Nhân Tuần lễ Quốc gia Nước sạch & Vệ sinh nông thôn (28/4 - 4/5/2006):

Xem “thầy địa lý” tìm nước

Xem “thầy địa lý” tìm nước
TP - Bằng phương pháp không giống ai, bằng thiết bị do mình tự chế, “thầy địa lý” Vũ Bằng phát hiện ra nhiều mỏ nước ở những vùng khô cằn mà các phương pháp hiện đại mất rất nhiều thời gian, thậm chí, không tìm thấy.
Xem “thầy địa lý” tìm nước ảnh 1
Nhóm công nhân của Mai Như Núi đang khoan một giếng mới ở bản Biện

Tôi gặp KS Trịnh Quốc Hải - Cán bộ Phòng Địa Kỹ thuật, Viện Địa chất (GI) thuộc Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam, tại một địa điểm ở huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), cùng KS Vũ Bằng, một trong những người Việt Nam đầu tiên đem thuật ngữ “tia đất” vào Việt Nam và ứng dụng nó để tìm chỗ đất tốt hay xấu cho sức khỏe.

Hôm ấy, hai tuần trước Tuần lễ Nước sạch năm nay, KS Hải vừa về từ xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình), nơi GI có hợp đồng với tỉnh Hòa Bình khoan thăm dò tìm nước sinh hoạt cho bà con.

Một mũi khoan cắm xuống nền đất đá từ cuối năm ngoái, song xui xẻo thế nào, đến độ sâu 20m, gãy mũi khoan. Thế là phải dừng lại vì mỗi mét khoan tốn 1 triệu đồng chứ không ít.

Nay các nhà khoa học lên xác định chỗ khoan khác cách chỗ cũ vài mét. Mỏ nước ở các vùng núi đá vôi thường không nhiều và nếu có cũng không mấy lớn. Vì thế chỉ chệch một tý là hỏng. Và nước đã có. Khoan một lần có ngay, lưu lượng 3m3/giờ, đủ dùng cho chục hộ.

- Các điểm khoan nước khác mà KS Vũ Bằng phối hợp thành công với GI có thể kể đến khu trang trại ở xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hồi tháng 8/2005.

- Tại xóm Tiên Tiến, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trong ba năm, từ 2/3/2005, “thầy địa lý” Vũ Bằng giúp tìm và khoan thấy nước sinh hoạt cho 12 giếng.

- Theo KS Hải tại GI, phương pháp kỳ dị của KS Bằng không thể xây dựng thành quy chuẩn để triển khai diện rộng bởi nó không phù hợp với bất cứ phương pháp hiện hành nào. Tuy nhiên, do độ chính xác rất cao của cách tìm không giống ai ấy, các nhà khoa học ở GI vẫn thường mời KS Bằng đi mỗi khi khảo sát mỏ nước. “Nhiều khi chúng tôi giảm rất nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc” - KS Hải nói với Tiền Phong.

Kỳ lạ nữa là, suốt hai năm hợp tác với KS Bằng, KS Hải thừa nhận vẫn chưa thể làm chủ phương pháp mặc dù cũng được trao các công cụ thô sơ như đôi đũa kim loại hay quả lắc.

Trước đó, thôn cũng được hưởng một giếng với công suất 2,5m3/giờ. Thành thử, bà con Ngọc Sơn mừng như bắt được ngọc nơi sơn trang nghìn năm nay chỉ dựa vào nước suối.

Nhưng điều thú vị của câu chuyện Ngọc Sơn chính là cách tìm ra mỏ nước không giống ai. KS Hải thừa nhận các phương pháp tìm nước kinh điển là rất chính xác song vô cùng tốn kém về thời gian và tiền bạc.

Thông thường, để khoan thăm dò một mỏ nước ngầm bằng phương pháp địa vật lý hiện đại, phải mất ít nhất hai ngày. Đầu tiên phải vẽ  ít nhất ba mặt cắt tại điểm khoan thăm dò. Mỗi mặt cắt cần không dưới 15 điểm khảo sát và chi phí cho mỗi điểm cỡ 600.000 đồng. Vị chi, tổng chi cho đợt khảo sát hiện đại phải 25-30 triệu đồng.

Nếu tính cả các đo vẽ bản đồ, khảo sát địa chất thủy văn, chụp ảnh vệ tinh, trước đó, v.v..., chi cho một điểm khảo sát đội thêm 10 triệu đồng.

Chính vì sự nhiêu khê về thời gian và tiền bạc như thế, tiến độ khoan giếng nước cho các vùng sâu vùng xa và vùng núi rất chậm.

KS Hải cũng không tin phương pháp của KS Bằng. Nhưng thực tiễn lại hoàn toàn trái ngược với hoài nghi về lý thuyết. Hai điểm khoan giếng ở Ngọc Sơn kia không phải được tìm bằng địa vật lý, bằng quy trình khoa học chính thống, mà bằng phương pháp cực kỳ đơn giản, dò tìm tia đất.

“Thầy địa lý” Vũ Bằng chỉ mất 15 phút để chỉ ra điểm này hay điểm kia có nước hay không. Tổng kinh phí khảo sát không bao giờ vượt quá 5 triệu đồng. Đã thế, còn tự đặt điều kiện, thấy nước trước trả tiền sau.

Anh Mai Như Núi ở Lai Châu, trưởng một nhóm toàn người miền núi chuyên nghề khoan, thừa nhận việc xác định vị trí mỏ nước của KS Vũ Bằng có độ chính xác trên 90%. “Chưa bao giờ chúng tôi khoan sướng như bây giờ. Hợp tác với bác Bằng, hầu như khoan đâu trúng đấy”.

Một ngày đầu tháng Tư năm nay, tôi theo KS Vũ Bằng lên bản Biện (xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, Hoà Bình) để nghiệm thu hai giếng khoan nước trên vùng núi cao hơn mặt biển gần nghìn mét. Đấy là khu trang trại rộng 35 ha của nhóm các nhà khoa học triển khai công nghệ trồng cây rau quả ôn đới cung cấp cho Hà Nội.

Gần 4 tỷ đồng đầu tư ban đầu nhưng đến khi đụng đến điều tưởng đơn giản nhất lại tắc. Không có nước. KS Trần Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vạn Thành, quá hiểu thảm họa đang chờ trang trại khi bản thân ông có hàng đống bài học từ sở hữu 5 trang trại rau hoa lớn nhất Đà Lạt.

Ông mời KS Vũ Bằng. Trong lòng vẫn không tin nên mời luôn một giáo sư ở Đại học Địa chất lên trang trại cùng ngày cùng giờ. Hai nhà khoa học, một hiện đại và một bằng phương pháp bí hiểm sau khi hoàn thành khảo sát, đưa ra trả lời hoàn toàn khác nhau.

Giáo sư X, mất nửa ngày khảo sát, nói với bên thuê khảo sát “Tôi chỉ có thể trả lời trong vòng sáu tháng nữa”. KS Vũ Bằng,  nửa tiếng đi loăng quăng với cái khung dây kỳ dị, trả bài tại trận: “Tôi khẳng định có nước và tìm được vị trí khoan rồi”.

Vị trí đó đúng là có nước với lưu lượng 4m3/giờ mỗi giếng cách nhau 500 mét theo đường chim bay, vượt quá mong đợi của bên thuê.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.