Xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh để giám sát môi trường

Xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh để giám sát môi trường
Trạm đặt ở Cầu Diễn (Hà Nội), sẽ thu nhận và xử lý 3 loại ảnh vệ tinh phục vụ nhiều mục đích dân sự, quân sự... mà trước mắt là theo dõi biến động tài nguyên, môi trường.
Xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh để giám sát môi trường ảnh 1

Qua ảnh vệ tinh đã xử lý, có thể theo dõi được những diễn biến môi trường, thời tiết.

Đây sẽ là hệ thống giám sát môi trường toàn diện, hiện đại nhất ở Việt Nam tới nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký hợp đồng với Cty Truyền tin và Xử lý ảnh của châu Âu để triển khai dự án. Cty này sẽ cung cấp cho Việt Nam một trạm tiếp nhận hình ảnh từ các vệ tinh quan sát trái đất SPOT của Pháp và ENVISAT của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, trạm sẽ thu và xử lý 3 loại ảnh vệ tinh:

- Ảnh SPOT, có độ phân giải cao, tới 2,5 m. Loại ảnh này phục vụ cho những nhu cầu cần quan sát mặt đất thật chi tiết.

- Ảnh Radar, độ phân giải 10 m, giúp cho việc khảo sát những biến động trên mặt đất. Từ việc thu ảnh theo nhiều chu kỳ trong một năm, các chuyên gia sẽ tính ra được những thay đổi về độ che phủ của rừng, địa vật, độ cao...

- Ảnh Meritz: Độ phân giải 30 m, dùng trong trường hợp chỉ cần quan sát những biến động có tính vĩ mô (quy mô lớn) như lũ, cháy rừng.., không cần ảnh quá chi tiết để giảm tốn kém.

Hiện tại, các công đoạn xây dựng cơ bản đang được tiến hành. Dự kiến vào cuối 2006, trạm sẽ bắt đầu thu và phát ảnh qua mạng đến người sử dụng. Trạm được điều hành bởi Trung tâm Viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết, đưa trạm này vào hoạt động, Việt Nam sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí mua ảnh.

Mặt khác, Việt Nam có thể hoàn toàn chủ động về thời gian để thu ảnh (muốn thu lúc nào thì thu), căn cứ vào tình hình thời tiết thực tế. Trong khi đó nếu mua ảnh của nước ngoài, ta phải đặt họ từ trước ít nhất nửa năm, lại không chủ động được về điều kiện thời tiết.

Thông qua ảnh vệ tinh đã xử lý, các cơ quan khai thác như Bộ NN&PTNT, Bộ Thủy sản, Tổng Cty Dầu khí Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn... có thể theo dõi được môi trường, nguy cơ cháy rừng, diễn biến tài nguyên đất, biển, nước, khoáng sản, dầu mỏ và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp, từ đó đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Đây là dự án cho vay tài trợ từ phía Pháp, trị giá 20 triệu euro, được ký kết nhân dịp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Pháp đầu tháng Sáu.

Hiện tại, một số trung tâm, viện nghiên cứu của Việt Nam cũng đang có hệ thống thu và xử lý ảnh song chất lượng ảnh không cao. Ảnh vệ tinh của Viện Vật lý (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) không đủ để phục vụ công tác điều tra chi tiết. Trung tâm khí tượng thuỷ văn có ảnh thu NOOA, nhưng độ phân giải rất thấp (từ 300 - 400 m), chỉ để phục vụ quan sát mây di chuyển.

MỚI - NÓNG