượng nguyên tử. Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc cần phát triển năng lượng nguyên tử, nhưng phải tuyệt đối an toàn. Có ý kiến đề nghị trước khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải trưng cầu dân ý.

>> Nhà máy điện hạt nhân của VN sẽ hoạt động vào 2020

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải tuyệt đối an toàn ảnh 1
Một nhà máy điện hạt nhân tại Pháp

Các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các chương, điều trong Dự án Luật và cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật này là cần thiết, làm cơ sở pháp lý để sử dụng năng lượng nguyên tử vào phát triển kinh tế-xã hội.

Điển hình như điện hạt nhân, hiện là một giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch, mở ra triển vọng cung cấp điện năng bền vững trong khi các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt.

Thảo luận về Dự án Luật này, nhiều đại biểu của Quốc hội nhấn mạnh, cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề như: chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia; công tác quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân trong các nhà máy điện hạt nhân; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; quỹ phát triển năng lượng nguyên tử; vấn đề bồi thường thiệt hại....

Về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, cần quy định thêm chức năng thẩm định về chính sách, quy hoạch để đảm bảo phát triển năng lượng hạt nhân được an toàn...

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội Nguyễn Khắc Nghiên (Phú Thọ), Nguyễn Danh (Gia Lai), Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) cho rằng, Nhà nước cần bảo đảm phát triển năng lượng nguyên tử, nhưng phải tuyệt đối an toàn, xử lý được các sự cố có thể gặp phải do sử dụng năng lượng nguyên tử gây ra.

Bên cạnh sự chủ động của Nhà nước, cần hợp tác tốt với các tổ chức quốc tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối khi sử dụng năng lượng nguyên tử. Đặc biệt, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ lĩnh vực này.

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc) cho rằng, vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác là rất quan trọng. Vì vậy, trong Luật cần quy định rõ hơn về Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.

Sau khi nhà máy điện hạt nhân hoàn thành thì Hội đồng này có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc ra các quyết định có liên quan đến chính sách và các biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử.

Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ trước khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải trưng cầu ý kiến nhân dân và phải được phép; đồng thời phải quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.

Đại biểu Võ Trọng Việt (Sơn La) đề nghị, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Quốc hội cần phải cân nhắc kỹ trên cơ sở đảm bảo quốc phòng - an ninh và cần trưng cầu ý kiến của nhân dân, của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.

Mặt khác, Ban soạn thảo Dự án Luật cần có chính sách phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một số đại biểu khác đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có một chương riêng quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động này.

Về việc quản lý, bồi thường những người bị ảnh hưởng do chất phóng xạ gây ra, đại biểu Võ Trọng Việt (Sơn La) cho rằng, việc bồi thường này không phù hợp với thực tế, bởi những người bị ảnh hưởng chất phóng xạ phải từ 5 đến 10 năm sau mới gây hậu quả, vì vậy khó có thể xác minh được mức độ ảnh hưởng chất phóng xạ đối với con người để có thể bồi thường. Đề nghị Quốc hội cần điều chỉnh Luật cho phù hợp.

Để nâng cao tính khả thi của Luật, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị phải quy định rõ: Nghiêm cấm "gửi" và "cố tình vận chuyển" chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân bằng đường bưu điện, phương tiện giao thông công cộng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật xem xét lại quy định cơ quan an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của nhà máy điện hạt nhân hay chỉ có thẩm quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân...

Sáng mai 15/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường vệ Dự án Luật này.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.