Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm: Chậm như rùa

Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm: Chậm như rùa
TP - Theo kế hoạch, đến hết năm 2005, 17 phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) sẽ đi vào hoạt động. Nhưng đến nay mới ra mắt được hai PTNTĐ.
Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm: Chậm như rùa ảnh 1
PTNTĐ pilot thuộc hệ thống PTNTĐ công nghệ enzyme&protein (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm” trên cơ sở những phòng thí nghiệm đã có.

Kết thúc giai đoạn một của đề án (2000 - 2005), cả nước sẽ có 17 PTNTĐ. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 10 PTNTĐ đi vào hoạt động.

Song, theo ông Lã Văn Chính, chuyên viên Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), trong 10 PTNTĐ đã nghiệm thu, chỉ có 2 phòng hoàn thành năm 2004. Đó là PTNTĐ Công nghệ gene (thuộc Viện Công nghệ Sinh học) và PTNTĐ Vật liệu Polymer&Composite (thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

“Cũng chỉ có hai phòng này thực hiện đúng chức năng của một PTNTĐ. Số còn lại hoạt động không khác gì trước đó, vẫn như một phòng thí nghiệm thông thường”, ông Chính nhận xét.

Bản thân hai phòng này, theo đánh giá, vẫn chưa đưa ra những phát minh, sáng chế hữu dụng nào, vẫn chưa đưa nhanh các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Với tổng số tiền đầu tư cho 17 PTNTĐ trong đề án lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, trung bình mỗi PTNTĐ được đầu tư hơn 66 tỉ đồng.

Cao nhất là PTNTĐ bể thử mô hình tàu thủy, giao trực tiếp cho TCty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, có số vốn đầu tư xấp xỉ 170 tỉ đồng. Còn PTNTĐ công nghệ hàn và xử lý bề mặt có vốn đầu tư nhỏ nhất cũng không dưới 46 tỉ đồng.

Số vốn đầu tư khổng lồ như vậy nhưng chủ yếu chỉ dành cho mua sắm các trang thiết bị “trọng điểm”.

Ông Chính cũng khoe, so với thế giới và các nước trong khu vực, trang thiết bị cho hệ thống PTNTĐ của Việt Nam không thua kém gì, thậm chí còn hiện đại hơn.

Tất cả phải đặt mua đơn chiếc từ nước ngoài với giá rất cao, thậm chí có những chi tiết sản xuất theo đơn đặt hàng. Không biết có phải do trang thiết bị quá hiện đại, khi đưa ra quy định để PTNTĐ hoạt động, Việt Nam cũng chỉ đưa ra quy chế tạm thời vì phải “chờ học tập kinh nghiệm của Trung Quốc”.

Thiết bị ngoại, tư duy nội

Theo đánh giá của Bộ KH&CN, PTNTĐ vật liệu polimer & composite hoạt động có hiệu quả nhất trong số 10 PTNTĐ hiện nay. Tuy nhiên đến nay PTNTĐ vận hành tốt nhất ấy vẫn chưa quyết toán được.

Sang Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam, nơi có tới bốn PTNTĐ, ngoài PTNTĐ Công nghệ gene, chúng tôi không tài nào gặp được người phụ trách những PTNTĐ còn lại. Cũng không thể biết những PTNTĐ đó hoạt động ra sao, vì sao tiến độ triển khai lại chậm như vậy.

17 PTNTĐ tập trung trong 7 lĩnh vực KH&CN như công nghệ sinh học (5 PTNTĐ), công nghệ thông tin (3), công nghệ vật liệu và chế tạo máy (2 cho mỗi lĩnh vực), công nghệ hóa dầu và năng lượng (1 cho mỗi lĩnh vực), và các lĩnh vực khác (3).

PTNTĐ khác với phòng thí nghiệm bình thường là đưa ra nền tảng, phương thức chung nhất cho các nơi khác áp dụng, để làm ra sản phẩm cụ thể phục vụ đời sống, sản xuất.

Khi ban hành quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của PTNTĐ, Bộ KH&CN quy định PTNTĐ có chức năng giám định các kết quả phân tích, thí nghiệm, kiểm nghiệm liên quan.

Bộ cũng cho biết PTNTĐ dành cho tất cả các đối tượng là cán bộ khoa học công nghệ (kể cả người ngước ngoài) đến thực hiện công trình nghiên cứu.

PTNTĐ còn có quyền kí kết hợp đồng nghiên cứu khoa học, các hợp đồng kinh tế.

Đặc thù các PTNTĐ là thiết bị hiện đại, giá trị lớn vì thế vốn đầu tư xây dựng của nhà nước cũng lớn. Tiến độ yêu cầu làm nhanh, bản thân những cơ quan đứng ra làm chủ lại chưa quen.

Theo quy định, 17 PTNTĐ của giai đoạn một là các công trình xây dựng thuộc nhóm B, thời gian kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành là chỉ 4 năm. Nhưng như đã nói, hầu hết đều quá thời hạn hoàn thành.

Tình trạng chờ nhập khẩu từng trang thiết bị đặt ở nước ngoài về kéo dài, mất rất nhiều thời gian nên “các máy móc thiết bị mua về trước, hoạt động không thường xuyên hay hoạt động cầm chừng để chờ những thiết bị nhập về sau. Kết cục là chúng cũng chóng hỏng”, ông Chính nói.

Đó là với những phòng khi chưa đồng bộ về trang thiết bị. Những phòng đã hoàn thành, được nghiệm thu, chính thức đi vào hoạt động lại vấp phải khó khăn lớn hơn.

Các PTNTĐ có trang thiết bị hiện đại, thông số hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ đa phần lấy từ các phòng thí nghiệm cũ. Thế là lại có lý do phải có thời gian đào tạo nâng cao trình độ. “Có  nơi cử người đi học nâng cao nhưng chưa hiệu quả”, ông Chính nói.

Lại một mục tiêu nữa được đặt ra, hết năm 2008 sẽ hoàn thành đủ 17 PTNTĐ theo quy định. 

Trong khi kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ quan chủ quản còn chưa rõ ràng, 17 PTNTĐ hoàn thành liệu có thực hiện đúng chức năng, hay lại nằm chờ đội ngũ cán bộ đủ trình độ vận hành.

Với tốc độ rùa ấy, không khéo trọng điểm lại thành nhẹ điểm. Hàng nghìn tỉ đồng đầu tư lại được kết luận là lãng phí. Ai chịu trách nhiệm. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.